Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Nhận diện “vùng trũng” trong phòng chống thiên tai: Nhìn nhận lại chiến lược phát triển kinh tế ở khu vực miền núi (Bài 3)

Sỹ Hào - 09:54, 21/12/2020

Nguy cơ gia tăng lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi ngày càng trầm trọng, không chỉ do biến đổi khí hậu mà còn do mặt trái của các hoạt động phát triển kinh tế. Do đó, để người dân sống dưới chân núi được an toàn, cần có những tính toán phù hợp trong chiến lược phát triển kinh tế của các địa phương.

Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở miền núi luôn thường trực. (Ảnh minh họa)
Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở miền núi luôn thường trực. (Ảnh minh họa)

Rừng trồng “vây” sạt lở!

Sau những sự cố lũ quét, sạt lở đất gây thương vong nặng nề xảy ra ở khu vực miền Trung gần đây, những công trình thủy điện trở thành “tội đồ”. Trên nhiều diễn đàn, dư luận xã hội đã chỉ trích các dự án thủy điện, nhất là những dự án thủy điện nhỏ, siêu nhỏ.

Thực tế, việc phát triển “nóng” thủy điện là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các tai biến về địa chất, cũng như làm giảm diện tích rừng tự nhiên. Nhưng nguyên nhân chính dẫn tới các vụ sạt lở đất liên tiếp trong thời gian qua, là do biến đổi khí hậu. Và các hoạt động kinh tế đã “tiếp sức” cho tác động của biến đổi khí hậu, dẫn tới những thảm họa thiên tai vô cùng khủng khiếp.

Rõ ràng nhất là hoạt động trồng rừng kinh tế. Từ năm 1992, chiến dịch phủ xanh đất trồng, đồi núi trọc đã được triển khai theo Quyết định số 327-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ); sau đó được kế thừa bằng Dự án 661, với mục tiêu trồng mới 5 triệu ha rừng (theo Quyết định 661/QĐ-TTg ngày 29/7/1998).

Với các chính sách hỗ trợ thích hợp, chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc đã đạt kết quả khả quan; diện tích rừng trồng tăng nhanh chóng, từ đó nâng tỷ lệ che phủ rừng của cả nước. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện tổng diện tích đất có rừng toàn quốc đạt trên 14,6 triệu ha, trong đó rừng trồng trên 4,3 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,89%.

Cây keo sau khi khai thác đồng loạt sẽ trả lại tự nhiên quả đồi trọc (Ảnh minh họa)
Cây keo sau khi khai thác đồng loạt sẽ trả lại tự nhiên quả đồi trọc (Ảnh minh họa)

Nhưng nghịch lý là, diện tích rừng trồng tăng cũng tỷ lệ thuận với sự gia tăng của các sự cố lũ quét, sạt lở đất. Theo thống kê, trong giai đoạn từ 1953 - 2006, nước ta xảy ra 448 trận lũ quét và sạt lở đất, trung bình 7 trận/năm. Nhưng sang giai đoạn từ 2000 - 2015, tổng số trận lũ quét và sạt lở đất là 250 trận, trung bình 15 - 16 trận/năm. Riêng năm 2020, tại các tỉnh miền Trung đã xảy ra hơn 100 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Giai đoạn từ 1953 - 2006, nước ta xảy ra 448 trận lũ quét và sạt lở đất, trung bình 7 trận/năm. Nhưng sang giai đoạn từ 2000 - 2015, tổng số trận lũ quét và sạt lở đất là 250 trận, trung bình 15 - 16 trận/năm. Riêng năm 2020, tại các tỉnh miền Trung đã xảy ra hơn 100 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Đáng lẽ, diện tích rừng trồng tăng sẽ “gia cố” thêm lá chắn tự nhiên cho con người trước thiên tai, nhưng nay ngược lại. Sự phi lý này là do diện tích rừng trồng mới phần lớn là cây nguyên liệu, nhất là cây keo. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, trong tổng diện tích hơn 4,3 triệu ha rừng trồng hiện có của cả nước thì diện tích trồng keo là gần 2,2 triệu ha.

Theo đánh giá của các chuyên gia lâm nghiệp, cây keo chỉ đem lại giá trị kinh tế, còn về môi trường thì đã và đang góp phần làm biến dạng đồi núi, xói mòn đất đai, phá vỡ cả hệ sinh thái. Một thực tế cho thấy, việc trồng keo không còn dưới đồi thấp mà tận trên các đồi cao. Khi khai thác đồng loạt, thì tất cả các hệ sinh thái bị phơi bày, không giữ được đất, khi gặp mưa thì nó sẽ bào mòn xói lở, không giữ được nước. Việc mở đường lên đỉnh núi khai thác keo, vô hình chung đã tạo thành rãnh thoát nước lớn, gây xói mòn, trượt lở đất nhanh hơn.

Phải tìm hướng đi khác

Nhận định trên, sẽ là võ đoán nếu như trong mưa bão lịch sử vừa qua không xảy ra các sự cố sạt lở đất gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là tại tỉnh Quảng Nam - một địa phương có tốc độ gia tăng diện tích rừng keo chóng mặt. Theo thống kê, nếu như năm 2014, toàn tỉnh Quảng Nam chỉ có khoảng 20.000ha keo thì hiện diện tích đã lên tới trên 90.000ha, được “rải thảm” từ đồng bằng ven biển lên miền núi.

Cây keo chiếm diện tích lớn nhất trong tổng diện tích rừng trồng hiện nay. (Nguồn: Tổng cục Lâm nghiệp; Đồ họa: Sỹ Hào)
Cây keo chiếm diện tích lớn nhất trong tổng diện tích rừng trồng hiện nay. (Nguồn: Tổng cục Lâm nghiệp; Đồ họa: Sỹ Hào)

Và những ngày sau mưa bão, theo Quốc lộ 40 B lên các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My của tỉnh Quảng Nam, dẫu ngồi trong ô tô cũng văng vẳng nghe tiếng máy cưa rít khắp núi rừng. Bà con tranh thủ khai thác tận thu cây keo, cao su bị đổ ngã sau mưa bão.

Nhìn quanh hai bên, đâu đâu cũng thấy rừng keo. Trên những quả núi cao, người dân cũng trồng keo. Khi thu hoạch cây keo, bà con phải thuê xe ủi, xẻ núi làm đường đưa xe tải lên vận chuyển keo. Thu hoạch xong, nhiều cánh rừng bị cạo trọc lóc, nham nhở. Căn nguyên của lũ quét, sạt lở đất cũng là từ đó.

Xung quanh khu vực nhà kiểm lâm ở Tiểu khu 67 (Thừa Thiên – Huế) bị sạt lở vùi lấp ngày 13/10/2020 đều là rừng trồng, chủ yếu là cây keo.
Xung quanh khu vực nhà kiểm lâm ở Tiểu khu 67 (Thừa Thiên – Huế) bị sạt lở vùi lấp ngày 13/10/2020 đều là rừng trồng, chủ yếu là cây keo.

Sau những thảm họa thiên tai xảy ra, nhiều lãnh đạo và cả người dân mới giật mình: keo có kinh tế trước mắt, nhưng không giữ được đất. Như chia sẻ của ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cũng vì nhà nhà trồng keo, người người trồng keo đã làm cho đất rừng tơi xốp, không còn gắn kết như cũ, dễ xảy ra sạt lở núi.

Còn với ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, sau khi kết thúc các chuyến thị sát các vụ sạt lở đất đã có những chia sẻ đầy trăn trở với báo chí. Ông Cường nói: “Tôi đi xuống dân, đặc biệt là ở hai bên các tuyến đường, nơi rất nhiều rừng keo nằm dày đặc nhưng sạt lở và sập núi rất nhiều. Rất kỳ lạ là đều trên đồi được trồng keo”.

Quan điểm của tôi là làm sao để tăng diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ để giữ được ổn định cho sản xuất, cho đời sống người dân các huyện miền núi, trung du.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng

Đây cũng là quan điểm của ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định khi chia sẻ với báo chí. Theo ông Dũng, không phải diện tích nào cũng trồng keo, trồng rừng sản xuất mà phải tính tới việc tăng thêm diện tích rừng phòng hộ.

“Kinh nghiệm chúng tôi thấy rằng, ở vùng nào chúng ta giữ được rừng tự nhiên tốt thì vùng đó việc sạt lở ít xảy ra. Còn vùng nào mà hiện nay đang trồng rừng sản xuất, nhất là rừng nguyên liệu trồng keo, thì nguy cơ sạt lở rất nhiều. Quan điểm của tôi là làm sao để tăng diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ để giữ được ổn định cho sản xuất, cho đời sống người dân các huyện miền núi, trung du”, ông Dũng nói.

Những chia sẻ của lãnh đạo các địa phương vừa chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản vừa qua, đã đặt ra một yêu cầu cấp bách là phải nhìn nhận lại chiến lược phát triển kinh tế ở khu vực miền núi. Với người dân miền núi, rừng là môi trường sống, đồng thời cũng gắn với thu nhập của họ. Nhưng để phát triển rừng bền vững, từ đó bảo đảm cuộc sống của người dân miền núi thì không thể chỉ dựa vào việc tăng diện tích rừng nguyên liệu, nhất là cây keo.

Cùng với việc nhìn nhận lại chiến lược phát triển kinh tế thì việc quy hoạch phát triển đô thị ở khu vực miền núi cũng cần được quan tâm. Bởi thực tế, nhiều công trình hạ tầng kinh tế, dân sinh,… trong quá trình triển khai quy hoạch các đô thị miền núi đang làm gia tăng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. 

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong phần tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Phân bổ số tiền 948 tỷ đồng đối với các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra

Phân bổ số tiền 948 tỷ đồng đối với các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra

Chiều 22/11, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ban Vận động Cứu trợ Trung ương tổ chức Hội nghị triển khai công tác hỗ trợ đợt 3, đối với các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra.