Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Về miền giới tuyến: Chuyện ở "dòng sông một bờ" (Bài 2)

Thanh Hải - 10:59, 28/04/2022

“Cách một con sông mà đó thương đây nhớ. Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa”. Chẳng thế mà nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường khi đặt chân đến bên bờ Nam con sông Bến Hải trong thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đã từng thốt lên: “… một con sông kỳ lạ của Vĩnh Linh. Sông gì mà chỉ có “một bờ”, tồn tại như một nỗi đoạn tuyệt của lịch sử, ròng rã mấy mươi năm…”.

Di tích lịch sử cầu Hiền Lương
Di tích lịch sử cầu Hiền Lương

Một thời, nhiều người vẫn gọi Bến Hải là “dòng sông một bờ”, dòng sông giới tuyến.

Sông Bến Hải chỉ dài hơn 100km, khởi phát từ đỉnh núi Động Chân trên dãy Trường Sơn rồi trôi đi giữa bao làng mạc, ruộng đồng hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh rồi đổ ra biển cửa Tùng.

Thuở xưa, sông có tên là Rào Thanh, Minh Lương. Ở Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị), sông được gọi là Bến Hải. Chảy qua làng và trôi dưới chân cầu Hiền Lương thì thành sông Hiền Lương. Khi đổ nước ra biển ở cửa Tùng, thì người ta gọi luôn là sông cửa Tùng. Cái tên nào là đúng cho dòng nước lịch sử này, lâu nay vẫn là sự tranh cãi thú vị. Nhưng, với cách gọi nào thì cũng đều có lí.

Đem câu chuyện trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Thái Văn Thành, thì được lí giải: người dân bên bờ gọi tên sông theo địa danh mà nó chảy qua. Nhưng Bến Hải là cái tên xuyên suốt của dòng sông giới tuyến.

Những năm kháng chiến, quân và dân Vĩnh Linh đã sống những tháng ngày gian khổ mà hào hùng, anh dũng bên dòng Bến Hải. Ngày lao động sản xuất, đêm đêm, những nông dân bỗng hóa những dân quân, du kích chở bao chuyến hàng, bao chiến sĩ lặng lẽ vượt sông sang tiền tuyến trên những con đò.

Con đường hành quân vào Nam của những chiến sĩ đã đi qua dòng sông giới tuyến, “dòng sông chỉ có một bờ” suốt hàng chục năm trời như vậy giữa mưa bom, bão đạn.

Một góc làng Tùng Luật, nơi có bến đò B huyền thoại
Một góc làng Tùng Luật, nơi có bến đò B huyền thoại

Thời ấy, có nhiều bến đò trên dòng sông Bến Hải, đã hoạt động như vậy, đã trở thành huyền thoại, thành biểu tượng cho khát vọng thống nhất non sông. Đó là bến đò A (bến cửa Tùng), bến đò B (bến Tùng Luật), bến đò C (bến Lũy), bến đò Thượng Đông và Dục Đức.

Từ sau năm 1958, Mỹ - Diệm thực hiện kế hoạch “lấp sông Bến Hải - Bắc tiến”. Vì thế, tất cả các đường qua lại trên đường giới tuyến đều chấm dứt mọi hoạt động công khai.

Trước tình hình đó, bến đò B trở thành một trong những điểm bí mật với nhiệm vụ đưa đón cán bộ, bộ đội, dân công và vũ khí đạn dược sang bờ Nam phục vụ chiến trường, hỗ trợ và thúc đẩy phong trào cách mạng.

Do hội đủ các điều kiện về địa lý và quân sự, bến đò B là con đường ngắn nhất nối Vĩnh Linh với chiến trường Gio Linh, Triệu Phong, Đông Hà. Chính vì lý do này mà bến đò B đã trở thành trọng điểm đánh phá của kẻ địch.

Bất chấp điều ấy, dân quân du kích Tùng Luật, với sự hỗ trợ của nhân dân Vĩnh Giang và các xã lân cận đã bám trụ chiến đấu, duy trì hoạt động để chi viện cho các chiến trường.

Chỉ trong 5 năm từ 1968-1973, đã có hơn 78.000 chuyến đò qua lại, vận chuyển trên 1,5 triệu lượt bộ đội, gần 400.000 lượt dân công, gần 2 vạn người dân Quảng Trị vừa được giải phóng sơ tán ra Vĩnh Linh qua bến đò B. Ngày cao điểm, bến đò B đã thực hiện 145 chuyến, vận chuyển qua bờ Nam hơn 21.000 người và hàng tấn vũ khí.

Đội Quân nhạc biểu diễn hướng về bờ Nam sông Bến Hải
Đội Quân nhạc biểu diễn hướng về bờ Nam sông Bến Hải

Gọi là dòng sông huyền thoại, nên cũng có bao câu chuyện kì lạ. Thời ấy, có những buổi biểu diễn văn nghệ mà sân khấu ở bờ Bắc, còn khán giả là bà con bên kia sông. Bà con bờ Nam đi xem văn nghệ nhưng phải đứng giữa một rừng lưỡi lê, dùi cui và báng súng của cảnh sát. Chỉ cần một cái vỗ tay, một lời xuýt xoa khen, một nụ cười tán thưởng là lập tức bị ăn đòn, thậm chí bị tống giam...

Mỗi lần văn công bờ Bắc biểu diễn là một ngày hội của bờ Nam. Về sau, địch ra lệnh cấm dân kéo ra sông xem mỗi khi có văn nghệ. Bà con bờ Nam nghĩ đủ cách để thưởng thức lời ca điệu múa bên kia. Với đàn ông, họ tháo tranh lợp nhà từ chiều hôm trước, lúc văn nghệ biểu diễn, thì leo lên mái, lấy lý lợp lại nhà, nhưng cốt để nhìn sang bên kia. Với các mẹ các chị thì soạn những áo quần, lưới, mang thau chậu ra bờ sông để giặt, phơi. Tay giặt mà mắt nhìn.

Đem áo ra sông mà giặt - Áo mòn, dạ vẫn trinh nguyên/ Đem lưới xuống bến mà phơi - Lưới khô, mắt thì đẫm huyết” là vậy.

Sông Bến Hải bắt nguồn từ núi Động Chân thuộc dãy Trường Sơn
Sông Bến Hải bắt nguồn từ núi Động Chân thuộc dãy Trường Sơn

Bà con bờ Nam muốn nhắn tin với người thân bờ Bắc, chỉ có thể đứng bên sông dùng ám hiệu: Hai cánh tay quặt ra phía sau là muốn nói rằng có người vừa bị bắt; đầu vấn khăn tang, hai tay úp mặt là báo người thân vừa mới qua đời...

Ðám tang ở vùng giới tuyến thời ấy có đến “bốn đoàn” đưa tiễn. Đấy là hai đoàn người song song ở bờ Bắc và bờ Nam. Bóng hai đoàn soi xuống dòng sông làm thành hai đoàn nữa.

Trong gần hai thập kỷ ngăn cách, con sông này đã chứng kiến một chuyện kỳ lạ nữa, đó là cái ngày màu nước sông chuyển thành màu đỏ. Đầu tháng 5 năm 1967, cuộc hành quân “Hich-cơ-ri Lam Sơn 58” nhằm giải tỏa khu vực bắc Gio Linh, đánh phá hậu phương và chặt đứt con đường tiếp viện, vận chuyển lương thực, vũ khí từ miền Bắc, tiến hành xúc dân trong khu phi quân sự phía Nam.

Sáng 20/5/1967, trở thành một trong những ngày đau thương nhất của nhân dân vùng giới tuyến. Hàng ngàn bà con từ bờ Nam bồng bế, dắt díu nhau trốn chạy, ào xuống sông, nhằm thẳng bờ Bắc kêu cứu. Nhưng những tràng súng máy tàn bạo từ trực thăng xả xuống, pháo hạm từ biển dội lên khiến Bến Hải thành dòng sông máu và nước mắt.

Anh hùng LLVTND Trương Văn Đo ở thôn Phan Hiền xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh) rưng rưng: Nhân dân bờ Bắc đã bằng mọi cách, lao ra giữa dòng cứu người dân bờ Nam nhưng không cứu hết. Sau trận ấy, chí căm thù giặc càng thêm ngút trời.

Cụm di tích đôi bờ Bến Hải
Cụm di tích đôi bờ Bến Hải

Chiến tranh đi qua đã để lại đôi bờ sông Bến Hải một cụm di tích tập trung, gồm các hạng mục: Cầu Hiền Lương, Kỳ đài, Cổng chào năm 1961, Nhà liên hợp, Đồn Công an nhân dân vũ trang Hiền Lương, Nhà trưng bày hiện vật, Giàn loa phóng thanh ở bờ bắc, Cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất”, tháp canh, lô cốt, bia tưởng niệm, đế cờ ở bờ Nam...

Các di tích lịch sử nơi đây đã tái hiện lại một cách chân thực, sinh động một thời kháng chiến, giữ nước hào hùng của cha ông. Đứng dưới bóng cột cờ vĩ tuyến, trong tôi đã trào dâng một niềm kiêu hãnh, tự hào lớn lao.

Lá cờ ấy, kể từ ngày Hiệp định Giơ-ne-vơ kí kết cho đến ngày thống nhất non sông và mãi đến hôm nay, đã luôn phần phật trong nắng gió. Chính lá cờ ấy đã gieo lên niềm tin, ý chí để đôi bờ Bến Hải qua bao thăng trầm, gian khó của những cuộc chiến mà vẹn tròn, để Nhân dân đôi bờ, Nhân dân hai miền không còn chia cắt.

Bài 3: Nghị sĩ vùng giới tuyến

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.