Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Đồng bào Mông ở Suối Đồng thoát nghèo nhờ nghe theo vận động của đảng viên Giàng Mí Páo

Vũ Đăng Bút - 09:51, 11/11/2023

Những ngày đầu định cư ở thôn Suối Đồng, ông là người đi đầu trong những việc khó, tích cực phát triển kinh tế, cùng cấp ủy Đảng, chính quyền vận động Nhân dân đẩy lùi hủ tục lạc hậu, xây dựng bản làng giàu đẹp… Đó là những nỗ lực của ông Giàng Mí Páo, dân tộc Mông, Bí thư Chi bộ, Người có uy tín, Trưởng thôn Suối Đồng, thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Ông chính là những người mang văn minh, tiến bộ cho đồng bào mình.

Ông Giàng Mí Páo (bìa trái) vận động người dân trong thôn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa.
Ông Giàng Mí Páo (bìa trái) vận động người dân trong thôn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa.

Ông Giàng Mí Páo sinh năm 1944, đã có thời gian 6 năm trong quân đội và được kết nạp vào Đảng trong thời gian tại ngũ. Khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, ông được Nhân dân tín nhiệm bầu làm cán bộ thôn bản. Ông Páo nhớ lại, năm 1979, khi xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc, gia đình ông cùng 21 hộ gia đình, với 153 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Mông ở 4 xã Phố Là, Phố Cáo, Lũng Táo, Sủng Là của huyện Đồng Văn được bố trí sơ tán về thôn Suối Đồng, huyện Vị Xuyên.

Khi mới đến thôn Suối Đồng, cuộc sống của bà con vô cùng khó khăn, đất đai toàn đồi núi trọc, lau sậy, diện tích đất canh tác không có nhiều, lại rất bạc màu, duy nhất chỉ có 2ha đất ruộng nước, cấy lúa một vụ. Thiếu phương tiện sản xuất, thiếu giống, thiếu vốn, tập quán canh tác của bà con lạc hậu. Mấy năm đầu, tư tưởng của bà con không ổn định, một số người không chịu được đã trở về quê cũ. Ngay bản thân ông Páo cũng phải đi làm thuê để nuôi sống gia đình, nhưng cũng không đủ ăn.

Là đảng viên duy nhất trong thôn, đã từng lăn lộn trong thời kỳ quân ngũ, ông Páo thực sự thấu hiểu và trăn trở trước những khó khăn, vất vả của gia đình và các hộ dân trong thôn.Do vậy, khi Đảng và Nhà nước có chính sách định canh định cư cho đồng bào các dân tộc, ông Páo đã cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền thị trấn Việt Lâm vận động Nhân dân yên tâm ổn định xây dựng cuộc sống mới.

Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là phải làm cách nào để phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo cho Nhân dân? Sau nhiều đêm suy nghĩ, đồng thời tìm hiểu, học tập cách thức làm ăn trên các phương tiện thông tin đại chúng và học tập của các hộ gia đình, các xã lân cận, ông Páo đã bàn và cùng 10 anh em trong gia đình quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai phá thêm đất ruộng, trồng thêm một số loại cây hoa màu như sắn, khoai, trồng lúa và trồng được một số loại cây ăn quả như cam, quýt, chanh.

Từ đó, cuộc sống của gia đình ông Páo và một số hộ gia đình khác đã đủ ăn, không còn bị thiếu đói. Thấy có kết quả, cả thôn Suối Đồng đã cùng ông Páo quyết tâm bám đất, bám làng để xây dựng quê hương mới, bảo nhau cần, kiệm trong chi tiêu để có tiền mua sắm thêm phương tiện sản xuất, như trâu cày, các loại giống mới, chịu khó làm ăn, từ đó đã tạo ra phong trào xoá đói giảm nghèo trong cả thôn. Bà con, ban ngày thì đi làm, buổi tối cùng nhau ngồi lại bàn cách làm ăn...

 Ông Giàng Mí Páo (thứ ba, từ phải sang) cùng cán bộ thị trấn Việt Lâm tuyên truyền người dân xây dựng đời sống văn hóa mới.
Ông Giàng Mí Páo (thứ ba, từ phải sang) cùng cán bộ thị trấn Việt Lâm tuyên truyền người dân xây dựng đời sống văn hóa mới.

Riêng gia đình ông Páo đã hình thành được mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng, với  0,5ha lúa nước cấy 2 vụ; 3 nghìn cây quế, 4 nghìn cây mỡ, hơn một ha trồng các loại cây rau màu, đỗ đậu; đào được 500 mét vuông làm ao thả cá và tạo được vườn cam, quýt với gần 400 cây..., nguồn thu từ mô hình, trừ chi phí mỗi năm vẫn còn khoảng 40 triệu đồng. Gia đình ông còn nhận trồng và khoanh nuôi, tái sinh hơn 2ha rừng, trở thành một trong những gia đình khá giả trong thôn

Ông Páo nghĩ, một mình gia đình mình có cuộc sống khá giả thì chưa đủ, mà phải cùng với địa phương giúp đỡ, tạo cho bà con trong thôn cùng làm giàu. Có như vậy mới đạt được mục đích định canh định cư lâu dài, vững chắc. Ông đã mạnh dạn đứng ra tín chấp vay cả trăm triệu đồng của Ngân hàng cho gia đình và những bà con cần vay vốn để phát triển sản xuất; đồng thời xây dựng quỹ tín dụng tiết kiệm thôn bản, vận động Nhân dân gửi tiền tiết kiệm để cho những hộ cần vốn đầu tư cho sản xuất.

 Do biết đầu tư đúng mục đích, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh, tăng vụ, nên năng suất cây lúa ở thôn Suối Đồng thời kỳ đầu chỉ đạt 18 - 20 tạ/ha, đã tăng lên 40 - 50 tạ/ha, năng suất cây ngô từ 18 tạ/ha, lên 40 tạ/ha...

Không dừng lại ở đó, nhận thấy nông sản do Nhân dân sản xuất ra rất khó khi tiêu thụ, chủ yếu do đường sá đi lại gặp nhiều khó khăn, ông Páo đã vận động Nhân dân tự làm được 1,5 km đường ô tô và đề nghị huyện hỗ trợ thêm làm được một cầu treo qua con suối lớn vào thôn Suối Đồng.

 Thời điểm này, nguồn kinh phí từ chương trình, dự án chính sách dân tộc, thôn cũng đã được trang bị thêm cơ sở xay sát thóc, ngô, một máy sát vỏ cà phê và xây dựng được một hệ thống thủy lợi, bảo đảm cung cấp đủ nước tưới cho hai vụ lúa và hoa màu...

Ông Giàng Mí Páo vui văn nghệ sau những giờ lao động.
Ngoài tích cực lao động sản xuất, tận tụy với câu chuyện xóa nghèo của thôn, ông Páo còn gương mẫu trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông

Trải qua hơn 40 năm hạ sơn, thôn Suối Đồng đã ổn định về mọi mặt. Hiện nay thôn có 55 hộ, với tổng số 267 nhân khẩu, trong đó không còn hộ đói nghèo, số hộ có mức sống khá và giàu tăng nhanh. Cơ sở vật chất của thôn như hội trường, hệ thống điện, đường, trường, trạm không ngừng được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu cuộc sống của bà con trong thôn. Đặc biệt, ngày bà con mới định cư, thôn chỉ có một đảng viên, nay đã phát triển thành chi bộ. Trong đó, 30 năm nay, ông Giàng Mí Páo liên tục được các đảng viên, cấp trên tin tưởng bầu làm Bí thư Chi bộ.

 Ngoài ra, ông Giàng Mí Páo còn thường xuyên được các cấp chính quyền, các tổ chức ở địa phương và một số bộ ngành Trung ương và Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nêu gương trong việc thực hiện các phong trào, các lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội, an ninh trật tự; xây dựng đời sống văn hóa.... Thôn Suối Đồng được tỉnh biểu dương là một trong những thôn tiêu biểu, điển hình về nhiều mặt của huyện Vị Xuyên và tỉnh Hà Giang.



Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.