Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Mệ Tuyết làng hương xứ Huế và hành trình kiếm tiền giúp người

Tào Đạt - Phan Hòa - 19:33, 12/05/2024

“Mệ chỉ mong khỏe mạnh để tiếp tục se hương bán cho khách, nối tiếp nghề cha ông; ngày ngày gặp gỡ nói chuyện với bọn trẻ, cuối tháng dư ra năm mười triệu đem vô viện tặng mấy cháu nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo!”... Đó là tâm sự của mệ Tuyết, một người phụ nữ khắc khổ, nhưng giàu lòng nhân ái mà chúng tôi có dịp gặp gỡ trên hành trình tìm kiếm những sự tử tế trong cuộc sống bon chen.

Nhiều bạn trẻ ghé quán mệ Tuyết trải nghiệm, mua hàng ủng hộ và chụp hình lưu niệm
Nhiều bạn trẻ ghé quán mệ Tuyết trải nghiệm, mua hàng ủng hộ và chụp hình lưu niệm

Cả đời giữ gìn hương thơm

Bà Tôn Nữ Ánh Tuyết - thợ làm hương, chủ quán hương, bán đồ lưu niệm ở số 69 đường Huyền Trân Công Chúa (phường Thủy Xuân, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) - thường được người đời gọi là “mệ” bởi phần do bà xuất thân từ dòng dõi hoàng tộc, đây cũng là cách gọi dành cho một người phụ nữ lớn tuổi khả kính, gần gũi.

Mệ Tuyết người nhỏ, gầy, thoạt trông có phần lam lũ, khắc khổ nhưng lại “mê hoặc” người khác với nụ cười hiền luôn tươi rói trên môi.

Tất bật từ sáng sớm cho tới khi trời tắt hẳn nắng, tay xoè những bó chân hương rực rỡ sắc màu lên kệ, treo những chiếc nón lá lên trên cao; hễ có khách đi qua, mệ Tuyết mời đon đả: “Con ơi con ơi... ghế đó ngồi nghỉ đi con, mua hàng cho mệ cũng được, không mua cũng vui. Cứ chụp ảnh đi. Vô đây lấy cái nón mà đội, vừa duyên vừa che nắng. Áo dài bên nớ, lấy đi mà thay con”. Giọng mệ Tuyết đặc sệt tiếng Huế, lại trong trẻo, từ tốn, ấm áp như thường nghe từ những cô Tôn Nữ, Công Huyền và được ví von như là “nàng thơ xứ Huế” chính hiệu.

Mệ Tuyết được ví von như là “nàng thơ xứ Huế” chính hiệu
Mệ Tuyết được ví von như là “nàng thơ xứ Huế” chính hiệu (Ảnh: Phùng Hà)

Thi thoảng có người hỏi, mệ Tuyết lại tâm sự với du khách về chuyện đời, chuyện nghề và đặc biệt là về những việc làm tô đẹp cho đời.  Mệ không nhớ năm nay mình bảy mấy tuổi, chỉ biết đã theo ông ngoại làm hương trầm từ năm lên 9 và gắn bó với làng hương mấy chục năm nay.

Làng hương Thủy Xuân nằm cách trung tâm Tp. Huế khoảng 7km đi về hướng Tây Nam. Đây là ngôi làng có hơn 700 năm về làm hương trầm. Từ thời nhà Nguyễn, làng hương này chính là nơi cung cấp trầm - hương cho triều đình, phủ quan và người dân trong vùng Thuận Hoá, Phú Xuân.

Cách đây gần 20 năm, mệ Tuyết là một trong số ít người đầu tiên mở quán hương bên vệ đường Huyền Trân Công Chúa để vừa se hương bán, vừa bán đồ lặt vặt, phục vụ du lịch trải nghiệm cho khách nước ngoài. Rồi một ngày, nghề làm hương của mệ Tuyết thay đổi, làng hương Thủy Xuân sang trang mới sau phát kiến của chính người thợ này.

“Chuyện cũng gần 20 năm rồi. Bên Ban Tổ chức Festival Huế họ mời mệ vào Đại nội Huế triển lãm, trưng bày và thao diễn nghề làm hương truyền thống. Trời ơi, đi thì mệ sẵn sàng, nhưng trưng bày hương thì trưng bày kiểu chi cho khách họ coi. Rứa là mệ nghĩ mãi. Rồi một đêm mệ cứ nằm trằn trọc, bỗng nhớ tới cuốn sách đứa cháu vẽ mấy cái hình có mấy ngôi sao, hình bông hoa nhiều màu. Mệ choàng dậy, bật điện đi tìm cuốn sách. Đây rồi, có cách rồi. Nhìn mấy cái hình vẽ, mấy cái hoa trong sách mệ nói thầm.

Sáng hôm sau, mệ đi tìm mua màu để nhuộm chân hương. Màu phải làm từ cây lá thiên nhiên và có các màu xanh, đỏ, vàng… Mệ nhuộm các bó chân hương thành nhiều màu xong mang đi phơi khô. Đến ngày trưng bày, trình diễn làm hương ở Đại nội Huế mệ đưa những bó chân hương đó đi. Trong không gian họ dành cho mệ thao diễn nghề làm hương, mệ xếp các bó chân hương đó lên, trông lạ mắt lắm.

Mấy cái “bông hương” ban đầu tạo ra là như rứa. Khách họ tìm tới coi mệ làm hương. Họ tỏ ra thích thú với mấy cái bông hương đó. Khách tham quan trong Đại nội cứ thế tìm tới điểm trưng bày của mệ đông đến bất ngờ. Họ chớp ảnh, quay phim khiến mệ vui lây”, mệ Tuyết chia sẻ.

Sau đợt triển lãm, mệ Tuyết về mang những chân hương nhuộm xanh, đỏ ra quán hương của mình. Những bó chân hương được xòe ra làm những “bông hương” theo hình chiếc quạt hay bó mạ rồi xếp chồng lên nhau, theo hình vòng tròn, hay xếp thẳng hàng để tự nhiên trên các giá hương đều đẹp. Những “bông hương” ấy tự nhiên mang lại hiệu ứng thẩm mỹ cho những tấm hình trên máy ảnh hay điện thoại cầm tay của du khách mà vượt ra khỏi lũy tre làng, đi ra thế giới.

Thoạt đầu người dân xung quanh thấy mệ Tuyết làm đâm nghi ngại, nhưng thấy khách du lịch dừng chân ghé quán mệ ngày một đông họ cũng làm theo. Cứ thế, một “làng hương Thủy Xuân” trong diện mạo mới hình thành. Bây giờ thì cả một góc phố kéo dài chừng 400m trên đường Huyền Trân Công Chúa từ ngã 3 đường Lê Ngô Cát hướng lên lăng vua Tự Đức, đồi Vọng Cảnh trở thành cửa ngõ du lịch, là điểm dừng chân lý thú trên hành trình du lịch tâm linh lẫn tham quan các di tích, danh thắng phía Tây Nam thành phố Huế. Đời sống của người dân Thủy Xuân cũng từ đó đi lên.

Từ năm 9 tuổi, mệ Tuyết đã gắn bó với nghề làm hương truyền thống ở Thủy Xuân
Từ năm 9 tuổi, mệ Tuyết đã gắn bó với nghề làm hương truyền thống ở Thủy Xuân

Theo mệ Tuyết, thay vì se hương bằng máy thì đa phần ở làng vẫn làm thủ công để lưu giữ cách làm hương truyền thống. Tuy ít nhiều có sự vất vả, những cây hương có thể sẽ không đều tăm tắp như làm bằng máy móc song cách làm này đậm tính độc đáo và sẽ khiến cho du khách thu hút và yêu thích hơn.

Mệ Tuyết tâm sự, khi có nhiều người quan tâm, lan tỏa nghề truyền thống của làng, đó là điều vui nhất và cũng là động lực để những người trong làng cố gắng gìn giữ nét đẹp của cố đô này.

Hành trình giúp đời, giúp người

Không phải du khách nào đến làng hương Thủy Xuân cũng chỉ vì những bó hương sắc màu sặc sỡ. Nhiều người đến để tìm mệ Tuyết khi nghe câu chuyện suốt hơn 10 năm dành phần lớn lợi nhuận bán hàng để trao tặng trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo ở Bệnh viện Trung ương Huế.

Vừa làm xong các bước để tạo nên một cây hương, mệ Tuyết kéo ghế xuống chia sẻ về cơ duyên đến với công việc thiện nguyện.

Trong một lần vào viện thăm bạn thân bị ung thư, mệ gặp một cháu nhỏ khoảng 5 tuổi với một mắt đã không còn, mắt còn lại thì sưng tấy, hỏi thăm gia đình mới biết bé bị ung thư giác mạc. Khi ấy dồn hết tất cả trong người được 110.000 đồng, nhưng mệ đã dành hết số tiền đó để tặng cho đứa trẻ tội nghiệp.

Hàng tháng mệ Tuyết đều dành thời gian vào tặng quà hỗ trợ cho cac em nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Trung ương Huế
Hàng tháng mệ Tuyết đều dành thời gian vào tặng quà hỗ trợ cho cac em nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Trung ương Huế

Mệ Tuyết cho biết, mệ có người thân mắc căn bệnh hiểm nghèo này nên mệ rất hiểu nỗi đau mà người bệnh và gia đình nếm trải. Do đó, mệ nguyện dành khoảng thời gian còn lại của cuộc đời kiếm tiền giúp đỡ bệnh nhân ung thư, xoa dịu những thương tổn…

"Mệ biết mình phải thương trẻ ung thư, giống như cái duyên cho mệ gặp gỡ. Đối với mệ, trẻ em ung thư luôn chiếm một phần trong trái tim" - mệ Tuyết bộc bạch.

Cứ mỗi tháng, những bệnh nhi của Khoa Ung bướu, Bệnh viện Trung ương Huế lại nhận được một bì thư có 100.000 đồng và ít bánh kẹo của mệ Tuyết.

"Mệ biết 100.000 đồng không là gì với những gia đình khá giả, nhưng với bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo, đó là sự động viên với họ. Mệ không mong điều gì, chỉ mong mình có sức khoẻ để có thể buôn bán, trích tiền lời ra để có thể giúp đỡ các em một phần nào đó" - mệ Tuyết chia sẻ.

Mệ Tuyết coi việc giúp đỡ những em nhỏ là niềm vui lúc xế chiều
Mệ Tuyết coi việc giúp đỡ những em nhỏ là niềm vui lúc xế chiều

Với những cống hiến của mình cho cộng đồng, đặc biệt là góp phần quan trọng về bảo tồn và phát huy nghề truyền thống tỉnh nhà, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố, năm 2022, mệ Tuyết được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế phong tặng danh hiệu “Phụ nữ tiêu biểu vì cộng đồng”.

Mệ Tuyết cũng được một số tổ chức, diễn đàn, trường đại học ở Huế mời đến làm talkshow, nói chuyện truyền cảm hứng cho giới trẻ, lan tỏa những câu chuyện sống đẹp, tử tế đến mọi người.

Tin cùng chuyên mục
Hồ Ê Nót- Người mang “mùa xuân” về bản

Hồ Ê Nót- Người mang “mùa xuân” về bản

Chúng tôi tìm về thăm nhà anh Hồ Ê Nót ở xã Đakrông, huyện Đakrông (Quảng Trị) vào những ngày giữa tháng 7. Trong căn nhà sàn vững chãi nằm cạnh bờ sông Đakrông, anh Hồ Ê Nót tủm tỉm cười khi nói: “Nót từng làm Trưởng thôn, Chi hội trưởng “phụ trách” chị em... chú ạ”.