Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sản phẩm - Thị trường

Xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, chè Việt Nam vẫn cần lưu ý điều gì?

Minh Nhật - 07:41, 06/11/2024

Nhìn chung các thị trường đều yêu cầu ngày càng cao đối với an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Các thị trường nhập khẩu chè trọng điểm của Việt Nam được ông Lê Thanh Hòa chia sẻ tại diễn đàn
Các thị trường nhập khẩu chè trọng điểm của Việt Nam được ông Lê Thanh Hòa chia sẻ tại diễn đàn

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam thông tin, sản phẩm chè khi lưu thông cần đảm bảo các nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm.

Trong đó, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất chè phải chịu trách nhiệm về an toàn đối với thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, có phương án quản lý an toàn thực phẩm trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, quy định do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do tổ chức, cá nhân sản xuất công bố áp dụng.

Việt Nam hiện đứng thứ 5 về xuất khẩu chè, xuất khẩu chè đến hơn 100 quốc gia trên thế giới. Sản phẩm chè Việt Nam đã xuất khẩu đi nhiều nước, trong đó Pakistan, Đài Loan, Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU là những thị trường trọng điểm, chiếm khoảng 70% về lượng và hơn 70% về trị giá xuất khẩu.

Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu chè đạt 62 nghìn tấn, trị giá 106 triệu USD, tăng 28,3% về lượng và tăng 30% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá bình quân chè xuất khẩu đạt 1.710 USD/tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Công ty chè Phú Đa, thị trấn Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ có tổng diện tích trồng chè hơn 1.500ha, xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nga, các nước Trung Đông, đạt doanh thu khoảng 100 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 2.000 hộ và hơn 200 lao động tại nhà máy của Công Ty
Công ty chè Phú Đa, thị trấn Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ có tổng diện tích trồng chè hơn 1.500ha, xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nga, các nước Trung Đông, đạt doanh thu khoảng 100 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 2.000 hộ và hơn 200 lao động tại nhà máy của Công ty

Theo ông Hòa, quy định về chè của các nước nhập khẩu có một số điều khác nhau. Ông lấy ví dụ về thị trường Pakistan, chè Việt Nam xuất đi quốc gia này ngoài đáp ứng tiêu chuẩn Codex, ISO, còn phải có chứng nhận Halal. Bên cạnh đó, phải đảm bảo thời hạn sử dụng của sản phẩm còn ít nhất 50% thời hạn sử dụng ban đầu tại thời điểm nhập khẩu.

“Pakistan thường tuân thủ các quy tắc và hướng dẫn của Codex về giới hạn dư lượng tối đa (MRL) của thuốc BVTV, các chất gây ô nhiễm khác và các chất phụ gia trong thực phẩm. Tuy nhiên, Pakistan không có hệ thống thực thi MRL của thuốc BVTV và các chất gây ô nhiễm khác trong thực phẩm sản xuất trong nước”, ông Hòa chia sẻ.

Bộ Thương mại Pakistan thường cập nhật hằng năm danh sách các chất phụ gia thực phẩm có thể nhập khẩu dựa trên hướng dẫn nhận được từ Codex. Doanh nghiệp xuất khẩu, vì thế cần theo dõi thường xuyên để nắm bắt thông tin này.

Với Đài Loan, Bộ Y tế và Phúc lợi (MOHW) là cơ quan có thẩm quyền Trung ương chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm, trong đó có chè. Tất cả các luật, quy định, quy tắc và sắc lệnh chính liên quan đến an toàn và chất lượng thực phẩm đều dựa trên FSSA.

Giới hạn dư lượng tối đa trong tiêu chuẩn và dư lượng thuốc BVTV tại Đài Loan đều được kiểm tra thực tế đều được tính toán trên cơ sở trọng lượng của sản phẩm trên thị trường, việc kiểm tra phải bao gồm chính hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật và các chất chuyển hóa của nó.

“Đài Loan không tự động áp dụng MRL do Codex thiết lập làm tiêu chuẩn mặc định. Hàng nhập khẩu phải chịu sự kiểm tra tại biên giới”, ông Hòa nhấn mạnh.

Với Liên bang Nga, yêu cầu về đăng ký thuốc BVTV và các tác nhân hóa học không được liệt kê trong danh mục (được chỉ rõ) bị cấm sử dụng ở Nga và dư lượng của chúng không được phép có trong hoặc trên thực phẩm nhập khẩu. Một số MRL áp dụng cho chè theo quy định của Liên bang Nga như Aldrin và dueldrin, Hexachlorocyclohexane, Heptachlor…

Trong khi đó, tại thị trường Trung Quốc, từ năm 2022, doanh nghiệp khi xuất khẩu nông sản thực phẩm sang quốc gia này phải tuân thủ theo biện pháp quản lý thực phẩm xuất nhập khẩu (Quy định 249) và Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu thực phẩm vào Trung Quốc (Quy định 248) và các thỏa thuận đã ký giữa hai bên.

Là một quốc gia có truyền thống thưởng thức về chè lâu đời, Trung Quốc yêu cầu các sản phẩm được chế biến từ lá chè phải có chất lượng bình thường, không bị hư hỏng hoặc có mùi, phải tuân thủ các tiêu chuẩn thực phẩm tương ứng và các quy định có liên quan. Cùng với đó, yêu cầu về cảm quan phải có hình dạng và màu sắc bình thường, đáp ứng chất lượng được quy định của từng loại chè.

Đặc biệt, Luật An toàn thực phẩm của Trung Quốc áp dụng các quy định nghiêm ngặt về việc sử dụng thuốc BVTV. Luật cũng thúc đẩy việc loại bỏ các loại thuốc BVTV cực độc có dư lượng cao, tạo điều kiện cho việc nghiên cứu và ứng dụng các sản phẩm thay thế và khuyến khích sử dụng các loại thuốc trừ sâu có hiệu quả cao và ít độc với dư lượng thấp.

Vài năm trở lại đây, Hoa Kỳ cũng dần vươn lên thành quốc gia nhập khẩu chè lớn từ Việt Nam. Trong đó, cơ quan cấp chứng nhận sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu sang Hoa Kỳ là FDA.

FDA sẽ yêu cầu các cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói hoặc lưu trữ thực phẩm, thuốc, thiết bị y tế, thiết bị phát xạ, thuốc lá hoặc sinh học trước khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ phải đăng ký với cơ quan này. Một trong những nội dung chính, là doanh nghiệp xuất khẩu phải có một hệ thống an toàn thực phẩm được áp dụng như hệ thống Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP).

Tương tự, thị trường EU cũng quy định chặt chẽ việc sử dụng thuốc BVTV được phép trong trồng chè. Mức dư lượng thuốc BVTV được quan tâm đặc biệt đối với trà từ các nước châu Á. Ngoài ra, những người mua riêng lẻ, ví dụ ở Đức, thậm chí có thể yêu cầu nghiêm ngặt hơn.

Các bên liên quan phải tuân thủ các quy định của Việt Nam và thị trường nhập khẩu về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh trong quá trình sản xuất
Các bên liên quan phải tuân thủ các quy định của Việt Nam và thị trường nhập khẩu về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh trong quá trình sản xuất

Nhìn chung các thị trường đều yêu cầu ngày càng cao đối với an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó, các nhà bán lẻ lớn và những người mua khác, chẳng hạn như nhà nhập khẩu, có thể có thêm những yêu cầu khác.

“Các bên liên quan phải tuân thủ các quy định của Việt Nam và thị trường nhập khẩu về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh trong quá trình sản xuất. Đồng thời, nghiên cứu kỹ các quy định của thị trường và cập nhật biện pháp về an toàn thực phẩm”, ông Hòa bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục
Tuyên Quang: Hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm theo chuỗi giá trị

Tuyên Quang: Hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm theo chuỗi giá trị

Với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, tạo nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng vùng miền địa phương, thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã đẩy mạnh triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Đặc biệt, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) triển khai trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã và đang mang đến “luồng gió mới” cho nhiều doanh nghiệp, HTX tại vùng đồng bào DTTS và miền núi đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm nông sản, dược liệu có chất lượng.