Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Màu cờ miền giới tuyến

Thanh Nguyễn - 08:28, 02/05/2023

Bao năm qua, lá cờ Tổ quốc đã luôn tung bay trong nắng gió, trong niềm tự hào dân tộc bên bờ Hiền Lương – cụm di tích quốc gia đặc biệt Hiền Lương, Bến Hải (Quảng Trị). Lá cờ ấy sẽ còn tung bay đến muôn đời sau, như minh chứng cho lòng yêu nước nồng nàn của quân và dân đất lửa. Như chính dòng máu đỏ, nóng ấm chảy trong huyết quản của những con người yêu chuộng hòa bình trên khắp dải đất hình chữ S.

Cờ Tổ quốc luôn tung bay trên kỳ đài ở ven bờ Hiền Lương - Bến Hải.
Cờ Tổ quốc luôn tung bay trên kỳ đài ở ven bờ Hiền Lương - Bến Hải.

Biểu tượng của khát vọng hòa bình

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết ngày 20/7/1954, Vĩnh Linh dựng một cột cờ bằng cây phi lao, cao 12m. Bên kia, ngụy quyền Sài Gòn cắm cờ lên nóc lô cốt Xuân Hòa, cao 15m. Công an vũ trang Vĩnh Linh chặt từ Rú Lịnh một cây gỗ 18m thay thế. “Tức khí”, ngụy quyền lại dựng cột cờ sắt cao 25m. Ngày 17/7, ta lại dựng cột cờ khác, cũng bằng sắt, cao 34,5m. Địch lại hò hét lính xây cột cờ cao 35m, gắn thêm mấy bóng đèn nê-on xanh lét như trêu ngươi. Năm 1962, Chính phủ cử một đơn vị xây dựng vào Vĩnh Linh, xây nên một kỳ đài cao 38,6m, treo lá cờ rộng 108 m2, trên đỉnh gắn ngôi sao vàng bằng đồng, tạm chấm dứt cuộc chiến “chiều cao cột cờ”.

Nhưng địch chưa chịu, chúng dùng đến hạ sách là dội bom để đánh sập kỳ đài. Từ năm 1965 - 1967, bom Mỹ đã 11 lần đánh trúng kỳ đài, khiến cột cờ gãy, thì 11 lần ta lại dựng lên. Với 42 lần thay lá cờ, gần 2.000 lá cờ Tổ quốc bị bom đạn địch và gió bão xé rách, nhưng chưa một ngày nào chiến sĩ ta để lá cờ ngưng bay trên đỉnh cột. Đó là nhờ những người bà, người mẹ ở bờ Bắc đã xem công việc vá cờ như một mệnh lệnh chiến đấu, như một niềm tin sắt son thống nhất non sông.

Một trong những người mẹ ấy là mẹ Ngô Thị Diệm, người Vĩnh Linh, làm dâu làng Hiền Lương, ngay bên Vĩ tuyến 17. Những lá cờ rách te tua, thấm khói súng được mẹ giặt giũ sạch sẽ rồi cẩn thận đường kim mũi chỉ khâu vá vuông vắn, lành lặn. Ngày đêm mẹ túc trực để vá cờ bất chấp hiểm nguy, khi thì dưới hầm, có lúc ngồi may ngay dưới chân cột cho kịp treo cờ lên.

Bên cạnh mẹ Diệm còn có mẹ Trần Thị Viễn (Vĩnh Linh), hai người sống chung trong túp lều tranh dựng tạm ở vùng giới tuyến chỉ để làm nhiệm vụ cao cả nhất: vá cờ trong suốt những năm chiến tranh ác liệt.

Những đầm tôm cho hiệu quả kinh tế cao ở Vĩnh Linh.
Những đầm tôm cho hiệu quả kinh tế cao ở Vĩnh Linh.

Cảm kích trước tấm lòng của các mẹ, nhà thơ Tố Hữu đã viết nên những vần thơ lay động hồn người: “…Gần cầu có mẹ Diệm nghèo/Nắng mưa rơm rạ túp lều đơn sơ/Mẹ ơi bom đạn bất ngờ/Sao không tạm lánh xa bờ ít lâu?/Mẹ rằng: “Mẹ chẳng đi đâu/Còn anh bộ đội canh cầu ngày đêm…”.

Bao năm qua, lá cờ Tổ quốc đã luôn phần phật trong nắng gió, trong niềm tự hào dân tộc bên ven bờ Hiền Lương - cụm Di tích quốc gia đặc biệt Hiền Lương, Bến Hải. Lá cờ ấy sẽ còn tung bay như thế đến muôn đời sau, như là minh chứng cho lòng yêu nước nồng nàn của quân và dân đất lửa. Để rồi, vào lễ Thượng cờ thống nhất non sông tại cụm di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải diễn ra ngày 30/4 hằng năm đã trở thành ngày hội của cả nước. Trong không khí hào hùng của ngày lễ thống nhất đất nước, giữa tiếng nhạc Quốc ca hùng tráng, lá cờ Tổ quốc rộng 108 m2 được kéo lên trong niềm rưng rưng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam chia sẻ: Chính vì những địa danh Bến Hải - Hiền Lương mà cả nước, cả thế giới biết đến Quảng Trị rõ hơn, nhiều hơn. Chúng tôi tự hào bởi Quảng Trị đã trở thành biểu tượng chung của cả nước, niềm tự hào về một thời hào hùng và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Những người tô thắm sắc cờ

Ngư dân huyện Gio Linh được mùa cá.
Ngư dân huyện Gio Linh được mùa cá.

Trở lại Hiền Lương - Bến Hải hôm nay, hẳn là du khách sẽ thấy những đổi thay đến không ngờ. “Túi bom, rốn đạn” năm nào ở vùng giới tuyến 17 đã lùi vào quá khứ. Đôi bờ Hiền Lương với huyện Vĩnh Linh (bờ Bắc) và huyện Gio Linh (bờ Nam) nay đang thay da đổi thịt.

Nắng tháng 4 trải dài khiến cho những cánh đồng lúa thêm mênh mông; những nông trường, lâm trường với hồ tiêu trĩu hạt, cao su xanh tốt… Còn phía vùng ven biển là những đầm tôm trù phú, những khu nghỉ dưỡng hứa hẹn những đổi thay mới. Các tuyến đường liên thôn, liên xã được nâng cấp; kết nối thuận tiện với các tuyến quốc lộ mở ra cơ hội phát triển rất lớn cho người dân nơi đây. Điểm nhấn quan trọng là những mô hình kinh tế vườn đồi, vườn rừng hay nuôi trồng thủy sản ngày càng góp phần thay đổi bộ mặt cuộc sống người dân.

Từng là vùng hậu phương lớn, đất và người Vĩnh Linh đang tiếp tục viết tiếp bản tráng ca bất tử năm xưa để làm nên những kỳ tích mới thời hậu chiến. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của Vĩnh Linh đã đạt gần 55 triệu đồng mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 2%/năm. Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, ông Thái Văn Thành vui vẻ: Dọc bờ Bắc sông Bến Hải gồm Vĩnh Giang, Vĩnh Thành, Vĩnh Sơn… đang là những xã NTM trù phú với nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như nuôi tôm công nghệ cao, trồng lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao… Đời sống người dân được nâng lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn nhiều khởi sắc. Toàn huyện đã có 13/15 xã đạt chuẩn NTM.

Về phía bờ Nam, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Võ Đắc Hóa tự hào: Nét nổi bật của địa phương là đã trở thành huyện đi đầu của tỉnh Quảng Trị trong phát triển kinh tế biển với tổng sản lượng thủy sản khai thác hằng năm chiếm khoảng 60% toàn tỉnh. Thế mạnh của huyện là phát triển kinh tế vùng gò đồi và đồng bằng. Đồng thời, phát triển mạnh du lịch ven biển.

Tình yêu quê hương đất nước đôi khi chẳng cần to tát lớn lao gì. Chỉ cần mỗi người làm tốt nghĩa vụ, trách nhiệm công dân của mình; nỗ lực vượt khó, thi đua lao động sản xuất để xây dựng quê hương giàu mạnh như cách người dân miền giới tuyến đang làm mấy mươi năm qua. Họ chính là những người làm cho màu sắc lá Quốc kỳ ngày càng tươi thắm hơn…

Tin cùng chuyên mục
Chuyện ở thung lũng nóc Ông Đến

Chuyện ở thung lũng nóc Ông Đến

Nóc Ông Đến là tên người dân gọi thân thương về nơi ở của mình. Còn gọi theo tên hành chính là tổ 4, thuộc thôn 2, xã Trà Giang, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi). Nóc Ông Đến như một một thung lũng nằm biệt lập giữa rừng xanh, nơi đây có 14 nóc nhà, với hơn 60 nhân khẩu là đồng bào Co sinh sống hòa mình với núi rừng.