Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Lò nung những đêm không lửa

Đào Quỳnh Anh - 17:22, 21/02/2022

Đối mặt với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lò nung những đêm không lửa, những gia đình làm nghề đậu bạc còn sót lại tại Định Công, quận Hoàng Mai (Hà Nội) đang cố gắng tìm cách khắc phục khó khăn, trở ngại. Niềm vui của họ giờ đây chỉ giản đơn là những chuyến hàng có thể thuận lợi đi đúng nơi về đúng giờ.

Bạc đang được nung chảy tại lò trong xưởng của gia đình họ Quách chuyên làm bạc
Bạc đang được nung chảy tại lò trong xưởng của gia đình họ Quách chuyên làm bạc

Ngóng chờ một chuyến hàng

Hà Nội những ngày này trời trở lạnh và mưa nhiều. Trong con ngõ 270 Định Công Thượng, ông Quách Văn Trường - một Nghệ nhân Ưu tú của làng bạc Định Công lặng lẽ “bầu bạn” với tách trà. Kể từ ngày đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, ông chưa đi ra khỏi khoảng sân này.

Nhớ dạo đầu năm 2021, các chuyến hàng còn tấp nập, mỗi lần mấy trăm mẫu, ông Trường mừng lắm, thi thoảng ông còn mời các bác tài ngồi lại tâm sự. Ông hay hoài niệm và chia sẻ với họ về những ngày phụ giúp bố mẹ làm nghề đậu bạc từ năm 10 tuổi. Mặc dù một mắt của ông bị hỏng, nhưng vì lòng yêu mến với nghề, ông Trường nhất quyết theo đuổi công việc này. Thấm thoát 70 năm trôi qua như thoi đưa, ông vẫn hay hỏi han người con trai của mình, nghệ nhân Quách Văn Hiểu về tình hình làm ăn ra sao.

Đối với ông Trường, những chuyến hàng ra vào đều đặn là một dấu hiệu cho việc kinh doanh gia đình đang ổn định. Tình hình dịch ngày càng diễn biến phức tạp, mọi người ít đến hẳn đi. Dù đã tận dụng các trang mạng xã hội để quảng bá sản phẩm và thu về được một ít đơn, vậy nhưng việc vận chuyển hàng đến nơi lại vô cùng khó khăn, vì các điều kiện phòng dịch nghiêm ngặt của các tỉnh lân cận. Vắng bóng những bác tài, ông Trường dần lặng lẽ hơn, phần vì không còn mấy người khách để trò chuyện, nhưng phần nhiều vì ông lo rằng mọi người không còn đón nhận sản phẩm bạc Định Công nữa.

Những người thợ làm bạc tại xưởng của gia đình họ Quách đang chuẩn bị cho lô hàng mới
Những người thợ làm bạc tại xưởng của gia đình họ Quách đang chuẩn bị cho lô hàng mới

Chén trà ông Trường vừa rót ra, mới thổi được hai nhịp thì thấy người con trai tất bật đi ra từ trong nhà. Ông Trường hỏi:

- Đi đâu mà cuống cuồng lên thế Hiểu?

- Con đi sắp hàng để cậu Tuấn chở vào miền Nam. Có khách đặt trong đó 300 mẫu bố ạ! Con xin phép đi luôn cho kịp giờ đây ạ! - người con trai trả lời.

Nghe thấy vậy, ông Trường mở to đôi mắt đã mờ dần đi sau hàng thập kỷ làm đậu bạc nhìn về phía người con. Ông đặt chén trà xuống và đứng lên trông theo đến khi anh Hiểu khuất bóng ra tới tận đầu ngõ. Ông không nói gì và đi vào nhà.

Ông Trường tìm lại mấy khung gỗ để đóng tác phẩm ông thích và treo lên tường nhà cùng với một dãy Bằng khen Nghệ nhân Ưu tú. Vừa lau dọn mấy tấm kính, ông vừa hào hứng chia sẻ với tôi: “Việc sáng tạo không có giới hạn, một người nghệ nhân luôn phải làm mới mình để sản phẩm ngày một nâng cao chất lượng”. Mặc dù không nói nhiều, nhưng quan sát hành động, tôi hiểu được niềm vui của ông sau bao tháng ngày ngóng chờ một chuyến hàng đến.

Sản phẩm bạc tinh xảo sau khi được hoàn thành
Sản phẩm bạc tinh xảo sau khi được hoàn thành

Thắp lửa lò nung

Đã nhiều tháng nay, những chuyến hàng nguyên liệu không còn về đều đặn như trước, cùng với lệnh giãn cách, anh Hiểu đành cho nhân công trong xưởng nghỉ bớt. Qua nhiều năm gắn bó với nghề, tiếng thão cùng tiếng búa và đe đã in sâu trong tâm trí anh. Đôi khi buồn tay, anh đành tận dụng nốt những sợi chỉ bạc còn sót lại để làm thành một hình mẫu mới. Từng sợi chỉ cánh được anh vuốt tạo hình cẩn thận đóng vào trong khuôn. Sự tỷ mỉ, tính nhẫn nại trong nghề đậu bạc khiến anh Hiểu có cho mình một thói quen “làm gì cũng phải từ từ và chắc chắn kể cả những việc nhỏ nhất trong cuộc sống”.

Xưởng của anh Hiểu giờ đây vơi đi bóng người. Anh tâm sự: “Để có được một người thợ làm đậu bạc không phải dễ dàng. Điều kiện cần là một chữ nhẫn. Nhưng điều kiện đủ là sự đam mê với nghề này. Do vậy, khi đào tạo 10 người may mắn lắm chỉ lấy được 2 - 3 người. Có những lớp truyền nghề của quận, nhưng cũng khó để tìm ra một người thợ gắn bó được với nghề”. Cũng trong thời điểm này, anh Hiểu nghĩ nhiều hơn về việc sáng tác cùng với đào tạo thêm nguồn nhân lực đậu bạc.

Cứ mỗi lần giãn cách vì dịch rồi trở lại như này, anh Hiểu lo rằng một số người làm sẽ bỏ nghề vì thu nhập không ổn định. Vậy nên bài toán về nhân lực sau dịch càng trở thành một gánh nặng hơn cho anh Hiểu. Chưa kể việc đối với sản phẩm kim hoàn, khách hàng thường là người rất khó tính, tay nghề chưa vững có thể bị nhận lại phản hồi không tốt.

Nghệ nhân Quách Văn Hiểu đang thực hiện đóng dấu lời đề cho sản phẩm của mình
Nghệ nhân Quách Văn Hiểu đang thực hiện đóng dấu lời đề cho sản phẩm của mình

Khi thành phố hết giãn cách, các hoạt động vận tải liên tỉnh được hoạt động, lò nung lần nữa lại đỏ lửa. Vì số lượng sản phẩm lớn, anh cũng gọi các nhân công trước quay trở lại. May mắn thay mọi người đều có đủ. Tiếng búa đe cùng thão lại vang lên từ căn xưởng nhỏ, anh Hiểu xuống tận nơi để xem mọi người làm việc và căn dặn lại về những chi tiết cần thay đổi của sản phẩm. Trên gương mặt anh dù thường ngày có nghiêm nghị đến đâu, nhưng giờ đây cũng không thể giấu đi nụ cười. Anh cầm trên tay mấy mẫu hàng mới đã sáng tác được từ thời điểm giãn cách, anh hào hứng giới thiệu và chỉ ra những công đoạn cần thêm vào.

Anh Hiểu mong trong năm mới, khi mọi người đã quay trở lại với cuộc sống bình thường mới, các đơn hàng của gia đình anh nói riêng và các gia đình làm nghề đậu bác tại Định Công sẽ có nhiều hơn, giúp mọi người cũng như các anh em nhân công ổn định được thu nhập. Anh hy vọng trong thời gian sắp tới, các đoàn thể, hội nhóm nghề nghiệp hay thành phố tổ chức được một triển lãm, hội chợ trưng bày các sản phẩm thủ công của các làng nghề. 

Giữa màn đêm tĩnh mịch khác xa với sự huyên náo vào buổi sáng tại Định Công Thượng, ánh sáng tỏa ra từ chiếc đèn, cùng âm thanh lạch cạch của búa và đinh vang lên, anh Hiểu vẫn tiếp tục tỷ mỉ với sản phẩm mới.

Tin cùng chuyên mục
Đổi thay ở Lân Quan

Đổi thay ở Lân Quan

Từng là một xóm vùng sâu đầy gian khó của người Mông, hôm nay Lân Quan, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã có nhiều đổi thay. Phấn khởi hơn, là sự thay đổi tư duy nhận thức của đồng bào Mông trong việc nắm bắt cơ hội, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống gia đình, thôn xóm ngày càng phát triển