Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Xã nghèo Cư Prông đổi thay nhờ Chương trình MTQG 1719

Lê Hường - 23:01, 09/03/2024

Là xã đặc biệt khó khăn của huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, xã Cư Prông đang đổi thay từng ngày nhờ những dự án hỗ trợ thiết thực, căn cơ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719). Theo đó, hàng chục căn nhà mới khang trang, kiến cố được xây dựng hỗ trợ hộ nghèo an cư, các tuyến đường sửa chữa, làm mới phẳng lì, sạch đẹp, công trình thủy lợi được cải tạo, nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Ấm áp những ngôi nhà từ Chương trình MTQG 1719

Cách trung tâm huyện Ea Kar 30km, xã Cư Prông nép mình dưới chân núi Cư Prông hùng vĩ, tiếp giáp huyện M’Đrắk. Toàn xã có 12 dân tộc cùng sinh sống tại 9 thôn, buôn, với 1.168 hộ, 4.987 khẩu, trong đó đồng bào DTTS chiếm 80%, chủ yếu là các dân tộc phía Bắc di cư vào sinh sống.

Con đường bê tông dẫn vào buôn M’um phẳng lì, sạch đẹp vừa được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719). Chia sẻ với chúng tôi, ông Hoàng Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Prông vui mừng nói: Nhà nước đầu tư đường đẹp, nâng cấp công trình thủy lợi, xây nhà ở, hỗ trợ sinh kế cho người dân, mở ra nhưng cơ hội mới để người dân phát triển kinh tế, từng ngày đi lên.

Buôn M’um, xã Cư Prông có 47 hộ, 209 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Ê Đê. Đất canh tác ít, điều kiện tự nhiên không mấy thuận lợi nên đời sống của người dân buôn M’um gặp rất nhiều khó khăn. Toàn buôn hiện có 28 hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo, nhiều hộ không có nhà ở, thiếu tư liệu sản xuất để phát triển kinh tế.

Anh Y Dem Mlô, trưởng buôn M’um cho biết: Buôn M’um nằm là địa bàn xa nhất xã, nằm sâu trong thung lũng, tách biệt với trung tâm xã. Thực hiện Chương trình MTQG 1719, năm 2023, buôn M’um có 5 hộ được hỗ trợ xây nhà ở theo Dự án 1, 11 hộ được hỗ trợ bò sinh sản theo Tiểu dự án 2, Dự án 3. Một số đoạn đường được sửa chữa, làm mới giúp diện mạo của buôn thay đổi, tươi sáng hơn. Đó chính là hỗ trợ thiết thực của Nhà nước chính là động lực để hộ nghèo vươn lên, từng bước phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Một góc xã vùng sâu Cư Prông
Một góc xã vùng sâu Cư Prông

10 năm lập gia đình là chừng ấy năm vợ chồng chị H’Rên Niê (35 tuổi) sống cùng bố mẹ và các em trong ngôi nhà sàn cũ, chật chội, sinh hoạt bất tiện. Chị H’Rên kể: Khi kết hôn, bố mẹ cũng cho một ít đất rẫy trồng mì (sắn) và 1 sào đất lúa nước. Nhưng đất xấu, năng xuất cây trồng không cao, thu nhập bấp bênh, trang trải cuộc sống gia đình còn khó khăn nên chưa bao tôi giờ dám nghĩ sẽ có một ngôi nhà tươm tất. Bây giờ được Nhà nước hỗ trợ xây nhà khang trang, kiên cố như thế này, vợ chồng chị như được tiếp thêm động lực để cố gắng vươn lên, yên tâm làm việc, tập trung phát triển kinh tế, nuôi con cái ăn học đàng hoàng.

 “Với tôi đó là niềm hạnh phúc rất lớn, là mơ ước về mái ấm mà vợ chồng tôi suốt bao năm qua. Gia đình tôi biết ơn Nhà nước, các cấp ngành và chính quyền địa phương đã hỗ trợ gia đình tôi nhà ở”, chị H’Rên Niê bộc bạch.

Dọn đồ về nhà mới, gia đình anh Hoàng Văn Tính, thôn Hạ Long vui mừng khôn xiết. Anh Tính bảo: Theo gia đình vào đây lập nghiệp, sinh sống, đất canh tác ít, chủ yếu trồng mía, mì phụ thuộc vào tiết trời, năng suất năm được năm mất, trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học còn khó khăn, nên chuyện làm nhà vợ chồng gác lại, chưa dám nghĩ đến. Bây giờ được nhà nước hỗ trợ nhà rồi, vợ chồng yên tâm làm việc, tập trung phát triển kinh tế, nhanh chóng thoát nghèo.

Thực hiện Dự án 1, Chương trình MTQG 1719, năm 2023, xã được xây dựng 36 ngôi nhà cho các hộ nghèo đồng bào DTTS. Đến nay, các ngôi nhà đều đã hoàn thiện, người dân đã đưa vào sử dụng.

Con đường được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn xã Cư Prông
Con đường được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn xã Cư Prông

Xã nghèo khởi sắc

Cư Prông là xã đặc biệt khó khăn. Thu nhập chính của người dân dựa vào nông nghiệp, nhưng đất sản xuất ít, canh tác không thuận lợi nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo cao, toàn xã hiện là 23% hộ nghèo, 9.4% hộ cận nghèo. Nguồn vốn từ các Dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 đầu tư vào xã, tạo đà để Cư Prông khởi sắc về diện mạo, nâng cao đời sống Nhân dân.

Vừa được hỗ trợ bò sinh sản theo Tiểu dự án 2, Dự án 3 về hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị, gia đình chị Hoàng Thị Tuyết, thôn 6a, xã Cư Prông được hỗ trợ một con bò và làm chuồng trại, với kinh phí hơn 21 triệu đồng. Chị Tuyết chia sẻ: Gia đình mình chỉ có mấy sào đất mía, cả năm thu hoạch một lần, giá cả bấp bênh nên mãi không thoát nghèo. Được nhà nước hỗ trợ bò sinh sản, làm chuồng trại và cán bộ nông nghiệp xã hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Đó là tiền đề tạo đà cho gia đình mình phát triển chăn nuôi, từng bước thoát nghèo.

Theo báo cáo, năm 2023 xã đã thực hiện cấp bò và hỗ trợ làm chuồng trại cho 50 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo thuộc 5 thôn, buôn trên địa bàn với kinh phí 1 tỷ đồng; duy tu bảo dưỡng 2 nhà cộng đồng, với tổng kinh phí 650 triệu đồng; 2 công trình giao thông kinh phí gần 4 tỷ đồng. Ngoài ra, xã triển khai thực hiện các nội dung tuyên truyền về bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe Nhân dân,…

Đồng bào dân tộc Nùng xã Cư Prông còn giữ gìn nhiều giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có đàn tính, hát then
Đồng bào dân tộc Nùng xã Cư Prông còn giữ gìn nhiều giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có đàn tính, hát then

Ngoài phát triển kinh tế - xã hội, xã Cư Prông cũng rất quan tâm công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, đặc biệt là văn hóa dân tộc Nùng.

Chia sẻ với chúng tôi Phó Chủ tịch UBND xã Cư Prông Hoàng Quốc Việt nhấn mạnh: kết quả đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp ngành từ tỉnh đến thôn, buôn. Việc triển khai thực hiện chính sách đầy đủ, kịp thời đã giúp cho người nghèo giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh được đầu tư từng bước được cải thiện và nâng cao, công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất được quan tâm. 

Điều quan trọng nữa là, nhận thức của một bộ phận người nghèo từng bước được nâng lên, tự giác thay đổi tập quán, tư duy trong sản xuất, tích cực học tập, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.