Tại Hội nghị, ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Năm 2024, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý, hiệp hội, ngành cá tra Việt Nam đạt kết quả tích cực cả về chất lượng và giá trị. Sản lượng cá tra năm 2024 ước đạt 1,67 triệu tấn, bằng 99% so cùng kỳ 2023. Tính đến ngày 15/10/2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,56 tỉ USD, tăng 8,9% so cùng kỳ năm 2023.
“Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng này chưa đồng đều, mà nguyên nhân cơ bản là do có sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia và dòng sản phẩm cá thịt trắng khác”, ông Trần Đình Luân đánh giá.
Tại Đồng Tháp, ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, thông tin: Năm 2024, tình hình nuôi cá tra tại địa phương tương đối ổn định, giá trị sản xuất ngành hàng cá tra tiếp tục tăng, ước đạt hơn 8.800 tỷ đồng, tăng 2,86% so năm 2023. Diện tích thả nuôi cá tra thương phẩm đạt 2.630ha (tăng 10ha so với năm 2023) với sản lượng ước đạt 540.000 tấn (tăng 15.000 tấn so với năm 2023).
Cá tra hiện là sản phẩm chủ lực của quốc gia, chiếm trên 30% tổng sản lượng thuỷ sản nuôi cả nước. Sản phẩm cá tra đã được xuất khẩu đến hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 2,4 tỷ USD trong những năm qua và diện tích 5.600 ha/năm, sản lượng trên 1,5 triệu tấn.
Theo kế hoạch, Việt Nam đề ra mục tiêu nâng cao giá trị trong năm 2025, phấn đấu đạt sản lượng xuất khẩu 1,65 triệu tấn, nhưng hướng tới kim ngạch xuất khẩu khoảng 2 tỉ USD. Trong bối cảnh đời sống sản xuất, kinh tế, môi trường đang có nhiều biến động, đây là mục tiêu đòi hỏi nhiều nỗ lực lớn của toàn ngành và nhiều cơ quan chức năng.
Tại Hội nghị, bên cạnh những cơ hội của ngành hàng cá tra trong thời gian tới, các chuyên gia cũng chỉ ra những thách thức cho ngành hàng như: Sự cạnh tranh các loài thủy sản khác; giá xuất khẩu cá tra Việt Nam so với các nước khác; tác động của biến đổi khí hậu; các quy định về giảm phát thải trong nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra... Đồng thời, các chuyên gia, đại biểu đã đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển ngành hàng cá tra.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị, các bộ, ngành, địa phương cần phát triển giống cá tra theo hướng công nghiệp, với quy mô sản xuất lớn, đảm bảo an toàn sinh học. Kiểm soát chặt chẽ trong quản lý, sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng; quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất giống cá tra, bảo đảm chất lượng nguồn giống; sản xuất, chế biến cá tra phải hướng đến sản xuất xanh, giảm phát thải; nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học trong nuôi trồng, sản xuất cá tra.
“Cần phát triển giống cá tra theo hướng công nghiệp để phát triển bền vững ngành hàng. Hình thành chuỗi khép kín trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, tận dụng các phụ phẩm nhằm gia tăng giá trị sản phẩm. Bên cạnh các thị trường truyền thống cần tìm kiếm và phát triển các thị trường mới tiềm năng; trong đó có thị trường Hồi giáo đáp ứng được yêu cầu chứng nhận Halal”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Trong hai ngày 16 - 17/11, UBND Đồng Tháp tổ chức Ngày hội Cá tra Đồng Tháp năm 2024 tại thủ phủ cá tra Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, với chủ đề “Hành trình xanh - Giá trị xanh”.
Ngày hội Cá tra có tổ chức nhiều hoạt động như: Hội chợ xúc tiến thương mại biên giới và không gian trưng bày, triển lãm sản phẩm OCOP tiêu biểu gắn với chuỗi giá trị ngành hàng cá tra; Hội thi ẩm thực các món ngon từ cá tra; đêm văn nghệ truyền thống Ngày hội Cá tra; thi đấu thể thao, văn nghệ; Hội nghị tổng kết ngành hàng cá tra...