Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Xóa bỏ hủ tục trong vùng đồng bào DTTS ở Đăk Glei: Cả hệ thống chính trị vào cuộc (Bài 2)

H.Đại - P.Nguyên - 12:18, 06/11/2022

Xác định, để xóa bỏ hủ tục trong vùng đồng bào DTTS, ngoài chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của cấp ủy Đảng, chính quyền...thì sự vào cuộc và quyết tâm của cả hệ thống chính trị là điều kiện quan trọng hàng đầu để thực hiện thành công mục tiêu này.

Già làng A Do (đứng giữa) trao đổi với Bộ đội Biên phòng về tục củi hứa hôn của người Gié Triêng
Già làng A Do (đứng giữa) trao đổi với Bộ đội Biên phòng về tục củi hứa hôn của người Gié Triêng

Theo đó, mỗi tổ chức, đơn vị... căn cứ vào vai trò, chức năng để đề xuất, xây dựng giải pháp phù hợp và phối hợp thực hiện, trong đó cần chú trọng công tác tuyên truyền, vận động đồng bào bằng nhiều hình thức, với phương pháp "mưa dầm thấm lâu" để đồng bảo hiểu, thấy được hệ lụy mà hủ tục gây ra, tự nguyện từ bỏ thì mới có thể xóa bỏ hoàn toàn.

Quyết tâm thực hiện Chỉ thị của Đảng

Vào tháng 4, năm 2021, ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum đã có chuyến công tác thăm và làm việc với huyện Đăk Glei, trong đó có nội dung về thực trạng hủ tục tồn tài trong vùng đồng bào DTTS nơi đây. Tại huyện, Đoàn công tác cũng đã đến tìm hiểu thực tế  ở các xã biên giới Đăk Plô, Đăk Nhoong, Đăk Long. Đồng thời, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã nhắc nhở và chỉ đạo và yêu cầu các địa phương cần phải tập trung, dồn lực quyết liệt hơn nữa việc xóa bỏ các hủ tục ra khỏi đời sống của đồng bào.

Trên cơ sở ý kiến của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Kết luận của Tỉnh ủy, Huyện ủy Đăk Glei đã xây dựng kế hoạch và lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy 12 xã, thị trấn tập trung triển khai  thực hiện 3 Kế hoạch: Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”; Chỉ thị số 13 của Tỉnh ủy “về tăng cường sự lãnh đạo tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn tỉnh” và Cuộc vận động “Phụ nữ Đăk Glei không sinh con thứ 3”. Trong nhiều giải pháp triển khai lồng ghép, đổng bộ, cần chú trọng phát huy vai trò gương mẫu của những cán bộ, đảng viên, Người có uy tín để người dân thực hiện theo.

Già làng A Do, thôn Bung Kon, xã Đăk Plô, chia sẻ, để bà con tin, làm theo, già đã nêu gương vận động con cái trong gia đình thực hiện đầu tiên; sau đó vận động đến họ hàng, người thân xóa bỏ các hủ tục, phong tục lạc hậu. Ví dụ như muốn bỏ tục củi cưới, già vận động bà con chỉ nên làm 20 bó như vậy vẫn giữ truyền thống tốt đẹp, nếu mỗi người phải có 500 bó củi thì phá rừng hết. Già cũng vận động bà con đau ốm thì ra Trạm Y tế xã khám, điều trị không cúng như trước nữa mà thêm bệnh, lại tốn kém; còn chết xấu kiêng kỵ thì bà con cũng đã bỏ hết rồi.

Ông A Phương, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đăk Glei cho biết: Mới đây, Thường trực Huyện ủy cũng đã phân công các thành viên đi kiểm tra tất cả 12 xã, thị trấn và xuống kiểm tra cụ thể tại các thôn, làng. Kết quả, hiện nay tất cả các thôn, làng, các hộ dân cũng đã thực hiện 3 kế hoạch Huyện ủy đã triển khai. Chỉ tính từ giữa năm 2021 đến nay, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đăk Glei đã tổ chức 152 buổi tuyên truyền tại 93 thôn, làng và vận động hơn 4.620 hộ đăng ký cam kết xóa bỏ các hủ tục. Đồng thời, đưa nội dung này vào hương ước, quy ước của các thôn, làng.

Cán bộ xã Đăk Nhoong tuyên truyền, vận động tại hộ gia đình
Cán bộ xã Đăk Nhoong tuyên truyền, vận động tại hộ gia đình

Thay đổi nhận thức của người dân

Là địa phương còn nhiều hủ tục chưa được xóa bỏ nhất trên địa bàn huyện Đăk Glei, thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã Đăk Plô đã xây dựng kế hoạch và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đẩy lùi và từng bước xóa bỏ hủ tục. Bà Y Nghệ, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Plô cho hay: các ngành, tổ chức đoàn thể xã căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình, đã xuống từng thôn, bản tuyên truyền vận động hội viên, đoàn viên đừng kiêng kị, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Nhờ vậy mà hiện đã có 421/444 hộ gia đình tự nguyện ký cam kết thực hiện xóa bỏ các hủ tục. 

Qua công tác tuyên truyền, vận động bước đầu tạo sự chuyển biến tích cực, người dân đã từng bước thay đổi nếp nghĩ, hiểu được tác hại của các hủ tục, phong tục lạc hậu và dần xóa bỏ. Ông A Lek ở thôn Bung Tôn, xã Đăk Plô chia sẻ: xóa được những hủ tục cũng đã giúp cho bà con làm kinh tế tốt hơn.

"Các buổi sinh hoạt chi hội, chúng tôi lồng ghép tuyên truyền để hội viên phụ nữ không thực hiện các hủ tục, phong tục lạc hậu; không sinh con thứ ba, vì sinh nhiều gia đình không có điều kiện để nuôi, kinh tế gia đình không phát triển được. Qua theo dõi thì thấy chị em hội viên cũng nhận thức đầy đủ và về cũng tuyên truyền lại để gia đình thực hiện", chị Y Hội, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Đăk Nớ, xã Đăk Nhoong chia sẻ.

Ban Thường vụ Huyện ủy Đăk Glei làm việc với Đảng ủy xã Đăk Môn về công tác tuyên truyền, xóa bỏ hủ tục, phong tục lạc hậu
Ban Thường vụ Huyện ủy Đăk Glei làm việc với Đảng ủy xã Đăk Môn về công tác tuyên truyền, xóa bỏ hủ tục, phong tục lạc hậu


Đặc biệt, những năm qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng đứng chân ở các xã biên giới, cũng tích cực triển khai công tác tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục lạc hậu. Trung úy A Dưa, Đội công tác địa bàn Đồn Biên phòng Đăk Plô chia sẻ: trong quá trình tuyên truyền, vận động thì có một số bà con không hợp tác, có khi bà con nói tôi không hiểu tiếng phổ thông. Vì vậy, tôi cũng là người Gié Triêng nên tôi dịch lại bằng tiếng Gié Triêng để bà con nắm được, từ đó thực hiện theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Để xóa bỏ các hủ tục, là việc làm không thể một sớm, một chiều mà phải thực hiện thường xuyên, lâu dài, bởi còn một số người già vẫn duy trì, bởi hủ tục đã ăn sâu vào tiềm thức. Chính vỉ vậy, Huyện ủy Đăk Glei cũng đã chỉ đạo các Đảng ủy, các ngành, đoàn thể, thực hiện một cách liên tục, kiên trì, cùng với sự linh hoạt, đổi mới về phương pháp, cách thức, phù hợp với đặc điểm của mỗi địa bàn khu dân cư. 

Theo đó, Đảng ủy các xã thời gian qua, cũng đã tăng cường chỉ đạo UBND, Mặt trận và các tổ chức chính trị, đoàn thể bám thôn, làng tuyên truyền, vận động thường xuyên, để người dân nhận thức đầy đủ những hệ lụy của các hủ tục, phong tục lạc hậu và dần xóa bỏ; đồng bào chung tay đoàn kết làm ăn, vừa xây dựng đời sống văn hóa mới, vừa gìn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn.

Thành quả từ sự quyết tâm xóa bỏ hủ tục vùng đồng bào DTTS ở huyện Đăk Glei được phản ánh trong kỳ sau ...

Tin cùng chuyên mục
Thống Nhất (Đồng Nai): Giải pháp để đồng bào DTTS phát triển bền vững

Thống Nhất (Đồng Nai): Giải pháp để đồng bào DTTS phát triển bền vững

Trên địa bàn huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai có đến 24 thành phần DTTS. Đồng bào DTTS sinh sống đan xen trên địa bàn rộng, cách xa trung tâm tỉnh. Với đặc thù này, mặc dù có những khó khăn nhất định trong việc tổ chức các hoạt động đầu tư, hỗ trợ chính sách dân tộc, tuy nhiên bà con sống đan xen với các thành phần dân tộc khác nên việc học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu khoa học kỹ thuật áp dụng trong sản xuất, kinh doanh khá thuận lợi. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng để đến nay huyện Thống Nhất đã nâng GRDP đạt trên 80 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,66%.