Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người lưu giữ dân ca Thái ở Mường Ham

Thanh Hải - 10:09, 30/11/2020

Mường Ham không chỉ được biết đến là vùng đất gắn với sự tích lập bản, dựng mường; nơi ấy còn gắn liền với lễ hội Pửn Pang - Nang Ny huyền thoại của người Thái ở Châu Cường, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An). Và ở nơi ấy, văn hóa cổ truyền của người Thái đã bay cao, bay xa hơn bởi có một người đã dành trọn cuộc đời để sáng tác, sưu tầm và truyền dạy cho lớp lớp thế hệ trẻ. Bà là nghệ nhân Lương Thị Phiên.

Nghệ nhân Lương Thị Phiên dạy dân ca Thái cho học sinh xã Châu Cường
Nghệ nhân Lương Thị Phiên dạy dân ca Thái cho học sinh xã Châu Cường

Dân ca là lẽ sống đời tôi

Sinh ra trong một gia đình mà cả bố và mẹ đều là những người có tình yêu sâu nặng với dân ca dân tộc Thái, nên từ thuở còn nằm nôi, bà Lương Thị Phiên đã được đắm mình trong những lời dân ca sâu lắng, đậm đà. Rồi những khúc dân ca mà bà đã nghe được trong những dịp lễ hội của bản, của mường đã khiến bà như mê mẩn.

Tuổi thơ lớn dần theo câu hát, mê hát và được trời phú cho cái duyên hát hay, bà sớm trở thành trung tâm các hoạt động tập thể ở địa phương. Bà Phiên móm mém nói: “Không hiểu từ bao giờ, những làn điệu dân ca Thái đã ngấm sâu vào con người tôi, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi”.

Ở vùng đất Mường Ham, bà Phiên được ví là pho dân ca sống của bản làng. Từ thích hát đến niềm đam mê sưu tầm, suốt những năm tháng qua, rất nhiều những làn điệu dân ca cổ của người Thái đã được bà lưu giữ, nâng niu, trân quý như báu vật.

Và dù không được đào tạo trong các trường nghệ thuật, nhưng bà có khả năng am hiểu về âm nhạc. Bà Phiên giảng giải: Dân ca Thái rất phong phú trữ tình, chứa đựng nội dung đa dạng về tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu nam nữ và các mối quan hệ xã hội. Bốn thể loại dân ca Thái được nhiều người biết đến là các làn điệu xuối, lăm, nhuôn, khắp on. Nhạc cụ của các lối hát này cũng khá đơn giản với bốn loại là sáo, khèn, chiêng và trống. Tuy nhiên, để hát hay và sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ, ngoài năng khiếu còn phải sưu tầm, tìm hiểu kỹ càng thì mới có được những bài hát hay.

Việc sưu tầm dân ca, lời cổ theo bà trước hết là để làm vốn cho mình, tiếp đến là để lại cho mai sau. Quan trọng nhất, là để văn hóa cổ truyền người Thái không bị mai một.

Suốt những năm tháng qua, bà Phiên cũng đã đã sáng tác được hơn 30 làn điệu dân ca Thái từ cảm hứng lao động sản xuất của bà con dân bản, từ truyền thống dựng bản lập mường, từ tình yêu lứa đôi, từ thực tiễn lao động sản xuất…

Nghệ nhân Lương Thị Phiên vẫn say sưa với sáng tác, sưu tầm làn điệu dân ca Thái
Nghệ nhân Lương Thị Phiên vẫn say sưa với sáng tác, sưu tầm làn điệu dân ca Thái

Trọn đời với khúc xuối, lăm, nhuôn

Không thể để vốn dân ca phai nhạt, không thể để văn hóa đồng bào Thái biến mất theo thời gian, bà Phiên và một số người đã đề xuất thành lập Câu lạc bộ (CLB) dân ca ở vùng đất Mường Ham (xã Châu Cường).

CLB được thành lập năm 2006 và bà Phiên chính là lựa chọn duy nhất cho cương vị Chủ nhiệm.

Nhận công tác ở độ tuổi “cổ lai hy” nhưng không hề cảm thấy mệt mỏi, ngược lại bà như trẻ ra, sung sức hơn. Bởi cái tuổi xưa nay hiếm thì nhiều người có được, nhưng có vốn dân ca như bà thì thật là “đãi cát tìm vàng”.

Năm 2019, bà Lương Thị Phiên là người duy nhất ở huyện Quỳ Hợp và là 1 trong 26 nghệ nhân của tỉnh Nghệ An được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Bà Phiên trầm tư: “Dân ca Thái đang bị mai một do thiếu người dạy, sưu tầm, biên soạn; do thế hệ trẻ hiện nay ít ưa thích. Cả một đời đeo đuổi với dân ca, thấy thực tế ấy, tôi buồn lắm”.

Từ 32 thành viên ban đầu, đến nay, CLB do bà làm Chủ nhiệm đã thu hút thêm hàng chục người, ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Ngoài những buổi học tập trung ở nhà văn hóa của bản, bà còn mở thêm một lớp học tại ngôi nhà nhỏ của mình để cùng chung niềm đam mê dân ca với bao người, để được say sưa hát và nghe hát.

Nói về người nghệ nhân đặc biệt ấy, bà Trương Thị Kim Chi, Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Quỳ Hợp nhận xét: Nghệ nhân Lương Thị Phiên có niềm say mê đặc biệt dành cho làn điệu dân ca Thái. Huyện đã ghi nhận nhiều đóng góp của bà trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn. CLB dân ca Thái do bà làm Chủ nhiệm đã góp phần tích cực trong việc bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca dân tộc Thái trên địa bàn huyện.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.