Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Để di sản không chỉ là danh hiệu

Sỹ Hào - 17:56, 15/03/2023

Từ ngày 7/3 - 7/5/2023, các tổ chức, cá nhân sẽ đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị định quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) trong danh sách của UNESCO và Danh mục DSVHPVT quốc gia. Đây là 1 trong 3 nhóm chính sách lớn thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Di sản văn hóa, cần phải sửa đổi, bổ sung để di sản được công nhận không chỉ là danh hiệu.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là một trong 15 DSVHPVT của nhân loại được UNESCO công nhận. (Ảnh minh họa)
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là một trong 15 DSVHPVT của nhân loại được UNESCO công nhận. (Ảnh minh họa)

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), nước ta đã có 62.283 DSVHPVT của 63 tỉnh, thành phố được kiểm kê; 288 DSVHPVT được đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia, trong đó có 145/288 di sản của các DTTS, chiếm hơn 50% tổng số di sản... Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) cũng đã vinh danh 15 DSVHPVT của Việt Nam, trong đó có 4 di sản của đồng bào các DTTS.

Nhưng thực tế, lâu nay, rất nhiều di sản được khai thác để phục vụ phát triển kinh tế một cách quá đà, thiếu tính bền vững. Không những vậy, việc vinh danh danh hiệu DSVHPVT của nhân loại hay của quốc gia đang được coi như là một cuộc đua giữa các địa phương. Tuy nhiên, sau khi lễ đón bằng di sản được tổ chức, tất cả lại rơi vào quên lãng…

Sự yếu kém trong bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT một phần xuất phát từ hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước về di sản. Công tác quản lý Nhà nước về DSVHPVT hiện chủ yếu dựa trên cơ sở Luật Di sản văn hóa (thông qua năm 2001; sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009) và các văn bản dưới luật liên quan. Sau 22 năm, những quy định của luật đã thực sự “vênh” với thực tiễn.

Đặc biệt, đối với DSVHPVT, các khái niệm trong Luật Di sản văn hóa đề cập còn chung chung, chưa rõ ràng. Khoản 1 - Điều 4 của luật này định nghĩa: “DSVHPVT là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác”. Nhưng luật lại không làm rõ các tiêu chí “tái tạo không ngừng”, “truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác”... dẫn tới khó khăn trong công tác quản lý, hoạt động kiểm kê, nhận diện và bảo vệ, phát huy giá trị DSVHPVT.

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa là vừa đúng, vừa trúng, nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Thủ tướng giao Bộ VHTT&DL sớm xây dựng dự thảo luật sửa đổi để lấp đầy các khoảng trống pháp lý; trong đó chính sách phải rõ, hợp lý, có tính khả thi cao.

Trong lộ trình hoàn thiện quy định của pháp luật liên quan, mới đây, Bộ VHTT&DL đã đưa dự thảo Nghị định quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT trong danh sách của UNESCO và Danh mục DSVHPVT quốc gia ra lấy ý kiến rộng rãi. Dự thảo gồm 4 chương, 31 điều, quy định các biện pháp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá DSVHPVT của Việt Nam. Thời gian lấy ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân cho Dự thảo từ ngày 7/3 đến ngày 7/5/2023.

Việc “trình làng” các quy định mới, chặt chẽ hơn để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT là rất cần thiết; nhưng quan trọng hơn là sự tiếp thu ý kiến đóng góp của Ban Soạn thảo. Vấn đề quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT vốn không hề mới. Ðã có rất nhiều cuộc hội thảo về vấn đề nhận thức và đối xử với các di sản quy tụ được rất nhiều các nhà khoa học và đại diện các địa phương nơi có di sản. Nhưng hội thảo xong thì mọi việc “đâu vẫn vào đó”. Đây là “khoảng trống” cần phải được lấp đầy trước khi hoàn thiện dự thảo Nghị định trình Chính phủ ban hành.

Tin cùng chuyên mục
Đại biểu Quốc hội đề nghị cần có cơ chế, chính sách đặc thù để “miền núi tiến kịp miền xuôi”

Đại biểu Quốc hội đề nghị cần có cơ chế, chính sách đặc thù để “miền núi tiến kịp miền xuôi”

Thảo luận tại hội trường về tình hình phát triển kinh tế -xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm kiến nghị việc thực hiện chính sách liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi. Báo Dân tộc và Phát triển trích đăng một số ý kiến đại biểu tại phiên thảo luận.