Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Về miền giới tuyến: Đất lửa nở hoa (Bài cuối)

Thanh Hải - 14:35, 06/05/2022

Rảo bước trên miền giới tuyến, lòng tôi cứ phơi phới, hân hoan lạ kì. Chẳng vui sướng sao đặng khi những hố bom, trận địa pháo, hầm hào và cả “vành đai trắng”… năm xưa nay đã được lấp đầy bằng màu xanh của nương ngô, màu vàng của đồng lúa chín. Một Quảng Trị đang vươn mình.

Đôi bờ sông Bến Hải đang ngày càng phát triển
Đôi bờ sông Bến Hải đang ngày càng phát triển

Cuộc sống mới ở miền giới tuyến…

Đứng trên cầu Hiền Lương lịch sử, phóng tầm mắt về các xã vùng hạ du thuộc các huyện Vĩnh Linh và Gio Linh; phía nào cũng thấy bạt ngàn màu xanh của sự sống, sự đổi thay của những làng quê một thời là “túi bom, rốn đạn”. Những làng quê hạ huyện, đang là vùng nuôi tôm trù phú. Đêm đêm, dưới ánh đèn điện, nước tung bọt trắng xoá từ những máy sục khí quay đều ở hồ nuôi tôm. Bà con tính chuyện làm giàu.

Nắng tháng Tư trải dài khiến cho những cánh đồng lúa chín vàng liền thửa, liền bờ thêm mênh mông; hồ tiêu trĩu hạt, cao su xanh tốt khiến cho những cựu chiến binh năm xưa không còn nhận ra nơi đây từng là vùng “đất chết”.

Còn thế hệ trẻ 7X, 8X như chúng tôi, nếu không được kể và không được tiếp cận tư liệu lịch sử, thì không ai nghĩ miền giới tuyến một thời khốc liệt đến vậy.

Một điều đáng mừng là, đôi bờ Hiền Lương nay đang thay da đổi thịt trong cuộc sống mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các cụm công nghiệp - làng nghề đã thu hút và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Phía biển, cửa Tùng luôn tấp nập tàu thuyền ra khơi mang về đầy tôm, cá.

Càng đi sâu vào các xã dọc sông Bến Hải, mới thấy hết được sự khởi sắc của bộ mặt nông thôn so với những năm trước. Từ miền núi xuôi xuống đồng bằng, vùng biển, đâu đâu cũng thấy những ngôi nhà mái ngói khang trang, sạch đẹp. Đường bê tông liên thôn, liên xã được nâng cấp, thoáng đãng đã mở ra cơ hội phát triển ngành nghề rất lớn cho người dân quanh vùng.

Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh như kênh mương tưới tiêu, hồ chứa nước được xây dựng khá hoàn chỉnh. Tỷ lệ người dân được tiếp cận các phương tiện nghe, nhìn ngày càng cao; hệ thống truyền thanh phủ kín các xã. Điểm nhấn rõ nét, là những mô hình kinh tế ngày càng đem lại hiệu quả, góp phần thay đổi bộ mặt cuộc sống người dân.

Đường vào xã Nông thôn mới Vĩnh Thủy hôm nay
Đường vào xã Nông thôn mới Vĩnh Thủy hôm nay

Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) Thái Văn Thành hồ hởi: Dọc bờ Bắc sông Bến Hải gồm Vĩnh Giang, Vĩnh Thành, Vĩnh Sơn… đang là những xã NTM trù phú với nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như nuôi tôm công nghệ cao, trồng lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao…

Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người của huyện đã đạt hơn 52 triệu đồng mỗi năm, còn tỷ lệ hộ nghèo bình quân chỉ hơn 2%. Toàn huyện đã có 13 xã đạt chuẩn NTM… Đời sống người dân được nâng lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn nhiều khởi sắc.

Về phía bờ Nam, ông Võ Đắc Hóa, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh (Quảng Trị) cũng không giấu giếm niềm tự hào, vì quê hương đang ngày càng phát triển đi lên.

Ông Hóa cười: Từ “vành đai trắng” của “hàng rào điện tử Mc Namara”, chúng tôi đã quyết tâm khai thác hiệu quả các thế mạnh kinh tế vùng đồng bằng và gò đồi dọc sông Bến Hải. Nét nổi bật là, Gio Linh đã trở thành huyện đi đầu của tỉnh Quảng Trị trong phát triển kinh tế biển. Hiện tổng sản lượng thủy sản ngư dân khai thác hàng năm chiếm gần 60% sản lượng toàn tỉnh. Ngoài ra, phát triển du lịch ven biển cũng là mũi nhọn kinh tế của huyện.

Có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay, người dân vùng Vĩnh Linh, Gio Linh hẳn không bao giờ quên niềm tự hào về quá khứ, lòng tin ở tương lai để luôn luôn vững bước đi lên hòa nhập cùng đất nước.

Lúa hữu cơ ở Gio Linh cho năng suất cao
Lúa hữu cơ ở Gio Linh cho năng suất cao

Hứa hẹn ngày mai

Truyền thống anh hùng trong chiến đấu, lao động dựng xây đang được người dân vùng Vĩnh Linh, Gio Linh và toàn tỉnh Quảng Trị phát huy mạnh mẽ. Người dân nơi đây không chỉ kiến thiết, dựng xây cho hôm nay mà đang đặt những nền móng vững chắc cho muôn đời sau.

Tôi đã đi qua nhiều miền quê ở “đất lửa” Quảng Trị. Đến đâu cũng nghe bà con bàn chuyện làm giàu. Từ cung đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, sang Quốc lộ 9 nối Đông Hà với Cửa khẩu Lao Bảo; hay từ đầu đất Vĩnh Linh, trên cung đường 1, đến cuối đất Hải Lăng đã thấy màu tươi mới của cuộc sống mới hối hả, nhộn nhịp.

Các cụm công nghiệp Quán Ngang, Nam Đông Hà… ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp lớn dừng chân. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC ngày càng nhiều, sản phầm hồ tiêu, cà phê, gạo hữu cơ… đã có mặt trên bản đồ nông nghiệp thế giới.

Đáng mừng là tổng sản phẩm trên địa bàn Quảng Trị năm 2021 đạt khoảng 21.202 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2020; GRDP bình quân đầu người đạt 57,5 triệu đồng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2021 ước đạt 5.080 tỷ đồng. Trong đó: Thu nội địa 3.668,84 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu: 1.400 tỷ đồng; thu đóng góp 11,548 tỷ đồng.

Vườn tiêu mang lại hiệu quả kinh tế cao của nông dân ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh
Vườn tiêu mang lại hiệu quả kinh tế cao của nông dân ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh

Riêng hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh, thế mạnh vẫn là phát triển kinh tế vùng đồi với vùng đất đỏ bazan màu mỡ thích hợp, với nhiều loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Đây cũng là những địa phương có vùng biển, có đồng bằng, có rừng, có lượng khoáng sản và khả năng khai thác công nghiệp, có nhiều di tích lịch sử và nhiều tiềm năng phát triển kinh tế du lịch.

Trao đổi với lãnh đạo các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh thì được biết, có rất nhiều bài học kinh nghiệm quý được rút ra từ thực tiễn xây dựng và phát triển. Nhưng điều mà các địa phương xem là cốt lõi nhất, đó là truyền thống đoàn kết, vượt qua gian khó của Đảng bộ và Nhân dân. Truyền thống ấy chính là nội lực quý giá, to lớn giúp Vĩnh Linh và Gio Linh vượt qua những khó khăn, thử thách trong mỗi giai đoạn lịch sử để có được thành tựu đáng tự hào như hôm nay để tiếp diễn cho ngày mai.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Hưng cho biết: Bước ra khỏi chiến tranh, từ hoang tàn đổ nát, mất mát, hy sinh lớn lao, người dân huyện Vĩnh Linh và huyện Gio Linh ở đôi bờ Bến Hải đã bắt tay xây dựng lại từ đầu và từng bước hồi sinh.

Nền kinh tế phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,1%; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng đã mang lại hiệu quả, từng bước nâng cao đời sống của người dân...

Rời dòng Hiền Lương, trong tôi trào dâng một nỗi niềm da diết “Bên ven bờ Hiền Lương chiều nay ra đứng trông về, mắt đượm tình quê…”. Để rồi, truyền thống cùng thời cơ, vận hội và những cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh, vùng Gio Linh, Vĩnh Linh sẽ làm nên những kì tích mới “Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau”.

Tin cùng chuyên mục
Người nặng lòng với văn hóa của dân tộc Bru-Vân kiều ở làng Chênh Vênh

Người nặng lòng với văn hóa của dân tộc Bru-Vân kiều ở làng Chênh Vênh

Là người dân tộc Bru-Vân kiều, ông Hồ Văn Lý (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), đã có nhiều cách để lưu giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Từ Làn điệu dân ca, đến cách chơi các loại nhạc cụ truyền thống đều được ông tận tâm truyền dạy cho người trẻ với mong muốn giữ những âm điệu tà oải, xà nớt, Ta lư...vang mãi trên đỉnh Trường Sơn.