Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Chi Lăng (Lạng Sơn): Thúc đẩy bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ

Văn Hoa - 22:50, 16/08/2023

Những năm qua, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) đẩy mạnh các hoạt động về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào bộ máy chính quyền, các hoạt động chính trị - xã hội, qua đó giúp phụ nữ bình đẳng hưởng các quyền cơ bản, từng bước nâng cao vị thế, khẳng định vai trò quan trọng của mình trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Ngày càng có nhiều phụ nữ khẳng định vai trò của mình trên các lĩnh vực của đời sống xã hội (Trong ảnh: Đồng chí Trần Thanh Nhàn, Bí thư Huyện ủy Chi Lăng trao giải cho cá nhân đoạt giải tại Cuộc thi trắc nghiệm “Tìm hiểu lịch sử Chi Lăng” - Ảnh TL)
Ngày càng có nhiều phụ nữ khẳng định vai trò của mình trên các lĩnh vực của đời sống xã hội (Trong ảnh: Đồng chí Trần Thanh Nhàn, Bí thư Huyện ủy Chi Lăng trao giải cho cá nhân đoạt giải tại Cuộc thi trắc nghiệm “Tìm hiểu lịch sử Chi Lăng” - Ảnh TL)

Để phụ nữ được hưởng các quyền cơ bản

Thực hiện nhiệm vụ công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBPN), UBND huyện Chi Lăng đã đẩy mạnh công tác chỉ đạo, triển khai từ huyện đến cơ sở. Theo đó, UBND huyện Chi Lăng đã ban hành Kế hoạch số 107/KH-UBND ngày 04/4/2022 về thực hiện công tác bình đẳng giới năm 2022 trên địa bàn huyện; Kế hoạch số 265/KH-UBND ngày 19/10/2022 triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022. Trên cơ sở đó, yêu cầu các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn căn cứ vào kế hoạch của huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tại cơ quan, đơn vị và địa phương.

Công tác truyền thông về bình đẳng giới được huyện Chi Lăng đặc biệt chú trọng. UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 124/KH-UBND ngày 15/4/2022 triển khai Chương trình truyền thông về bình đẳng giới trên địa bàn huyện đến năm 2030. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành, văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của phụ nữ như: Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và Gia đình…

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có liên quan đến phụ nữ nói chung, phụ nữ dân tộc, tôn giáo nói riêng tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh. Các đơn vị đã chủ động nắm bắt, kịp thời tuyên truyền vận động bà con giáo dân không tham gia hoạt động truyền đạo trái phép. Các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, quần chúng Nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, phòng chống tệ nạn xã hội, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, xóa bỏ tập tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh

Đặc biệt, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 867/QĐ-UBND ngày 28/02/2019 kiện toàn Ban VSTBCPN gồm 15 thành viên, trong đó Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách Văn hóa - Xã hội là Trưởng ban. 20/20 xã, thị trấn thành lập Ban VSTBCPN do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban và một công chức Văn hóa - Xã hội.

Các hoạt động của Ban VSTBPN huyện ngày càng nề nếp, có chiều sâu, góp phần phát huy mọi tiềm năng, nâng cao vai trò, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, cũng như tạo điều kiện cần thiết để phụ nữ được hưởng các quyền cơ bản của mình một cách bình đẳng và đầy đủ.

Huyện Chi Lăng luôn tạo điều kiện phát huy mọi tiềm năng, nâng cao vai trò, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực đời sống xã hội. (Ảnh TL)
Huyện Chi Lăng luôn tạo điều kiện phát huy mọi tiềm năng, nâng cao vai trò, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực đời sống xã hội. (Ảnh TL)

Vai trò của người phụ nữ ngày càng được khẳng định

Nhằm thúc đẩy quyền bình đẳng giới, cấp ủy, chính quyền huyện quan tâm thực hiện nhiều giải pháp như: Bổ nhiệm nữ vào các chức danh lãnh đạo, tạo điều kiện để cán bộ, công chức và người lao động nữ tham gia học tập, bồi dưỡng...tham gia vào các lĩnh vực.

Ban VSTBCPN các cấp đã phát huy tích cực vai trò là cơ quan phối hợp liên ngành, tham mưu cho UBND các cấp triển khai thực hiện các vấn đề liên quan tới phụ nữ và BĐG; những nỗ lực này đã góp phần tác động đến nhận thức của đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở về BĐG, VSTBCPN và nâng cao hiệu quả tuyên truyền trong Nhân dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng - Vi Quang Trung, nhờ thực hiện tốt công tác BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ, năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023, toàn huyện Chi Lăng chưa có vụ bạo lực gia đình, buôn bán, bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái nào xảy ra.

Huyện Chi Lăng luôn tạo điều kiện để cán bộ, công chức và người lao động nữ tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao năng lực
Huyện Chi Lăng luôn tạo điều kiện để cán bộ, công chức và người lao động nữ tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao năng lực

Hiện nay, tổng số cán bộ, công chức cấp huyện có 84 người, trong đó cán bộ lãnh đạo nữ 11 người. Đặc biệt, tỷ lệ nữ tham gia đại biểu HĐND cấp huyện nhiệm kỳ 2021-2026 là 7/35 đại biểu, đạt tỷ lệ 20%; tỷ lệ nữ tham gia đại biểu HĐND cấp xã là 94/402 đại biểu, đạt tỷ lệ 23,38%; tỷ lệ nữ làm việc ở các phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện 24/47 người, đạt tỷ lệ 51,06%; tỷ lệ nữ quy hoạch vào các cơ quan, phòng, ban chuyên môn của huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 là 33/91 người, chiếm tỷ lệ 36,26%.

Phó Chủ tịch huyện Chi Lăng - Vi Quang Trung nhấn mạnh, thời gian tới, nhằm thực hiện tốt công tác bình đẳng giớ và VSTBPN, huyện Chi Lăng tăng cường thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bình đẳng giới; nhất là thực hiện chính sách đối với lao động nữ. Đặc biệt quan tâm đến phụ nữ nghèo, nông thôn, cao tuổi, đơn thân, tàn tật, bị bạo hành, trẻ em gái bị lạm dụng. Đảm bảo các nguồn lực cần thiết để triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới và VSTBPN trên địa bàn huyện.

Thực hiện Dự án 8, Chương trình MTQG 1719 về "Thực hiện thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", năm 2022-2023 huyện Chi Lăng được giao 642 triệu đồng.  Hiện nay, huyện cũng đang tập trung triển khai 04 nội dung của Dự án 8 gồm: Tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em.  Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, các làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em.  Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của cộng đồng; giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị. Trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc, tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.