Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng giữa cộng đồng

“Cánh chim đầu đàn” ở buôn Đrao

Lê Hường - 21:21, 15/06/2024

Ở buôn Đrao, xã Cư Né, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, đồng bào Ê Đê xem già Y Krú Ayun là “cánh chim đầu đàn”. Với vai trò là Người có uy tín, già Y Krú Ayun đã giúp nhiều người lầm lỗi vượt biên trái phép trở về quê hương, sống có ích và cùng bà con xây dựng buôn làng.

Già Y Krú phổ biến kiến thức với thanh niên trong buôn
Già Y Krú phổ biến kiến thức với thanh niên trong buôn

Trò chuyện với chúng tôi, già Y Krú kể: Những năm trước, nhiều người dân trong buôn nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu, bí mật rời bỏ buôn làng. Già tìm đến những người bà con trong dòng họ để chuyện trò, hỏi thăm tin tức. Nhờ người thân, họ hàng gọi điện, rồi xin bà con cho già nói chuyện trực tiếp. Lúc đầu họ còn nói dối ở bên đó sống sung sướng. Sau thời gian kiên trì liên lạc, những người “lầm đường, lạc lối” mới chia sẻ thật với già và mong muốn được trở về.

Già đi gặp cán bộ Công an thuật lại sự việc và được tư vấn Nhà nước mình có chính sách khoan hồng, tạo điều kiện cho những người lầm lỗi ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Tin tưởng già, một số gia đình yên tâm hồi hương, trở về với buôn làng.

Xã Cư Né, huyện Krông Búk nằm dọc theo Quốc lộ 14 với 21 thôn, buôn, trong đó đồng bào DTTS chiếm 60%, chủ yếu dân tộc Ê Đê sinh sống tập trung ở 14 buôn. Đây từng là điểm nóng về tình trạng vượt biên trái phép.

Làm dân vận phải kiên trì, cần mẫn, sâu sát, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, giúp bà con phân biệt được tốt xấu, nói đi đôi với việc làm thực tế thì bà con mới tin tưởng và làm theo”.

Già Y Krú buôn Đrao, xã Cư Né

Năm 2020, xã Cư Né có 4 hộ đồng bào DTTS vượt biên trái phép hồi hương, trong đó có 3 hộ ở buôn Đrao, 1 hộ ở buôn Dhía. Già Y Krú cùng chính quyền địa phương đi tiếp nhận đưa họ về buôn, hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu. Cùng với đó, già Y Krú còn vận động bà con trong buôn chung tay, góp sức giúp các hộ hồi hương tái hoà nhập cộng đồng.

Như gia đình chị H’Pr.M, từng bị kẻ xấu dụ dỗ vượt biên sang Campuchia. Lúc sang tới nơi, chị bị lừa hết sạch tiền, lâm vào cảnh khốn khó. Nhưng chị H’Pr.M cũng không dám nghĩ đến chuyện trở về vì sợ bị bà con kỳ thị, xa lánh, pháp luật trừng trị. May mà có già Y Krú giúp đỡ, bà con mở lòng, tạo điều kiện để chị H’Pr.M bắt đầu cuộc sống mới. Đến nay, chị H’Pr.M đã có cuộc sống ổn định, không còn mang trong lòng mặc cảm lầm lỗi.

“Trong các buổi phát động quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc ở xã, mình không ngại kể lại câu chuyện nhớ đời trót dại vượt biên và khuyên bà con tỉnh táo không bị kẻ xấu dụ dỗ”, chị H’Pr.M chia sẻ.

Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo vệ buôn làng được chú trọng
Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo vệ buôn làng được chú trọng

Theo già Y Krú, hiện nay, các thế lực thù địch vẫn luôn tìm mọi cách chống phá khối đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Chúng dùng nhiều thủ đoạn, lời hứa hão huyền về cuộc sống thiên đường nơi đất khách để dụ dỗ, lôi kéo bà con vượt biên. Vì vậy, già luôn căn dặn bà con, không có ai tự nhiên cho mình tiền bạc, cuộc sống sung sướng nếu không chịu khó lao động. Nhà nước rất quan tâm đến vùng đồng bào DTTS, đầu tư cơ sở vật chất, điện, đường, trường, trạm khang trang. Còn có nhiều chính sách hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở, cây, con giống, giúp bà con phát triển kinh tế, có cuộc sống ngày càng tốt hơn. Bà con phải tỉnh táo, không nghe theo kẻ xấu mà bỏ buôn làng.

“Làm dân vận phải kiên trì, cần mẫn, sâu sát, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, giúp bà con phân biệt được tốt xấu, nói đi đôi với việc làm thực tế thì bà con mới tin tưởng và làm theo”, già Y Krú cho hay.

Với những đóng góp thiết thực, già Y Krú nhiều lần được các cấp, ngành khen thưởng. 

Tin cùng chuyên mục
"Chữa bệnh" cho chiêng

"Chữa bệnh" cho chiêng

Với sứ mệnh lưu giữ “hồn cốt” của cồng chiêng Tây Nguyên, những nghệ nhân tại các buôn làng Gia Lai đang miệt mài chỉnh sửa những tiếng chiêng lạc nhịp, để tiếng chiêng, tiếng cồng cổ mãi ngân vang “chín suối, mười đồi”. Họ như những bác sỹ không quản ngại ngày đêm lặn lội trên khắp các buôn làng để "chữa bệnh" cho chiêng.