Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Cảm nhận quanh đèo Sa Mù: Bình yên dưới thung lũng Tà Rùng (Bài 3)

Thanh Nguyễn - 10:44, 29/05/2022

Vượt khỏi đỉnh Sa Mù, xe chúng tôi lặng lẽ đổ dốc, phía dưới là xã Hướng Việt (Hướng Hóa, Quảng Trị). Từ trên cung đường Hồ Chí Minh nhánh tây nhìn xuống, Hướng Việt nằm trọn trong thung lũng Tà Rùng với cánh đồng lúa, nương bắp và những mái nhà mới. Hướng Việt quá đỗi yên bình...

Người dân Hướng Việt đang kiến thiết lại cuộc sống
Người dân Hướng Việt đang kiến thiết lại cuộc sống

Tôi không định đi qua đèo Sa Mù đợt này, nhưng anh bạn đồng nghiệp cứ nằng nặc; vậy là đi. Trên đường đến Hướng Việt, tôi đã lục lại kí ức về cảnh đổ nát, tan hoang vì mưa lũ; là những bàn tay chới với giữa trắng trời mưa nước… gần 2 năm về trước.

Dọc đường, những dấu vết sạt lở tựa như vết sẹo thời gian. Tôi cứ tưởng tượng rằng, ai đó cầm con dao khổng lồ bạt mạnh vào đồi núi những nhát rất ngọt. Thành ra, xen lẫn màu xanh của núi rừng là màu đất mới tươi nguyên mà cây cối chưa kịp mọc lên.

Khi xe qua cổng đơn vị Đoàn kinh tế quốc phòng 337 ở Hướng Phùng, ngực tôi như có ai bóp mạnh. Phía sau đơn vị 337, vẫn còn đó dấu vết của vụ sạt lở núi năm nào khiến hàng chục cán bộ, chiến sĩ hi sinh. Nhưng cây cối đã dần phủ kín. Tôi đặc biệt chú ý đến con đê bằng bê tông án ngữ dưới chân đồi. Con đê ấy mới được dựng xây gần đây thôi, màu vôi vữa hãy còn mới nguyên, là để phòng sự cố đất lở, nước trôi vì mưa lũ.

Đường vào xã Hướng Việt
Đường vào xã Hướng Việt

Vượt khỏi đỉnh Sa Mù, xe chúng tôi lặng lẽ đổ dốc, phía dưới là thung lũng Tà Rùng. Cả xã Hướng Việt nằm trọn trong thung lũng, bốn phía là rừng và các dãy núi đá vôi bao bọc.

Thảm họa sạt lở cuối năm 2020 đang dần lùi xa vào kí ức, nhưng người Bru Vân Kiều nơi đây không bao giờ quên. Mưa lớn kéo dài khiến hàng triệu khối bùn đất, đá từ dãy núi Ka Lóc ùng ục tràn xuống thung lũng Tà Rùng. 

Sau trận lũ bùn, hàng chục ngôi nhà dưới thung lũng bị hư hỏng, sập đổ; trên 100ha đất trồng lúa, hoa màu bị vùi lấp sâu 1-3 m. Khi ấy, ở thung lũng Tà Rùng nhìn đâu cũng thấy xác xơ, tiêu điều. Lũ bùn đổ về trong đêm khiến ai cũng bất ngờ. Nhiều người chỉ kịp bung cửa, chạy thoát thân, không kịp sơ tán đồ đạc trong nhà. Đến lúc trời sáng, họ mới quay lại, nước mắt ngắn dài tìm nhau. Đập vào mắt họ là cảnh nhà cửa, ruộng đồng bao đời canh tác bị đất đá, cây cối vùi lấp thành bình địa. 

Sau trận sạt lở đất, Hướng Việt không điện, không đường, không nước sạch, không thông tin liên lạc, không trạm y tế, không trường học. “Sáu không” như vậy cứ kéo dài vì mưa vẫn nặng hạt, sạt lở vẫn cứ xảy ra,.. nhiều ngày sau đó. 

Mưa lũ không chỉ tàn phá những ngôi nhà sàn, ngôi trường mà rẫy lúa, nương ngô ở nơi này cũng bị bồi lấp. Tài sản lớn nhất của người dân là bò, gà, dê cũng trôi theo lũ… Hướng Việt trắng tay trước cơn cuồng dữ của đất trời.

Thung lũng Tà Rùng nhìn từ giữa lưng đèo Sa Mù trên đường Hồ Chí Minh nhánh tây
Thung lũng Tà Rùng nhìn từ giữa lưng đèo Sa Mù trên đường Hồ Chí Minh nhánh tây

Bí thư Đảng ủy xã Hướng Việt Hồ Văn Vọng nhớ lại: Sau lũ, đứng ở phía đèo Sa Mù nhìn xuống là cả vùng đất trắng, ngổn ngang đá, không thấy nổi màu xanh. Cũng bởi, ruộng đồng, nhà cửa đã bị vùi sâu dưới lớp đất cát, đá từ trên nguồn đổ về. Nắng lên, màu bàng bạc của vết bùn cũ khiến ai nấy nhói lòng.

Rồi cũng rất nhanh, sự chung tay, chung lòng của nhiều cấp, nhiều ngành cùng hướng về Hướng Việt với sự sẻ chia, đồng cảm sâu sắc. Từ gói mì, cân gạo… đến cây, con giống đã vượt qua bao điểm sạt lở để đến với bà con Bru Vân Kiều ở Tà Rùng.

Hôm nay trở lại Hướng Việt, từ lưng đèo Sa Mù ngó xuống thung lũng Tà Rùng, là cánh đồng lúa, nương bắp và những mái nhà mới xinh tươi. Ruộng lúa, nương ngô sau cải tạo đã cho thu hoạch mấy mùa. Trên đường làng, lũ trẻ tung tăng đến trường… Hôm nay, Hướng Việt sao quá đỗi yên bình. Hướng Việt đã “hồi sinh” đến lạ kì, mà ngay người trong cuộc đôi khi còn ngỡ đó là cổ tích.

Rồi chợt nhận ra rằng, thảm họa lũ lụt năm xưa, có lẽ là bài học lớn để người dân nơi đây vượt qua khó khăn, thách thức trong cuộc sống hôm nay. Bài học lớn ấy, chính là tình đoàn kết, nương tựa, nỗ lực vượt khó, không cam chịu và ỉ lại để cùng nhau vượt qua cơn hoạn nạn.

Ở bản Tà Rùng, người dân đã kêu gọi nhau cùng góp công, góp sức khôi phục diện tích đất ruộng bị vùi lấp và nạo vét hệ thống thủy lợi. Họ làm ròng rã cả tháng trời, vừa hì hục dùng sức vừa dùng máy móc, dần dần bờ be ruộng đồng ngày trước lấp ló hiện ra. Dù không thể khôi phục lại như hiện trạng ban đầu, nhưng hàng chục ha đất ruộng của người dân Tà Rùng đã có thể gieo trồng. 

Ông Hồ Văn Kinh, thôn Tà Rùng, xã Hướng Việt tâm sự: Sau khi nạo vét đất đá, bà con đã gieo cấy lúa trên ruộng có nước. Còn nơi nước không đến được thì xuống giống bắp, sắn và giống lúa rẫy chịu hạn tốt. Tất cả mọi người đều rất quyết tâm, nỗ lực và không trông chờ vào Nhà nước.

Rồi không chỉ ở Tà Rùng, các thôn còn lại của xã Hướng Việt như Ka Tiêng, Xa Đưng… cũng đoàn kết, giúp nhau khắc phục hậu quả thiên tai. Tùy theo điều kiện canh tác, người dân chuyển đổi cây trồng một cách phù hợp, để đất không bị bỏ hoang. 

Màu xanh đã trở lại trên đồng ruộng xã Hướng Việt
Màu xanh đã trở lại trên đồng ruộng xã Hướng Việt

Bí thư Đảng ủy xã Hướng Việt Hồ Văn có lẽ là người vui nhất: Phần lớn diện tích đất ruộng bị vùi lấp đã được khôi phục, người dân đã đi vào sản xuất ổn định, cuộc sống bình yên đang trở lại. Tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 60%, giảm hơn 10% so với thời điểm sau thảm họa lũ lụt.

Theo lời Bí thư Vọng, gần như việc khắc phục hậu quả thiên tai đã được thực hiện xong. Đó là cải tạo gần xong ruộng, rẫy; những ngôi nhà bị cuốn trôi cũng đã được dựng lại; những công trình bị hư hỏng cũng đã được khắc phục, sửa chữa…

Vượt qua cổng chào bằng bê tông, con đường đổ về trung tâm xã Hướng Việt dường như chưa từng bị phá hủy bỡi lũ lụt. Bởi màu xanh trong mỗi khu vườn, bởi con trẻ tung tăng trên đường tới lớp, bởi hạ tầng cơ sở đã được chỉnh trang…

Nhìn bao quát xã Hướng Việt từ km190, đoạn qua thôn Xa Đưng trên con đường Hồ Chí Minh nhánh tây, Hướng Việt hiện ra thật yên bình với một màu xanh no ấm.

Tin cùng chuyên mục
Giữ rừng đầu nguồn bảo vệ dòng sông Bé

Giữ rừng đầu nguồn bảo vệ dòng sông Bé

Sông Bé có chiều dài 350km, bắt nguồn từ Đắk Nông rồi chảy về các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai. Nhiều năm qua, rừng đầu nguồn được bảo vệ nghiêm ngặt đã điều tiết nguồn nước cho các nhà máy thuỷ điện; đồng thời, tạo nguồn thuỷ sản phong phú và đánh thức nhiều tài nguyên du lịch sinh thái của địa phương.