Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Yên Bái: Thay đổi tư duy để cơ cấu lại ngành nông nghiệp

Hải Khánh - 12:10, 11/07/2023

Những năm qua tỉnh Yên Bái đã cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thay đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp nhằm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm cho thị trường trong nước và quốc tế. Đây là tiền đề quan trọng để Yên Bái hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Việc liên kết tiêu thụ sản phẩm đã thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp
Việc liên kết tiêu thụ sản phẩm đã thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp

Từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp

Yên Bái xác định nông nghiệp có vai trò, vị trí quan trọng, là nền tảng, trụ đỡ để tạo đà phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Theo đó, tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 20, ngày 20/1/2021 về phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Trên tinh thần đó, Đề án “Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025" được xây dựng. Đề án nhằm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp với ba yếu tố chủ đạo là nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Mục tiêu của Đề án đặt ra là phát triển nhanh về quy mô sản lượng, chất lượng các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, hữu cơ, sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc... Bên cạnh đó khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, sử dụng hiệu quả tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo lập sinh kế bền vững trên cơ sở phát huy lợi thế, điều kiện tự nhiên, thế mạnh của các vùng trong tỉnh.

Theo ông Trần Huy Tuấn Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, thời gian qua, tỉnh quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực để cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, hữu cơ, sản phẩm OCOP, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn tiêu thụ với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, từng bước chuyển dần tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Để hiện thực hóa mục tiêu, Yên Bái đã quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu nông sản tập trung theo hướng liên kết nhiều vùng sản xuất vừa và nhỏ liền kề tạo ra vùng sản xuất lớn. Với vùng cao, tỉnh xác định bảo đảm vững chắc sinh kế cho người dân; chuyển mạnh từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa đối với những sản phẩm chủ lực, ưu tiên những sản phẩm đặc sản, hữu cơ gắn với phát triển nhanh các sản phẩm OCOP. Với vùng thấp, hình thành các vùng nguyên liệu chuyên canh nông sản theo chuỗi giá trị với một số sản phẩm chủ lực, có cấp mã số vùng trồng, mã vạch sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng VietGAP, GlobalGAP, gắn với các khu, cụm công nghiệp chế biến và hệ thống vận chuyển, kho bãi.

Việc thay đổi sản xuất quế hữu cơ của Trấn Yên giúp tăng giá trị cho sản phẩm
Việc thay đổi sản xuất quế hữu cơ của Trấn Yên giúp tăng giá trị cho sản phẩm

Điển hình như cây quế được trồng với quy mô diện tích khoảng gần 80.000 ha. Khi chuyển sang sản xuất theo quy trình hữu cơ, hầu hết các sản phẩm này đều được xuất khẩu vào thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản... với giá trị gia tăng trên một đơn vị canh tác cao từ 1,5 -2 lần so với sản phẩm sản xuất theo quy trình thông thường.

Theo bà Trần Thị Hoa ở thôn 6 xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên cho biết: Gia đình bà Hoa cùng các hộ dân trong thôn đã tham gia vào chương trình trồng quế hữu cơ ở địa phương với mong muốn lựa chọn một giống cây trồng phù hợp, có giá trị kinh tế để tăng thu nhập cho gia đình. Khi tham gia chương trình trồng quế hữu cơ, gia đình bà và các hộ dân được tiếp cận những kiến thức hoàn toàn mới về phương pháp canh tác quế. Việc áp dụng phương thức sản xuất hữu cơ không những đảm bảo sức khỏe cho người dân chúng tôi mà còn bảo vệ nguồn nước và giúp cho đất không bị bạc màu. Đặc biệt là sản phẩm quế của chúng tôi sau khi thu hoạch sẽ được các hợp tác xã thu mua với giá cao hơn”..

Đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm

Cùng với cơ cấu lại lĩnh vực và sản phẩm, Yên Bái còn chú trọng đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh liên kết giữa nông dân trong hợp tác xã (HTX) với doanh nghiệp; lấy doanh nghiệp và HTX dẫn dắt, thúc đẩy liên kết sản xuất giữa các hộ dân, tổ hợp tác trong chuỗi giá trị. Chuyển dịch mạnh cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng lâm nghiệp và chăn nuôi; chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Điển hình như, HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận, huyện Văn Chấn - đơn vị tiên phong trong thực hiện liên kết chuỗi. Được thành lập năm 2004 với 12 thành viên, vốn điều lệ 800 triệu đồng với ngành nghề chính là thu mua, chế biến chè xanh, chè đen các loại. Nhờ mạnh dạn đổi mới công nghệ tìm kiếm đối tác, vùng nguyên liệu sạch, bảo đảm chất lượng mà các sản phẩm chè đen của HTX xuất sang các nước Đông Âu, Mỹ, Nga..., được bạn hàng đánh giá cao. Đến nay, HTX đã có 65 thành viên và gần 100 người lao động, tạo công ăn việc làm ổn định cho 80 - 100 lao động có việc làm trong nhà máy và hàng nghìn lao động trồng chè tại địa phương.

Các hộ thành viên vào liên kết được HTX hoạch định chiến lược phát triển, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu đầu ra với giá cao hơn giá thị trường 300 đồng - 500 đồng/kg. Cuối năm, dựa trên hiệu quả xuất khẩu, HTX sẽ hỗ trợ bà con 150.000 đồng - 300.000 đồng/hộ/tháng và đến nay tổng diện tích vùng nguyên liệu của HTX khoảng 300 ha và đang liên tục gia tăng theo từng năm.

Chè đang dần trở thành một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Yên Bái.
Chè đang dần trở thành một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Yên Bái.

Thông qua liên kết với các doanh nghiệp để được đầu tư, trang bị máy móc, đào tạo kỹ thuật chế biến và cam kết bao tiêu sản phẩm cho HTX đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Thu hút, khuyến khích doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để hình thành và phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Việc tái tái cơ cấu lại nền nông nghiệp theo tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đã mang lại giá trị kinh tế cho người nông dân. Từ một địa phương có phương thức sản xuất manh mún, việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật hạn chế, Yên Bái không chỉ bảo đảm an ninh lương thực, mà còn hình thành và phát triển vùng sản xuất hàng hóa với những cây, con chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao. Kinh tế nông nghiệp hàng năm có mức tăng trưởng cao. Năm 2022, tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt gần 5.000 tỷ đồng, tăng 5,95% so cùng kỳ và đạt 131% kế hoạch. Cơ cấu tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 22,57% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, đứng thứ 6/14 tỉnh thuộc vùng Trung du miền núi Bắc Bộ. Hiện nay toàn tỉnh 183 sản phẩm OCOP đạt 3 - 5 sao.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.