Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Về miền giới tuyến: Thông điệp hòa bình (Bài 5)

Thanh Hải - 09:08, 05/05/2022

Chúng tôi đi trên cầu Hiền Lương với hai màu vàng-xanh. Nắng tháng 4 vàng như mật ong. Trời Quảng Trị xanh ngăn ngắt. Gió biển từ cửa Tùng thổi lên mát rượi. Cảm xúc hân hoan ngập tràn khi đón nhận tin vui: tháng 7 năm nay, lễ hội “Vì Hòa bình” lần đầu tiên có quy mô quốc gia và quốc tế sẽ được tổ chức tại đây. Chắc hẳn, đó sẽ là một thông điệp hòa bình từ mảnh đất từng bị hủy diệt bởi chiến tranh, và đó cũng sẽ là điểm hẹn của hòa bình và điểm đến của du lịch hòa bình.

Hòa bình đang hiện hữu trên vùng đất vĩ tuyến 17
Vùng đất vĩ tuyến 17 đã và đang là điểm đến của du lịch hòa bình

Tôi đã đi qua không biết bao lần, trên cây cầu Hiền Lương mới xây dựng sau này, và cũng chừng ấy lần dạo bước trên cây cầu năm xưa với hai màu vàng-xanh. Nhưng mãi cho đến hôm nay, tôi mới nhận thấy rằng, hai chiếc cầu không chạy song song mà ở phía bờ Bắc chụm lại tạo thành hình chữ V vững chắc thường được lý giải rằng, đó là biểu tượng của chiến thắng (Victory) và cho chữ Việt Nam.

Người dân đôi bờ Bến Hải xúc cảm, hân hoan nhất vào thời khắc dịp 30/4. Đấy là quãng thời gian, đồng bào từ mọi miền đất nước hội tụ về khu di tích quốc gia đặc biệt này, để cùng nhau thực hiện nghi thức thượng cờ “Thống nhất non sông”, và thả chim bồ câu biểu tượng của khát vọng hòa bình.

Quãng sông và cây cầu lịch sử năm xưa bom vùi, đạn dập, nay mỗi năm đón hàng triệu lượt khách thăm quan. Điều đó cho thấy, vĩ tuyến 17 đã hằn sâu trong tâm thức nhân loại như thế nào và người ta đã thấu hiểu hơn nỗi đau chiến tranh, để trân quý thêm giá trị của hòa bình.

Vĩ tuyến 17, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương tự bao giờ đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa… với niềm tin yêu, diết da, trìu mến; với khát vọng hòa bình cháy bỏng, thiết tha.

Không ai tìm được tuổi tên cô dâu và chú rể đám cưới đầu tiên qua cây cầu Hiền Lương sau ngày 30/4/1975. Nhưng trong chuyến đi dọc theo đôi bờ sông Bến Hải để tìm lại những nhân chứng một thời nơi vùng giới tuyến, chúng tôi tình cờ biết được câu chuyện vợ chồng ông Hoàng Nghi và bà Hoàng Thị Hoa.

Đám cưới của hai người được rước dâu qua cầu Hiền Lương ngày ấy vừa mới được phục dựng lại, ngay sau khi hiệp định Paris 1973 được ký kết chỉ vài tháng và giới tuyến quân sự được chuyển dời vào sông Thạch Hãn.

Vợ chồng ông Nghi, bà Hoa cùng các cháu dạo bước trên di tích cầu Hiền Lương
Vợ chồng ông Nghi, bà Hoa cùng các cháu dạo bước trên di tích cầu Hiền Lương

Nhà ông Nghi ở làng Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, nơi bờ Bắc sông Bến Hải. Còn bà Hoa ở làng Tam Hữu, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, phía bờ Nam sông Bến Hải.

Một lần bà Hoa bí mật đưa thương binh ra miền Bắc, đã vô tình đi lạc vào làng Hiền Lương và được ông Nghi là dân quân du kích giúp đỡ. Tình cảm giữa hai người nảy sinh. Không lâu bà Hoa vượt sông Bến Hải trở lại quê nhà, tiếp tục phục vụ kháng chiến. Mấy lần ông Nghi bí mật vượt sông vào Triệu Phong đi tìm người thương. Hết giả dạng người đánh cá, ông lại viết thư gửi gắm nỗi nhớ niềm thương, nhưng ông viết nhiều mà bà chỉ nhận được hai lá, vì thế tình yêu ấy càng diết da, mãnh liệt.

Ông bà đợi mãi cho đến khi hiệp định Paris ký kết tháng 1/1973, thì mới được dắt tay nhau qua cầu Hiền Lương không còn cách trở. Đám cưới của họ đã trở thành thông điệp cho khát vọng đoàn viên, sum vầy, cho hòa bình thống nhất.

Ngày ấy, bà con đôi bờ vĩ tuyến đứng thành hai hàng trên cầu vỗ tay, thay cho tiếng pháo đón dâu mừng hạnh phúc. Ông Nghi bảo: Năm mươi năm rồi, vẫn dòng sông và cây cầu ấy, nhưng không còn cảnh chia ly “cách một con sông mà đó thương đây nhớ/Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa”. Cũng không bên nào phải cầm súng chĩa về phía nhau nữa. Thế là đủ để thấm thía hai từ hòa bình.

Chúng tôi còn được biết, nhiều năm qua, có rất nhiều cựu binh Mỹ đã trở lại nơi đây, với những hoạt động để khắc phục hậu quả sau chiến tranh, hỗ trợ phát triển xã hội cho các khu vực bị chiến tranh tàn phá.

Nhiều tổ chức nước ngoài, trong đó có người Mỹ cũng đã về Quảng Trị, trồng thêm hàng nghìn cây xanh, hỗ trợ tháo dỡ và phá hủy bom mìn, làm sạch hàng trăm ha đất nhiễm mìn… Đó chính là những hoạt động bắc nhịp cầu của tình hữu nghị, đoàn kết, hòa hợp giữa hai dân tộc.

Trời Quảng Trị ngăn ngắt, dòng Bến Hải biếc xanh giữa nắng đầu hè, còn hai bên bờ giới tuyến là những xóm làng, bờ bãi xanh tốt, trải dài. Màu xanh của sự sống, của hòa bình đã hiện hữu từ hàng chục năm nay như thế. Và chắc chắn, màu xanh của hòa bình sẽ lại tiếp diễn để những khốc liệt của chiến tranh chìm sâu hơn vào quá khứ.

Đại sứ Mỹ và Phó Chủ tịch UBND tỉnh (Quảng Trị) Hoàng Nam thăm cầu Hiền Lương
Đại sứ Mỹ và Phó Chủ tịch UBND tỉnh (Quảng Trị) Hoàng Nam thăm cầu Hiền Lương

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị còn nhớ mãi khoảnh khắc hòa bình, hữu nghị cách nay 3 năm về trước. Đó là một buổi chiều cuối tháng 8/2019, một Đại sứ Mỹ đến viếng nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và đến thăm di tích lịch sử cầu Hiền Lương bên dòng Bến Hải.

Ngài Đại sứ đã cùng đoàn sứ quán Mỹ đi bộ từ phía Bắc qua phía Nam cầu, rồi dừng khá lâu để bắt tay nói chuyện cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam. Cái bắt tay giữa hai bên từng là kẻ thù của nhau trên cây cầu, từng là điểm giao tranh ác liệt đã là biểu hiện sống động nhất cho những nỗ lực hòa giải.

Hơn hết, nó còn cho thấy hai nước đã làm được rất nhiều điều trong việc xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hòa bình, hợp tác cùng phát triển.

Phát động Cuộc thi Sáng tác biểu tượng “Ước nguyện Hòa bình” - Quảng Trị 2022
Phát động Cuộc thi Sáng tác biểu tượng “Ước nguyện Hòa bình” - Quảng Trị 2022

Đầu tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tổ chức Cuộc thi sáng tác biểu tượng “Ước nguyện Hoà Bình” Quảng Trị năm 2022, với mong muốn góp phần xây dựng Quảng Trị trở thành một điểm đến của hoà bình.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cho biết: “Quảng Trị” không còn là địa danh của một địa phương, mà đã thành một biểu tượng chung của cả nước, niềm tự hào về một thời hào hùng và khát vọng hoà bình của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Quảng Trị đang nỗ lực xây dựng mảnh đất này, trở thành biểu tượng hòa bình và tôn vinh giá trị của hòa bình. Dự kiến tháng 7 năm 2022 sẽ diễn ra lễ hội “Vì Hòa bình” lần đầu tiên có quy mô quốc gia và quốc tế. Khi thông điệp vì hòa bình được cất lên từ Quảng Trị, một mảnh đất từng bị hủy diệt và nay đang hồi sinh mạnh mẽ trong hòa bình sẽ làm lay động tới nhiều vùng đất khác trên thế giới có hoàn cảnh tương tự.

Rồi đây, Vĩ tuyến 17 - cầu Hiền Lương - sông Bến Hải sẽ là điểm hẹn của hòa bình và điểm đến của du lịch hòa bình.

Bài cuối: Đất lửa nở hoa

Tin cùng chuyên mục
Người nặng lòng với văn hóa của dân tộc Bru-Vân kiều ở làng Chênh Vênh

Người nặng lòng với văn hóa của dân tộc Bru-Vân kiều ở làng Chênh Vênh

Là người dân tộc Bru-Vân kiều, ông Hồ Văn Lý (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), đã có nhiều cách để lưu giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Từ Làn điệu dân ca, đến cách chơi các loại nhạc cụ truyền thống đều được ông tận tâm truyền dạy cho người trẻ với mong muốn giữ những âm điệu tà oải, xà nớt, Ta lư...vang mãi trên đỉnh Trường Sơn.