Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Người phụ nữ Tày ở Nà Khau “đánh thức” những đôi bàn tay khéo léo

Giang Lam - 12:30, 26/06/2023

Hiện nay, nhiều người trẻ dân tộc Tày ở thôn Nà Khau, xã Minh Quang, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) khá hứng thú với nghề đan lát mây tre truyền thống của dân tộc mình. Cùng với kinh nghiệm và sẵn sàng học hỏi thay đổi mẫu mã sản phẩm cho phù hợp với người sử dụng của lớp người lớn tuổi, mà những “lóng mốt, lóng đôi” của bà con nơi đây đã bay xa khắp cả nước, với những đơn đặt hàng có lúc đến hàng nghìn chiếc. Chị Ma Thị Liễu, Tổ trưởng Tổ hợp tác mây tre đan thôn Nà Khau bảo, chị hạnh phúc và tự hào về điều này lắm!

Chị Ma Thị Liễu (bên phải) cùng chị em trong tổ hợp tác làm sản phẩm mây tre đan.
Chị Ma Thị Liễu (bên phải) cùng chị em trong Tổ hợp tác làm sản phẩm mây tre đan

Giữ nghề truyền thống

Bóng chiều đổ xuống bản Nà Khau, trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả, chị Ma Thị Liễu vội vàng rửa mặt mũi, tay chân rồi tranh thủ vót tre, chuốt nan, đan cho xong chiếc rổ đang dang dở. Đôi tay chai sạn thoăn thoắt đan, chị Liễu nói rằng, đan lát giờ đã trở thành một trong những hoạt động chính trong sinh hoạt hàng ngày của bà con nơi đây, hôm nào không đan lại thấy nhớ, thấy buồn tay chân lắm. Bởi vậy, dù bận bịu cỡ nào các bà, các chị nơi đây cũng dành thời gian đan để thỏa đam mê, vừa có thêm thu nhập.

Phút chốc, cả nhóm đan lại rôm rả những câu chuyện xung quanh tre, mây, nứa. Ngày xưa, khi kết thúc mùa màng dù ngày hay đêm, đi qua bản làng nào cũng được chứng kiến cảnh các gia đình ngồi quây quần bên nhau đan lát cười nói râm ran. Rồi những phiên chợ, các sản phẩm mây tre đan được bày bán tạo nên cảnh tấp nập trù phú của chợ quê.

Thế nhưng nghề này cũng trải qua những lúc thăng, lúc trầm bởi sự phát triển cơ chế thị trường khi các đồ dùng truyền thống từ đan lát đều được người dân thay thế bằng vật dụng bằng nhựa, nhôm, Inox...

Những đôi bàn tay khéo léo của người Tày Nà Khau, xã Minh Quang, huyện Lâm Bình.
Những đôi bàn tay khéo léo của người Tày Nà Khau, xã Minh Quang, huyện Lâm Bình

Chị Ma Thị Liễu là một trong những người đan giỏi nhất nhì của bản Nà Khau. Chị bảo, thời điểm đó người trẻ rời xa bản làng đi làm ăn tại các khu công nghiệp, đô thị lớn. Một vài người thi thoảng đan nong, nia, làn… để phục vụ nhu cầu. Nhiều thành viên trong gia đình cũng không hào hứng ủng hộ, không tìm được người kế nghiệp, dần dà nghề cứ thế mai một… Điều đó khiến chị Liễu và nhiều người già trong bản buồn lắm!

Và như “nắng hạn gặp mưa rào”, năm 2020, khi Hội Phụ nữ xã gợi ý cho thôn thành lập Tổ hợp tác mây tre đan, chị Liễu đã nhiệt tình, xung phong làm Tổ trưởng. Chị lo các việc như bố trí địa điểm trụ sở của Tổ hợp tác, vận động chị em tham gia đến tìm kiếm đơn hàng... Và, hành trình để chị Liễu “đánh thức” những đôi bàn tay khéo léo ở Nà Khau bắt đầu…

Quả còn tâm linh và những “đơn hàng xịn”

Chị Ma Thị Liễu thích thú kể với chúng tôi câu chuyện về quả còn tâm linh mang lại nhiều may mắn cho chị. Chị bảo, thời điểm ban đầu khi thành lập Tổ hợp tác, nhiều người trong bản không hào hứng lắm. Việc vận động bà con làm thành viên đã khó, rồi lại vận động bà con tự nguyện làm các sản phẩm để trưng bày, khẳng định tay nghề khi chưa có một đồng thù lao nào. Người trẻ thì bỏ làng về phố, người lớn tuổi thì kiếm việc có thu nhập cao hơn. Do đó, thời gian đầu, Tổ hợp tác thành lập nhưng không đi vào hoạt động được…

Chị Ma Thị Liễu - Người phụ nữ "đánh thức" những đôi bàn tay khéo léo để làm nên những sản phẩm mây tre đan thu hút người sử dụng
Chị Ma Thị Liễu - Người phụ nữ "đánh thức" những đôi bàn tay khéo léo để làm nên những sản phẩm mây tre đan thu hút người sử dụng

Thế nhưng vào năm 2018, tác phẩm “Quả còn 7 sắc cầu vồng", do chị Liễu tự tay thiết kế và khâu tham gia Cuộc thi “Thiết kế sản phẩm lưu niệm du lịch” và “Sáng tác biểu trưng, khẩu hiệu du lịch” do UBND tỉnh tổ chức, đã mang lại may mắn cho chị.  

Chị  cho biết, quả còn có  ý nghĩa mang ước vọng về một năm mới thuận hòa, mùa màng bội thu, sự may mắn, hạnh phúc trong đời sống của người Tày, được khâu tay một cách tinh tế đã đoạt giải Nhất. Đặc biệt, tại Lễ trao giải, chị được gặp một chủ cơ sở lưu niệm lớn ở Tp. Thái Nguyên (Thái Nguyên). Cả hai cùng chuyện trò và chủ cơ sở bán hàng lưu niệm cảm nhận được sự nhiệt huyết, khát vọng của chị Liễu mong muốn đưa sản phẩm của bản làng Tày vươn xa, chủ cơ sở này đã đến tận nơi tìm hiểu và đặt ngay với chị Liễu đơn hàng đầu tiên với 1.000 sản phẩm.

Chị Liễu bảo: “Đúng là quả còn luôn mang lại điều may mắn, sự bội thu cho người Tày. Tôi thực sự biết ơn cuộc thi, đã kết nối để Tổ hợp tác may mắn có đơn hàng đầu tiên. Đó là động lực lớn, đòn bẩy để các thành viên trong Tổ bắt tay thực hiện”.

Và rồi nối tiếp, các sản phẩm cơi, làn, nón… làm từ các nguyên liệu như tre, nứa, mây, giang, guột... được đôi bàn tay khéo léo của các chị em Nà Khau thổi hồn tạo nên tác phẩm nghệ thuật bắt mắt. Đơn hàng 1, đơn hàng 2… Vậy là hành trình để chị em Nà Khau gắn bó với nghề truyền thống như gần lại hơn!

Tạo thu nhập từ mây tre đan 

Ngay từ khi đến với nghề đan, chị Ma Thị Liễu đã thể hiện sự khác biệt với kỹ năng học hỏi rất nhanh. Chị chỉ cần nhìn một lần là có thể biết bắt chước cách đan giống hệt. Bên cạnh đó, chị còn là người thợ có khả năng sáng tạo ra nhiều kiểu đan mới lạ tạo ra những sản phẩm khác biệt hấp dẫn khách hàng sử dụng.

Bà Ma Thị Liền, thành viên Tổ hợp tác chia sẻ, bên cạnh những mẫu mã truyền thống, khách hàng cũng yêu cầu mẫu mà cầu kỳ với hoa văn cách điệu, chữ nổi ấn tượng... Những người lớn tuổi bao năm quen với cách đan đơn giản, thế nhưng khi có mẫu mới theo khách đặt, chị Liễu sẽ là người đan mẫu và nhiệt tình hướng dẫn cho các thành viên trong tổ làm theo. Chính vì sự hết mình và tận tâm đó, chị Liễu luôn được mọi người quý mến.

Một trong những sản phẩm ấn tượng, đắt hàng do các thành viên Tổ hợp tác xã làm ra.
Một trong những sản phẩm đắt hàng được làm từ những đôi bàn tay khéo léo của các thành viên Tổ hợp tác mây tre đan Nà Khau

Tổ hợp tác mây tre đan Nà Khau hiện có gần 40 thành viên. Trung bình mỗi tháng, các thành viên sản xuất được hơn 500 - 600 sản phẩm. Mỗi sản phẩm ở đây có giá bán 30 - 200 nghìn đồng/chiếc tùy vào từng loại mẫu mã, kích thước.

Phấn khởi là, hiện nay, trong Tổ hợp tác đã có nhiều người trẻ tham gia. Chị Ma Thị Nhịp (29 tuổi) cho biết: Khi được cô Liễu thuyết phục ở lại làng làm nghề và tham gia Tổ hợp tác mây tre đan, chị đắn đo lắm! Thế nhưng, giờ thấy đây là một lựa chọn hợp lý, đúng đắn. Bởi vì chị vừa được ở lại quê nhà chăm sóc gia đình mà vẫn có thu nhập ổn định. Nếu chăm chỉ làm thì mức thu nhập hàng tháng khoảng 4 triệu đồng.

Bên cạnh đó, chị Liễu cùng các thành viên tích cực quảng bá sản phẩm thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo. Điều này đã giúp Tổ hợp tác quảng bá được sản phẩm, kết nối thuận lợi với khách hàng. Giờ đây, nhiều cơ sở các tỉnh thành như Yên Bái, Hà Nội, Thái Bình, Thái Nguyên đặt hàng thường xuyên. Có những đơn hàng lên đến hàng nghìn sản phẩm, chị em trong Tổ phải làm ngày, làm đêm mới kịp xuất bán.

Tiễn chúng tôi rời bản Nà Khau, chị Ma Thị Liễu còn kịp thông tin thêm: Những ngày này, Tổ hợp tác đang tập trung để hoàn thành đơn hàng của khách ở Hà Nội đặt, với thời gian 10 ngày gồm 100 chiếc nón Tày, 100 chiếc làn, 200 chiếc hòm nhỏ. "Tôi luôn hy vọng bà con nơi đây sẽ sống được với nghề đan lát mây tre truyền thống của mình", chị Liễu bộc bạch.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.