Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Ngày hội Văn hóa các DTTS tỉnh Gia Lai lần thứ nhất: Tôn vinh văn hóa truyền thống, thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc

Ngọc Thu - 10:57, 21/04/2022

Ngày hội Văn hóa các DTTS tỉnh Gia Lai vừa kết thúc tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Đây là lần đầu tiên Gia Lai tổ chức bằng hình thức mới, đã tạo ra ấn tượng tốt đẹp, có sức lan tỏa rộng rãi đến mọi người, qua những hoạt động đặc sắc, tái hiện cuộc sống sinh động của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Gia Lai.

Màn trình diễn cồng chiêng của người Gia Rai
Màn trình diễn cồng chiêng của người Gia Rai

Thay vì biểu diễn trên sân khấu chung, gần 800 nghệ nhân của 16 đoàn đến từ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh được bố trí một khu vực riêng tại Quảng trường Đại Đoàn Kết rộng 12 ha với cây xanh rợp bóng. 

Tại đây, các nghệ nhân có thể tự do thoải mái tái hiện không gian sinh hoạt của cộng đồng; tổ chức trình diễn cồng chiêng, hát dân ca, dân vũ, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, tạc tượng, đan lát, dệt vải… Tất cả đạo cụ, mô hình của các đoàn như: nhà rông, nhà mồ… đều được các đoàn làm từ vật liệu tự nhiên như: gỗ, tranh, tre..

Chính sự sắp đặt ấy, các sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS được trở về gần hơn với môi trường vốn có của nó. Giữa không gian rộng mở, rộn rã, tươi vui, các nghệ nhân hồ hởi hội ngộ.

Cô gái Ba Na biểu diễn hòa tấu nhạc cụ
Các cô gái Ba Na biểu diễn hòa tấu nhạc cụ

Nghệ nhân ưu tú Rơ Ô Bhung đến từ đoàn huyện Krông Pa hào hứng, nói: “Tôi cùng mọi người trong đoàn tham gia hai hoạt động, là phục dựng nghi lễ cúng nhà mới và biểu diễn đàn goong. Tôi rất vui vì được đưa văn hóa của dân tộc mình giới thiệu tới bạn bè gần xa. Đây cũng là dịp để chúng tôi được ra khỏi ngôi làng của mình để giao lưu, học hỏi rất nhiều điều mới mẻ”.

Mang tới ngày hội nét khác biệt trong trang phục áo dài nhung đen và chơi đàn tính, múa chầu, góp thêm một nét đặc sắc trong văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh. Nghệ nhân Ngân Thị Thanh (đoàn huyện Mang Yang) chia sẻ: “Gia Lai là quê hương thứ hai của tôi. Từ miền Bắc vào Gia Lai sinh sống nhưng chúng tôi vẫn mang theo văn hóa dân tộc mình. Tôi rất vui vì đến với hội thi, chúng tôi được giao lưu, học hỏi và gắn kết với các dân tộc anh em tại quê hương thứ hai”.

Hát dân ca của đoàn nghệ nhân Đăk Đoa thu hút người nghe
Hát dân ca của đoàn nghệ nhân Đăk Đoa thu hút người nghe

Hội tụ về đây, các nghệ nhân đến từ buôn làng đều thể hiện được tài năng, lòng nhiệt huyết vì bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Âm thanh trầm bổng của tiếng chiêng vang xa, tiếng du dương của đàn Tơ Nưng hòa cùng các gam màu rực rỡ của thổ cẩm, những vòng xoang nhịp nhàng… tất cả diễn ra tự nhiên như lễ hội ở làng.

Hòa cùng ngày hội, người dân và du khách cũng vui vẻ, rộn ràng, náo nức. Anh Trần Hoàng Hữu Duy - du khách Đà Nẵng, cho biết: “Trước giờ mình chỉ được tiếp cận văn hóa truyền thống của người Tây Nguyên trên phim ảnh. Giờ được tận mắt thấy các hoạt động văn hóa đặc sắc của người DTTS ở đây như tạc tượng, nghe âm thanh của các nhạc cụ, âm thanh cồng chiêng tôi thấy mình được hòa tan cùng buôn làng Tây Nguyên, hoang dã, khoáng đạt, tất cả đoàn kết, đều là anh em một nhà”.

Các nghệ nhân thỏa sức sáng tạo qua các màn trình diễn múa xoang, mừng lúa mới
Các nghệ nhân thỏa sức sáng tạo qua các màn trình diễn múa xoang, mừng lúa mới

Sau 2 năm các hoạt động giao lưu văn hóa bị ngưng trệ do dịch Covid-19, Ngày hội Văn hóa các DTTS toàn tỉnh lần thứ nhất, đã trở thành không gian đầy sôi động và ý nghĩa.

Trong Ngày hội, các nghệ nhân đã thực sự được sống trọn trong không gian văn hóa của dân tộc mình. Để khi trở về với buôn làng của mình, tinh thần đó lại được bà con tiếp tục nuôi dưỡng, duy trì và lan tỏa.

Các nghệ nhân nhí chụp hình cùng người dân và du khách
Các nghệ nhân nhí chụp hình cùng người dân và du khách

Ông Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), thành viên Ban Tổ chức Ngày hội cho biết: Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4)-ngày hội kết nối tinh thần đại đoàn kết của các dân tộc tỉnh Gia Lai. Để có những màn trình diễn đầy sôi động và hấp dẫn đó, là cả một sự cố gắng của từng cá nhân, tập thể. Ngày hội thực sự là sân chơi bổ ích, là dịp để các nghệ nhân giao lưu học hỏi kinh nghiệm. Qua đó, tạo sự đoàn kết, thống nhất, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Ông Trần Ngọc Nhung, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: “Gia Lai là một trong những địa phương đã và đang tích cực thực hiện các cam kết với UNESCO về bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Sự kiện văn hóa hôm nay, là một hành động thiết thực hướng về những cam kết ấy. Vì vậy, mọi người đã gác lại công việc ruộng rẫy, mùa vụ vất vả để đến đây vui chơi thì hãy cứ múa hát, đánh chiêng, chuyện trò thoải mái như ở nhà, ở làng”.

Đồng thời, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng đề nghị, các địa phương cần tiếp tục quan tâm các hoạt động văn hóa dân gian, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các DTTS trên địa bàn quản lý. Mọi người cùng chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.