Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Người cán bộ đoàn hết mình vì văn hóa truyền thống

Văn Đoàn - 11:04, 30/12/2019

Hiện nay, một bộ phận người X’tiêng, đặc biệt là thế hệ trẻ không mặn mà với các nghề truyền thống. Để nghề truyền thống của dân tộc không bị mất, anh Điểu Mon ở sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng (Bình Phước) đã có nhiều việc làm thiết thực.

Người cán bộ đoàn hết mình vì văn hóa truyền thống
Anh Điểu Mon (bìa trái) dẫn khách thăm quan vườn lá nhíp trồng xem dưới tán điều
Anh Điểu Mon (bìa trái) dẫn khách thăm quan vườn lá nhíp trồng xem dưới tán điều

Sau khi tốt nghiệp THPT, Điểu Mon ở nhà phụ giúp gia đình làm kinh tế và tham gia các hoạt động của Chi đoàn sóc Bom Bo. Tinh thần nhiệt thành lại có năng khiếu văn nghệ nên Điểu Mon nhanh chóng được đoàn viên tin tưởng và bầu làm Bí thư chi đoàn sóc Bom Bo. Năm 2013, Mon được giao trọng trách là Phó Bí thư Đoàn xã Bình Minh. Bất kể ở cương vị nào, Điểu Mon luôn đi đầu trong các phong trào, hoạt động.

Là người xuất phát từ cơ sở, Mon nhận thấy việc tập hợp, đoàn kết thanh niên vùng nông thôn, nhất là thanh niên DTTS gặp khó khăn, nên bàn với Ban Thường vụ Đoàn xã đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Đồng thời, khuyến khích các chi đoàn thôn thành lập câu lạc bộ (CLB) văn nghệ, thể thao phù hợp sở thích nhằm tạo sân chơi, góp phần tập hợp thanh niên vào tổ chức đoàn, giảm tệ nạn xã hội trên địa bàn.

Để phát huy vai trò của thanh niên trong xây dựng nông thôn mới, Điểu Mon cùng lực lượng đoàn viên thanh niên vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường, góp tiền xây dựng các công trình thắp sáng đường quê. Đặc biệt, Mon đã bàn với những Người có uy tín trong sóc Bom Bo vận động 86 hộ dân đóng góp 353 triệu đồng xây dựng một chiếc cầu dân sinh. Điểu Mon đã thiết kế, lập kế hoạch xây dựng và cùng người dân thành lập các tổ trực tiếp thi công cầu. “Đây là con đường duy nhất đi vào rẫy của đồng bào và khu dân cư bên kia suối. Mùa mưa, nước dâng cao các em học sinh phải đi học rất nguy hiểm. Khi phát động làm cầu ai cũng vui mừng đóng góp tiền và công sức”, Điểu Mon nói.

Điểu Mon cũng là gương thanh niên sản xuất giỏi nhiều năm liền. Hiện nay, Mon đang chăm sóc 5ha điều trồng xen cà phê. Đây là mô hình “2 trong 1” khá hiệu quả dành cho những người có ít đất sản xuất. Gần đây, Điểu Mon trồng xen thêm cây lá nhíp (một loại cây rau rừng). Lá nhíp là loại rau sạch, được nhiều người tiêu dùng ưa thích.

Sóc Bom Bo đã đi vào lịch sử dân tộc bởi tinh thần giã gạo nuôi quân của người X’tiêng. Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của người X’tiêng, tỉnh Bình Phước đã đầu tư, xây dựng khu bảo tồn văn hóa X’tiêng sóc Bom Bo. Điểu Mon được giao nhiệm vụ phụ trách các gia đình làm nghề rèn trong khu bảo tồn.

Đặc biệt, Mon đang phụ trách CLB văn nghệ Khu bảo tồn văn hóa dân tộc X’tiêng sóc Bom Bo. Các thành viên trong CLB thường tập luyện biểu diễn cồng chiêng, các điệu múa mừng lúa mới để phục vụ khách du lịch đến thăm quan khu bảo tồn, cũng như tham gia biểu diễn dịp lễ, Tết nhằm góp phần quảng bá bản sắc văn hóa đồng bào nơi đây. Ấn tượng nhất là điệu múa trên nền nhạc bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”. Đây được xem là “bài tủ” của đội múa mỗi khi các đoàn khách du lịch đến thăm quan khu bảo tồn và lưu lại đêm.

Anh Điểu Khuê, Bí thư Huyện đoàn Bù Đăng cho biết: “Là cán bộ Đoàn, Mon năng nổ, nhiệt tình, luôn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động do Đoàn cấp trên phát động. Đặc biệt, Mon rất có ý thức trong việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của người X’tiêng. Đây là gương sáng để đoàn viên, thanh niên trong huyện học tập, noi theo”.

Tin cùng chuyên mục
Báo động nguy cơ ngộ độc từ thực phẩm

Báo động nguy cơ ngộ độc từ thực phẩm

Hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm, thậm chí có trường hợp tử vong tại Nha Trang (Khánh Hòa), TP.HCM, Đồng Nai thời gian qua chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả mọi người. Chúng ta không thể coi nhẹ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu không muốn phải trả giá, thậm chí bằng cả tính mạng.