Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tìm trong di sản

Điện Biên: Nghệ thuật trang trí trên trang phục của dân tộc Lào được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Minh Nhật - 06:56, 09/11/2024

Ngày 8/11, UBND huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) tổ chức Lễ công bố và trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật trang trí trên trang phục của dân tộc Lào.

Đồng chí Nguyễn Thái Bình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên và đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào, cho cộng đồng dân tộc Lào ở hai huyện Điện Biên và Điện Biên Đông
Ông Nguyễn Thái Bình - Chủ tịch UBND huyện Điện Biên và đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào, cho cộng đồng dân tộc Lào ở hai huyện Điện Biên và Điện Biên Đông

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Điện Biên, chúc mừng cộng đồng dân tộc Lào và khẳng định, sự kiện hôm nay không chỉ là niềm vui, tự hào của riêng dân tộc Lào, mà là niềm tự hào chung của cộng đồng các DTTS ở Điện Biên.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Ngày 9/4/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 952/QĐ-BVHTTDL công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có Di sản “Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào” ở huyện Điện Biên và huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.

Thiếu nữ dân tộc Lào huyện Điện Biên và huyện Điện Biên Đông bên khung dệt
Thiếu nữ dân tộc Lào huyện Điện Biên và huyện Điện Biên Đông bên khung dệt

Đây là cơ sở pháp lý khoa học, không chỉ khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc tôn vinh các di sản văn hóa, mà còn quảng bá, tuyên truyền, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Để phát huy và bảo tồn giá trị di sản văn hóa, những năm qua huyện Điện Biên và huyện Điện Biên Đông đã mở các lớp tập huấn, bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của dân tộc Lào. Cùng với đó là tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ nghề dệt thổ cẩm dân tộc Lào, như: Váy, áo, túi xách, khăn quàng…

Cùng với đó, tại hai huyện Điện Biên và Điện Biên Đông đã tổ chức hội thi làm trang phục, thêu và dệt hoa văn thổ cẩm, trình diễn trang phục của người dân tộc Lào nhằm giới thiệu vẻ đẹp, giá trị trang phục truyền thống, bản sắc văn hóa đặc trưng của người Lào.

Bà con dân tộc Lào ở huyện Điện Biên dự lễ công bố và trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật trang trí trên trang phục của dân tộc Lào.
Bà con dân tộc Lào ở huyện Điện Biên dự Lễ công bố và trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật trang trí trên trang phục của dân tộc Lào

Dân tộc Lào là 1 trong 19 dân tộc cùng chung sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Hiện, dân tộc Lào cư trú tập trung tại 23 bản thuộc 9 xã của hai huyện Điện Biên và Điện Biên Đông.

Nghệ thuật trang trí trên trang phục của dân tộc Lào được hình thành, phát triển qua quá trình lao động, sản xuất; là kết quả sáng tạo của nhiều thế hệ, được trao truyền, lưu giữ trong Nhân dân.

Hoa văn trên trang phục truyền thống của dân tộc Lào không chỉ thể hiện những giá trị văn hóa đặc trưng trong đời sống sinh hoạt của bà con, mà còn chứa đựng nhiều bài học nhân sinh quan sâu sắc.

Các sản phẩm dệt của dân tộc Lào thường có hoa văn sặc sỡ, sắc nét
Các sản phẩm dệt của dân tộc Lào thường có hoa văn sặc sỡ, sắc nét

Ông Nguyễn Thái Bình - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cho biết, trong những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cộng đồng dân tộc Lào tại huyện Điện Biên và Điện Biên Đông luôn quan tâm công tác giữ gìn, phát huy nét đẹp truyền thống trang phục dân tộc Lào.

Tuy nhiên, dưới tác động của cuộc sống hiện đại, sự giao thoa văn hóa đặt ra không ít nguy cơ dẫn đến sự mai một bản sắc văn hóa, do đó, tại sự kiện công bố, trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật trang trí trên trang phục của dân tộc Lào, ông Nguyễn Thái Bình đề nghị bà con dân tộc Lào ở Điện Biên cần có ý thức, quyết tâm hơn để giữ gìn nghề dệt vải thổ cẩm, giữ gìn nét đẹp trong từng hoa văn trên mỗi sản phẩm, vật dụng của cộng đồng dân tộc Lào; đồng thời chú trọng truyền dạy tình yêu, niềm tự hào văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ và Nhân dân, du khách.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Xác lập kỷ lục buổi trình diễn nhạc Ngũ âm lớn nhất Việt Nam

Sóc Trăng: Xác lập kỷ lục buổi trình diễn nhạc Ngũ âm lớn nhất Việt Nam

Trong khuôn khổ Lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I - năm 2024, tối 11/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức trình diễn nhạc Ngũ âm của đồng bào dân tộc Khmer với quy mô lớn nhất Việt Nam.