Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Hương ước làm đẹp bản làng

Giang Lam - 09:42, 26/10/2022

Khi hỏi người dân bản Cháy và bản Đặng thuộc thôn 7, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) về bản hương ước thì hầu hết mọi người đều nắm rõ từng nội dung quy định. Hơn 30 năm qua, bản hương ước đặc biệt này ra đời, qua nhiều lần sửa đổi, những hộ dân nơi đây vẫn luôn tuân thủ nghiêm ngặt. Họ sống thủy chung, đoàn kết, giữ gìn nét đẹp văn hóa người Dao thanh y, xây dựng kinh tế phát triển.

Trưởng thôn Trương Văn Yên tuyên truyền các nội dung hương ước của thôn bản
Trưởng thôn Trương Văn Yên tuyên truyền các nội dung hương ước của thôn bản

“Lệ làng” bảo vệ bản

Nắng thu trải dài trên nếp nhà, những con đường bê tông sạch sẽ dẫn lối đưa chúng tôi vào bản làng người Dao thanh y thuộc thôn 7, xã Tân Tiến. Người dân nơi đây đều khẳng định rằng, từ mấy chục năm nay, đường làng, ngõ bản luôn sạch sẽ dù ngày trước toàn là đường đất. Vì ai cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh, ai cũng có trách nhiệm xây dựng bản làng sạch đẹp.

Ông Lý Văn Bình là Người có uy tín lâu năm của thôn bản. Ông Bình chia sẻ, ban đầu bản hương ước chỉ có 5 điều cơ bản, xoay quanh nội dung quy định về việc chăn thả, nuôi nhốt trâu, bò, lợn, gà, vệ sinh bản làng…Ông Bình cho biết, trước đây, bà con toàn nhốt trâu, bò, lợn, gà dưới sàn nhà dẫn đến ô nhiễm, bệnh tật. Vậy là hương ước được lập ra với những quy định cụ thể về làm chuồng trại riêng. Thế nhưng có thời gian bà con dựng chuồng chăn nuôi ngay lối ra vào trước cổng nhà, rất mất vệ sinh, mỹ quan. Hương ước lại tiếp tục bổ sung thêm điều khoản mới, điều chỉnh phù hợp với thực tế. Đó là xây dựng chuồng trại cách nhà ít nhất 3m.

Để nội dung hương ước “thấm” vào từng người dân, ngay từ đầu năm, cán bộ thôn đã tổ chức ký cam kết thực hiện hương ước tại các cuộc họp thôn. Đặc biệt, nội dung hương ước còn được nhắc nhở tại các lễ cầu làng hằng năm. Theo ông Lý Văn Bình, trong năm người Dao thanh y có rất nhiều lần tổ chức cầu làng. Mỗi lần ở mỗi thời điểm mang ý nghĩa khác nhau. Đây không chỉ là dịp thực hành nghi lễ tâm linh mà còn là dịp để mọi người nhắc nhở về việc thực hiện quy định trong hương ước. Đó là dịp đầu năm, mồng 3 tháng 3 Âm lịch, ngày 9 tháng 9 Âm lịch. Còn ở Lễ cầu làng cuối năm, người người, nhà nhà quây quần làm lễ tại nhà ông trùm làng và tại đây sẽ có buổi tổng kết khen ngợi, nhắc nhở những người vi phạm.

Bà Trương Thị Minh chia sẻ, vào những dịp này nhà nào được khen ngợi thực hiện đúng, không vi phạm hương ước là hãnh diện lắm. Còn nhà nào bị nhắc nhở dù chỉ là chút ít thôi thì cũng xấu hổ với bà con xóm làng. Về nhà chỉ nghĩ làm sao để sang năm không vi phạm nữa.

Bên cạnh đó, người làng luôn bám sát thực tế cuộc sống để bổ sung quy định vào hương ước, từ đó có định hướng đúng đắn. Có thời điểm, lớp trẻ đi học rồi làm ăn xa trở về, thanh niên “phai nhạt”, xa rời bản sắc văn hóa dân tộc. Và thế là cán bộ thôn và người già trong bản lại họp nhau lại bổ sung quy định về giữ gìn nét đẹp văn hóa, tiếng nói, trang phục, phong tục của người Dao.

Trưởng thôn Trương Văn Yên phân trần, trước tình trạng thanh niên đi làm ăn xa trở về có nhiều người bị “lai căng”. Bên cạnh thay đổi tác phong ăn mặc nhiều bạn trẻ còn nói tiếng nói lai tạp, không chịu nói tiếng đồng bào mình. Người già buồn lắm! Vì không phải là khắt khe với con trẻ, các cháu phải tiếp thu cái mới, cái đẹp nhưng cũng phải biết nâng niu, trân trọng và giữ gìn nét văn hóa truyền thống. Cho nên khi hương ước có thêm quy định về đầu tóc, trang phục của thanh niên trong bản, thì bà con hưởng ứng ngay.

Anh Yên chia sẻ, chính vì hương ước luôn bám sát thực tế, kịp thời bổ sung sửa đổi khi có những nội dung không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thôn hoặc theo nguyện vọng của người dân trong thôn. Tất cả đều được triển khai dân chủ, lấy ý kiến bà con đồng thuận thì mới đưa vào quy định.

 Trẻ em người Dao luôn được các bà, các mẹ nhắc nhở về giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc
Trẻ em người Dao luôn được các bà, các mẹ nhắc nhở về giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc

Giữ nhà sàn và giữ rừng

Hiện nay, bản hương ước của thôn 7, xã Tân Tiến có 6 chương bao gồm những quy định về xây dựng nếp sống văn hóa, bảo vệ môi trường, phát triển và giữ rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội…

Ông Nông Văn Bộ, một người già bản Đặng, thôn 7 rất tự hào về hương ước của bản ông. “Cách đây mấy chục năm, bản ông đã xây dựng hương ước, trong đó quy định về bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước khe suối…Ngày xưa thú dữ nhiều nên bà con phải làm nhà sàn để tránh bị tấn công. Thời điểm đó, chỉ cần vào rừng là có gỗ làm nhà, bây giờ gỗ ít rồi, để giữ được nếp nhà sàn không phải là chuyện dễ. Làm sao để vẫn giữ được nếp nhà sàn mà vẫn giữ được rừng”, ông Bộ mở đầu câu chuyện về hương ước bảo vệ rừng của bản mình như thế!

Và cách mà người dân nơi đây vừa giữ được nếp nhà sàn lại vừa giữ được rừng, đó là: Nhà nào có nhà sàn gỗ thì cố gắng giữ gìn, hạn chế phá bỏ còn nếu muốn xây mới thì thôn bản khuyến khích bà con làm nhà sàn bê tông. Bản hương ước có nội dung: “Phải hạn chế tối đa việc sử dụng gỗ tự nhiên để làm nhà”. Thế là, từ đó đến nay, các gia đình nơi đây sửa lại nhà hoặc làm nhà mới đều sử dụng cột, kèo, xà bằng bê tông. Sử dụng bê tông còn tiết kiệm được hơn một nửa kinh phí so với nguyên liệu gỗ.

Ông Bộ chia sẻ, ông hiện có căn nhà sàn gỗ lâu năm. Thực hiện đúng hương ước, ông luôn động viên con cháu giữ gìn, sau này có hỏng hóc mối mọt thì chỉ sửa sang, thay bằng chất liệu bê tông, tuyệt đối không vào rừng đốn một cây gỗ nào.

Theo Trưởng thôn Trương Văn Yên, cũng từ hương ước mà hàng chục năm nay, không còn tình trạng phá rừng, người dân tích cực chăm lo phát triển kinh tế từ rừng. Toàn thôn hiện có hơn 125ha rừng. Trong hương ước quy định trồng rừng, phát triển kinh tế rừng, nhiệm vụ tham gia bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng; quy định các hành vi cấm chăn thả gia súc trong rừng, chặt cây, đốt nương, đến các quy định về việc xử phạt các hành vi phá rừng. Hay cả việc cấm chặt cây to, khai thác gỗ trong thời gian làm lễ cầu làng cũng được nêu cụ thể tại hương ước. Chính quy định nghiêm ngặt đó nên việc thực hiện trồng rừng, bảo vệ rừng ở thôn rất hiệu quả.

Hiện nay 100% hộ dân trong thôn đều trồng rừng mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Việc trồng rừng đã trở thành phong trào phát triển kinh tế hộ một cách ổn định; đặc biệt là việc cấp chứng chỉ rừng FSC đã nâng cao giá trị cho gỗ rừng trồng. Đến nay, thôn có 5 hộ được cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC, qua đó đã giúp cho người dân thuận tiện trong quản lý, khai thác và tăng thu nhập.

Anh Triệu Văn Mạnh là một hộ dân phát triển kinh tế từ trồng rừng. Hiện nay anh có gần 10ha rừng, chủ yếu là trồng keo và tre, mức thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Anh chia sẻ: “Từ những quy định lâu năm trong hương ước nay tất cả đã trở thành nếp nghĩ, thói quen nên các hộ dân chúng tôi luôn có ý thức việc bảo vệ, phát triển kinh tế rừng”.

Qua bao năm tháng, bản hương ước kế thừa những giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa, hỗ trợ luật pháp bảo vệ, gìn giữ cuộc sống bình yên cho người dân. Bản sắc văn hóa nơi đây luôn được giữ gìn, trẻ con biết nói tiếng Dao, biết làm trang phục truyền thống, đám cưới được tổ chức theo nếp sống mới nhưng vẫn giữ gìn phong tục đẹp riêng có. Kết quả, hằng năm thôn có 90% hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, nhiều năm liền thôn được công nhận thôn văn hóa.

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.