Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Người Đan Lai trên hành trình hội nhập: Hướng đến tương lai (Bài cuối)

Thanh Hải - 10:06, 08/09/2022

Đời sống của người Đan Lai dẫu đã có nhiều đổi thay nhưng để ổn định lâu dài nơi vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát là một câu chuyện còn dài.

Bản Búng vẫn còn giữ được nhiều nét hoang sơ
Bản Búng - nơi sinh sống của người Đan Lai

Ổn định lâu dài ở vùng lõi VQG Pù Mát

Kể từ thời điểm lập dự án bảo tồn và phát triển bền vững tộc người Đan Lai ở vùng lõi vườn quốc gia (VQG) Pù Mát vào năm 2006 đến nay, nếu trừ những hộ dân tái định cư (TĐC), thì người Đan Lai đã tăng thêm 87 hộ. Ở thời điểm hiện tại, hai bản Búng và Cò Phạt đã có 229 hộ dân. Trong khi đó, do nằm trong vùng lõi VQG Pù Mát nên họ không được chia đất ở, đất sản xuất. Chỗ ở hiện nay là kết quả của cuộc chạy loạn từ hàng trăm năm trước. Còn đất sản xuất, cũng là do người dân tự ý phát rừng làm rẫy.

Thực tế hiện nay, dân số tăng, nhu cầu về lương thực và chỗ ở tăng, trong khi quy định của địa phương là không được phát sẻ thêm rừng để làm rẫy. Ông Đặng Văn Thân, Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn chia sẻ: Chúng tôi đã yêu cầu bà con không phát sẻ thêm rừng để làm rẫy, mà chỉ sản xuất trên phần diện tích đã phát sẻ từ trước. Nhưng cũng rất khó vì người dân vùng miền núi quen với tập quán phát rừng làm rẫy. Hai nữa, do chưa được chia đất sản xuất, đất ở nên tâm lí người dân không ổn định.

Ngoài đất sản xuất và đất ở, nhà ở của người Đan Lai cũng còn nhiều hộ tạm bợ, thiếu chắc chắn. Chúng tôi đã đến bản Búng, Cò Phạt và tận mắt chứng kiến những căn nhà tạm bợ của nhiều hộ gia đình Đan Lai nơi đây. Đem câu chuyện trao đổi với Trưởng bản Búng xã Môn Sơn Lê Văn Chín thì được biết: Tâm tư của bà con là muốn được quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện để ổn định cuộc sống tốt hơn.

Trước thực tế này, lãnh đạo huyện Con Cuông đã từng yêu cầu VQG Pù Mát cần nghiên cứu xem xét nhu cầu sử dụng đất, lâm sản làm nhà ở chính đáng của người dân Đan Lai ở bản Búng và Cò Phạt để trình UBND tỉnh xem xét trên nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý rừng, tôn trọng bản sắc văn hóa và nhu cầu chính đáng của người Đan Lai.

Trẻ con Đan Lai tắm trên khe Khặng
Trẻ con Đan Lai tắm trên khe Khặng

Tổng kết đề án bảo tồn và phát triển bền vững tộc người Đan Lai ở vùng lõi VQG Pù Mát, huyện Con Cuông đã đề cập đến nhiều khó khăn, vướng mắc nếu thực hiện giai đoạn 2 của đề án là tiếp tục di dời những hộ dân cho đến khi chỉ còn lại 30 hộ như kế hoạch ban đầu.

Đó là sẽ cần nguồn vốn rất lớn để di dời, bố trí các hạng mục TĐC. Chưa kể, quỹ đất không đủ bố trí, chưa kể không gian văn hóa, sinh sống chưa thực sự phù hợp với tập quán của người Đan Lai.

Lãnh đạo huyện Con Cuông đã đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành về phương án không tiếp tục di chuyển TĐC với những hộ dân hiện tại ở vùng lõi VQG Pù Mát. Khi phương án này được phê duyệt thì sẽ triển khai thực hiện đề án tổ chức ổn định cuộc sống cho người dân hai bản Búng và Cò Phạt.

Cuộc sống của người Đan Lai mặc dù đã ổn định nhưng đời sống còn nhiều khó khăn
Cuộc sống của người Đan Lai mặc dù đã ổn định nhưng vẫn còn nhiều khó khăn

Bản Búng và Cò Phạt sẽ thành điểm du lịch cộng đồng 

Mục tiêu ban đầu của Đề án bảo tồn và phát triển bền vững tộc người Đan Lai ở vùng lõi VQG Pù Mát là sẽ phát triển du lịch sinh thái tại bản Búng và Cò Phạt. Trên hành trình từ đập Phà Lài vào vùng lõi VQG Pù Mát sẽ là tuor du thuyền vượt thác ghềnh trên sông Giăng - khe Khặng. Tại 2 bản làng của người Đan Lai sẽ có các hoạt động văn hóa ẩm thực, khai thác tối ưu đặc trưng văn hóa của người Đan Lai như múa cồng chiêng, bắn cung tên, trèo cột, ném còn…; sản xuất hàng lưu niệm từ vật liệu thiên nhiên là song, mây, mét và dệt thổ cẩm.

Hiện tại, ở bản Cò Phạt, đã có nhà văn hóa kiên cố, rộng rãi, khang trang, do khoa Lịch sử Trường Đại học Vinh và Sở Khoa học Công nghệ Nghệ An cấp kinh phí trang trí. Thế nên, trong nhà văn hóa đã có nhiều hiện vật, nhiều bức ảnh đẹp phản ánh chân thực cuộc sống hàng ngày của người Đan Lai.

Phó chủ tịch UBND xã Môn Sơn Ngân Văn Trường hi vọng: Trong tương lai, bản Cò Phạt có thể phát triển thành một điểm trung chuyển của tuyến du lịch sinh thái trên hành trình du lịch khám phá đời sống tộc người Đan Lai.

Khi tuyến du lịch sinh thái trên hành trình du lịch khám phá đời sống tộc người Đan Lai được triển khai đời sống bà con đổi thay
Phát triển điểm du lịch cộng đồng kỳ vọng sẽ thúc đẩy cuộc sống của người Đan Lai phát triển

Cái khó cho du lịch sinh thái khám phá đời sống người Đan Lai tại vùng lõi VQG Pù Mát là đường giao thông. Tuy nhiên, mới đây, lãnh đạo huyện Con Cuông đã tiến hành khảo sát thực địa, chuẩn bị cho dự án triển khai làm tuyến đường mới nối trung tâm xã Môn Sơn vào 2 bản Búng và Cò Phạt. Khi ấy, thế bế tắc sẽ được hóa giải cho người Đan Lai.

Lại nói về đập Phà Lài, đây là con đập ngăn dòng sông Giăng đầy tiềm năng. Tại Phà Lài đã hình thành được điểm du lịch sinh thái. Bản Xiềng ở gần đập Phà Lài cũng đã có nhiều Homestay mở cửa đón du khách từ nhiều năm qua. Thế nên, đây là lợi thế lớn nếu kết nối với bản Búng và Cò Phạt trên hành trình du lịch trải nghiệm.

Cách nay chừng hơn một năm, những người con của những bản làng Con Cuông đã rất tâm huyết với việc làm du lịch dựa vào thiên nhiên. Nhiều bạn trẻ là giáo viên dạy tiếng Anh trên địa bàn huyện đã mở lớp dạy tiếng Anh giao tiếp cơ bản cho những người Thái, Đan Lai… ở xã Môn Sơn. Mục đích của lớp học là để người dân có thêm kinh nghiệm, trải nghiệm, kĩ năng đón tiếp khách nước ngoài khi đặt chân đến vùng núi này.

Lãnh đạo huyện Con Cuông thông tin: Huyện đang hướng đến xây dựng và phát triển du lịch thì cộng đồng người Đan Lai ở vùng lõi VQG Pù Mát cần được xây dựng thành điểm du lịch cộng đồng đặc trưng.

Lợi thế về địa lí là vùng lõi VQG Pù Mát, là hệ thống sông và khe suối, là bản sắc văn hóa của tộc người Đan Lai thì đã có. Lợi thế về chính sách, chủ trương chắc chắn sẽ được Trung ương, tỉnh đồng thuận. Vấn đề là huyện Con Cuông sẽ làm những gì tiếp theo để bảo vệ, phát triển bền vững tộc người Đan Lai ở vùng lõi VQG Pù Mát, trong đó có lĩnh vực sinh thái.

Tin cùng chuyên mục
Uỷ ban Dân tộc thăm hỏi, tặng quà cán bộ hưu trí nhân dịp Tết Nguyên đán 2025

Uỷ ban Dân tộc thăm hỏi, tặng quà cán bộ hưu trí nhân dịp Tết Nguyên đán 2025

Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh Tây Nam Bộ, chiều ngày 11/01, Đoàn công tác Trung ương do Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc (UBDT) Hầu A Lềnh làm Trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà cho nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Sơn Phước Hoan nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Cùng đi có Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K’Đăm và đại diện lãnh đạo Văn phòng Ủy ban Dân tộc, Vụ Công tác dân tộc địa phương (bộ phận Cần Thơ) thuộc UBDT.