Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách và đời sống

Về sóc Bom Bo vui cùng tiếng chày ngày hội...

Thanh Liêm - 12:05, 11/07/2024

Địa danh sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước - hậu phương vững chắc của cách mạng trong thời kỳ kháng chiến. Năm xưa, đồng bào Xtiêng nơi đây ngày đêm giã gạo nuôi quân, sẵn sàng ăn củ rừng để nhường gạo, ăn tro để nhường muối cho bộ đội. Cảm xúc từ tấm lòng yêu nước đó, cố nhạc sĩ tài hoa Xuân Hồng đã viết lên ca khúc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” và đã đi vào lòng người của bao thế hệ người Việt.

Đồng bào dân tộc Xtiêng tiếp tục kế thừa và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình
Đồng bào dân tộc Xtiêng tiếp tục kế thừa và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình

Kinh tế phát triển

Chúng tôi trở lại sóc Bom Bo vào một ngày đầu tháng Sáu để cảm nhận cuộc sống mới của đồng bào Xtiêng hôm nay trên quê hương cách mạng. Già làng Điểu Lên, sinh năm 1945, dân tộc Xtiêng ở sóc Bom Bo (trước là thôn 1, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng) cho biết, già sinh ra, lớn lên trên mảnh đất Bom Bo. Chưa tròn tuổi đôi mươi, già đã nhập ngũ, tham gia hơn 40 trận đánh lớn nhỏ, được Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Cứ mỗi lần nghe bài hát về sóc Bom Bo, già lại cảm thấy rạo rực cái không khí đốt đuốc “giã gạo ban đêm vì ngày bận làm mùa” của bà con thuở trước. Già vẫn thường kể về ánh đuốc lồ ô trên căn cứ Nửa Lon cho con cháu nghe trong những bữa tiệc sum vầy, hay những đêm cồng chiêng ấm nồng men rượu cần. 

"Để nâng cao đời sống người dân, nhất là đồng bào DTTS, những năm qua, tỉnh Bình Phước và huyện Bù Đăng đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người dân phát triển nông nghiệp, từ đó đã giúp bà con trong huyện vươn lên thoát nghèo, đời sống nhiều hộ ổn định, khá giả”.


Bà Nguyễn Thị Hồng ThắmTrưởng Phòng LĐTB&XH huyện Bù Đăng

Phát huy tinh thần cách mạng trong chiến tranh giải phóng dân tộc, hiện nay, bà con Bom Bo cần cù lao động, chí thú làm ăn, với ý chí, khát vọng vươn lên làm giàu.

Gia đình chị Điểu Thị Xia cũng là một trong những “mẫu” gia đình trẻ siêng năng chí thú làm ăn. Là con gái của già làng Điểu Lên, từ nhỏ, Thị Xia đã được thừa hưởng từ cha mẹ những nghề truyền thống của dân tộc mình. Với hàng chục năm làm nghề chế biến ẩm thực dân tộc, chị Thị Xia thành thạo chế biến đủ loại món ăn theo khẩu vị của đồng bào mình để phục vụ khách du lịch. Ngoài thời gian chế biến ẩm thực, chị Thị Xia còn tận dụng thời gian rỗi rãi để dệt thổ cẩm, chế biến rượu cần bán cho du khách ngay tại nhà mình.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm - Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Bù Đăng cho biết, để nâng cao đời sống người dân, nhất là đồng bào DTTS, những năm qua, tỉnh Bình Phước và huyện Bù Đăng đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người dân phát triển nông nghiệp, từ đó đã giúp bà con trong huyện vươn lên thoát nghèo, đời sống nhiều hộ ổn định, khá giả. Đặc biệt, trong chương trình giảm 1.000 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2023, thì huyện Bù Đăng chiếm đến 502 hộ. Hiện, toàn huyện chỉ còn 254 hộ nghèo, trong đó 165 hộ là đồng bào DTTS. Huyện phấn đấu đến cuối năm nay sẽ cơ bản xóa hết hộ nghèo.

Đồng bào dân tộc Xtiêng sóc Bom Bo giã gạo trong một dịp lễ hội
Đồng bào dân tộc Xtiêng sóc Bom Bo giã gạo trong một dịp lễ hội

Văn hóa được bảo tồn

Anh Điểu Té, 34 tuổi, là một trong những chủ hộ gia đình trẻ tiêu biểu có kinh tế ổn định ở sóc Bom Bo. Ngoài cơ ngơi hơn 1,8 ha vườn trồng cao su, điều, cà phê trồng đan xen, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, vợ chồng anh Điểu Té còn tham gia làng nghề ẩm thực phục vụ du khách để kiếm thêm thu nhập. Từ khi Khu bảo tồn văn hóa dân tộc Xtiêng sóc Bom Bo được đầu tư xây dựng khang trang, du khách đến tham quan ngày càng đông, từ đó công việc của hai vợ chồng trở nên bận bịu tối ngày. 

“Khu bảo tồn được xây dựng đã giúp gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập. Có những tháng lời cả 7, 8 triệu đồng, mừng lắm”, Điểu Té nói.

Ông Vũ Đức Hoàn - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bù Đăng cho biết, hồi tháng 10/2015, Dự án Khu bảo tồn văn hóa dân tộc Xtiêng sóc Bom Bo được khánh thành. Dự án có tổng diện tích hơn 113 ha, trong đó có 70 ha vùng lõi. Giai đoạn 1 Dự án Khu bảo tồn khởi công xây dựng từ năm 2010, với tổng vốn đầu tư hơn 85 tỷ đồng.

Từ khi bàn giao về cho huyện Bù Đăng quản lý, vào đầu năm 2018, huyện đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để nâng cấp, chỉnh trang, tô điểm cho Khu bảo tồn thêm hoàn thiện, khang trang. Các công trình, hiện vật đáng chú ý như: Nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà bán hàng lưu niệm, hệ thống nhà vệ sinh; bộ đàn đá kỷ lục Việt Nam nặng 20 tấn; bộ cồng chiêng lớn nhất Việt Nam gồm 6 chiêng, 5 cồng có đường kính 2,15m, nặng 600 kg.

“Khu bảo tồn rất có ý nghĩa đối với đồng bào dân tộc Xtiêng và tỉnh Bình Phước. Không chỉ là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa đặc sắc truyền thống của đồng bào dân tộc Xtiêng, Khu bảo tồn còn là điểm du lịch về nguồn, nơi tái hiện bức tranh đời sống sinh hoạt hằng ngày của đồng bào dân tộc Xtiêng để quảng bá, giới thiệu với du khách gần xa”, ông Hoàn khẳng định.

Tin cùng chuyên mục
“Giữ chân” người bảo vệ rừng bằng cơ chế đặc thù

“Giữ chân” người bảo vệ rừng bằng cơ chế đặc thù

Việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp là một trong những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ, phát triển rừng. Tại Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Lào Cai khóa XVI ngày 22/8/2024 đã thông qua Nghị quyết số 14/2024/NQ-HĐND (NQ14) về mức cấp kinh phí, đầu tư, hỗ trợ đầu tư, khoán bảo vệ rừng; hỗ trợ tiền ăn cho người tham gia chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Trong đó, ban hành mức cấp kinh phí khoán bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh đối với các loại rừng với mức hỗ trợ đều tăng so với trước đây.