Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

An cư trong “Mái ấm nghĩa tình”

Song An - 12:15, 31/03/2023

Mùa mưa năm nay sẽ không còn là nỗi ám ảnh với hàng nghìn gia đình chính sách, khó khăn ở Điện Biên. Những căn nhà nằm trong chương trình hỗ trợ “Mái ấm nghĩa tình, an sinh xã hội” không chỉ hiện thức hóa ước mơ, mà còn giúp đồng bào an cư, yên tâm lạc nghiệp.

Người dân cùng tham gia góp sức hỗ trợ làm nhà mới cho gia đình chính sách tại huyện Tủa Chùa theo Chương trình “Mái ấm nghĩa tình, an sinh xã hội”.
Người dân cùng tham gia góp sức hỗ trợ làm nhà mới cho gia đình chính sách tại huyện Tủa Chùa theo Chương trình “Mái ấm nghĩa tình, an sinh xã hội”.

Hân hoan đón nhà mới

Sau 2 tháng xây dựng, căn nhà cũ của gia đình ông Sùng A Chớ, thôn Háng Cu Tâu, xã Trung Thu (huyện Tủa Chùa) đã “khoác áo mới”.

Ông Chớ chia sẻ: “Ngôi nhà mới bằng gỗ với diện tích gần 80 m2, là niềm mơ ước của hai vợ chồng nghèo. Bởi lẽ, ông bà có 4 mặt con, song kinh tế chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào mấy trăm mét ruộng và mảnh nương nhỏ trồng ngô, nên hàng chục năm nay, cả 6 người cứ sống trong căn lều tạm chưa đầy 30m2. Nhờ các cấp quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ, có nhà mới để ở, gia đình tôi biết ơn nhiều lắm. Có nhà chắc chắn thế này, tôi cũng yên tâm lao động, sản xuất, lo cho con cái”.

Với bà Quàng Thị Sứa, bản Nát, xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo), từ mùa mưa năm nay, không còn là nỗi ám ảnh nữa. Ở tuổi 75, bà phải sống đơn chiếc trong căn nhà vách đất làm từ hơn 20 năm nên nhà xuống cấp, nhiều mảng tường bục phải dùng bạt che.

Khi nghe tin được hỗ trợ 50 triệu đồng để làm nhà mới, bà Sứa và các con khấp khởi mừng thầm. Đứa góp công, người góp của nên căn nhà khang trang nhanh chóng thành hình.

Căn nhà mới của bà Sứa chỉ hoàn thành trong chưa đầy 2 tháng. Ngoài kinh phí theo Chương trình “Mái ấm nghĩa tình, an sinh xã hội” của MTTQ tỉnh Điện Biên, thì gia đình còn nhận nhiều sự hỗ trợ khác. Từ khi san nền, chuẩn bị thi công, đến lúc hoàn thành, con cháu, bà con trong bản thường xuyên có mặt giúp đỡ. Ai cũng hăng hái góp sức. Người vận chuyển nguyên vật liệu, người trộn xi măng, xây gạch, phụ việc. Nhờ vậy nên nhà mới sớm hoàn thành.

Ngày dọn về ở, bà Sứa nói với bà con trong bản: “Tôi mừng lắm, chẳng bao giờ dám nghĩ cuối đời lại được ở nhà đẹp thế này. Bây giờ không sợ mưa to, gió lớn nữa rồi”.

Bàn giao nhà mới cho người dân tại huyện Tủa Chùa.
Bàn giao nhà mới cho người dân tại huyện Tủa Chùa

Nối vòng tay nhân ái

Tương tự, căn nhà mới của gia đình ông Lò Văn Lả, bản Giảng Co Ké, xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên) cũng được xây dựng bằng “tình làng nghĩa xóm”. Ngoài số tiền hỗ trợ 50 triệu đồng, ông Lả vay mượn thêm của họ hàng, người quen. Điều đáng quý là, mỗi viên gạch được xây nên đều có công sức của bà con trong bản.

Theo Trưởng bản Quàng Văn Thành, thì bản Giảng Co Ké thuộc diện đặc biệt khó khăn nên nhiều gia đình vẫn chưa có nhà kiên cố. Chính vì thế, khi nhận được sự hỗ trợ của Chương trình, bà con trong bản đều phấn khởi. “Bà con sẵn sàng chung tay cùng cấp ủy Đảng, chính quyền và các hộ dựng nhà. Gia đình nào cũng bố trí người đến góp công, góp sức hỗ trợ đào móng, làm nền... Nhà mới hoàn thành thì tình làng nghĩa xóm cũng tăng thêm”, ông Thành bộc bạch.

Chương trình “Mái ấm nghĩa tình, an sinh xã hội” được tỉnh Điện Biên triển khai vào cuối năm 2022. Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Gần 1.170 gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt… khó khăn về nhà ở được lựa chọn, hỗ trợ.

Sau hơn 4 tháng tích cực triển khai, 100% ngôi nhà được hoàn thành, bàn giao đúng thời hạn. Mới đây, tại Hội nghị sơ kết chương trình, ông Mùa A Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên đã đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của các thành viên Ban Chỉ đạo. Đặc biệt là sự phối hợp nhịp nhàng của các bên và những đóng góp, chung tay của cộng đồng.

“Gần 1.170 ngôi nhà mới đồng nghĩa với từng đó gia đình khó khăn tại địa phương có thêm điều kiện yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống. Qua đó, tạo động lực, khích lệ bà con vươn lên thoát nghèo, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững của địa phương. Quan trọng hơn hết, chương trình đã huy động và khơi dậy được tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa người dân với người dân trong các cộng đồng dân cư”, ông Sơn nhìn nhận.

Theo đánh giá từ Ban Chỉ đạo, Chương trình đã nhận được sự tài trợ của trên 20 tập đoàn, doanh nghiệp, cá nhân, với số tiền trên 60 tỷ đồng. Các gia đình, dòng họ, Nhân dân trong thôn, bản ủng hộ 620 triệu đồng (bao gồm: tiền, vật liệu) và trên 17.440 ngày công lao động… Sau khi được hỗ trợ làm nhà, có 606 hộ nghèo viết đơn xin thoát nghèo.

Chương trình “Mái ấm nghĩa tình, an sinh xã hội” được tỉnh Điện Biên triển khai vào cuối năm 2022. Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Gần 1.170 gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn về nhà ở được lựa chọn, hỗ trợ…”

Tin cùng chuyên mục
Chung tay hành động vì bình đẳng giới cho phụ nữ, trẻ em DTTS: Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng, xã hội (Bài cuối)

Chung tay hành động vì bình đẳng giới cho phụ nữ, trẻ em DTTS: Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng, xã hội (Bài cuối)

Với nhiều hoạt động hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp xây dựng mô hình tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” đã từng bước xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS... Tuy nhiên, để công tác bình đẳng giới ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt hiệu quả thực chất, bền vững là nhiệm vụ, trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội, trong đó chú trọng tăng cường các hoạt động truyền thông.