Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Nhân rộng và lan tỏa Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững- Nhìn từ thực tiễn vùng đồng bào DTTS và miền núi

Vân Khánh - 17:32, 17/10/2024

Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, là một trong những chương trình, mục tiêu có ý nghĩa xã hội to lớn mà Đảng, Nhà nước ta tổ chức thực hiện. Nhìn từ thực tiễn các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi, qua mỗi cách làm, Chương trình mang lại cơ hội cho nhiều hộ gia đình thoát nghèo, làm giàu; nhiều địa phương có cơ hội phát huy sức mạnh nội lực, để vươn lên...

Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đã hỗ trợ cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Phú Bình thoát nghèo. Ảnh: Hộ gia đình chăn nuôi gà ở huyện Phú Bình
Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đã hỗ trợ cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Phú Bình thoát nghèo. Ảnh: Hộ gia đình chăn nuôi gà ở huyện Phú Bình

Hiệu quả từ đa dạng hóa sinh kế

Năm 2024, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Kế hoạch số 85/KH-UBND, ngày 8/5/2024 về thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Sau gần 1 năm thực hiện Kế hoạch số 85 trên, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, có nhiều địa phương trong tỉnh hằng năm đều thực hiện tốt công tác giảm nghèo, xây dựng và nhân rộng được các mô hình giảm nghèo hiệu quả.

Minh chứng như ở Phú Bình, là một trong những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh Thái Nguyên (5,4%). Tuy nhiên, khoảng 3 năm gần đây (từ năm 2022), thực hiện Chương trình MTQG, huyện đã giảm được gần 1.000 hộ nghèo, vượt hơn 180% kế hoạch đề ra. Nhiều dự án, tiểu dự án, như: Hỗ trợ, chuyển giao giống bò lai Sind, giống gà đồi sinh học, trồng rau vụ đông, bò sinh sản cùng với sự hỗ trợ tích cực từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, đã mang lại cho hàng trăm hộ dân cơ hội thoát nghèo và từng bước có thu nhập.

Trong 3 năm, huyện đã xây dựng 9 mô hình từ các Dự án thuộc Chương trình MTQG, như: Đa dạng hóa sinh kế; phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất về lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội, như: Cấp bảo hiểm y tế miễn phí; đưa trẻ trong độ tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo đến trường; hỗ trợ lao động hộ nghèo, cận nghèo, thu nhập thấp được đào tạo nghề, tạo việc làm; hỗ trợ pháp lý miễn phí; tổ chức ngày hội việc làm, hướng nghiệp cho học sinh...

Những năm qua, huyện cũng đã dành hơn 4 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng nhà mới cho hộ nghèo; xây dựng các công trình nước sạch... ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Huyện cũng làm việc với Ngân hàng chính sách xã hội, để tạo điều kiện cho hơn 9 nghìn lượt hộ nghèo được vay vốn xây dựng và phát triển sản xuất với tổng số tiền hơn 93 tỷ đồng. Đánh giá về hiệu quả của các mô hình giảm nghèo tại địa phương, ông Tạ Văn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cho biết: Các mô hình đều mang lại hiệu quả nhất định, giúp các hộ nghèo có cơ sở để phát triển sản xuất, mang lại thu nhập cho gia đình. Đặc biệt là, các mô hình đã thực hiện đều có khả năng nhân rộng. Nhiều hộ khác đã đến học tập và đề nghị được vay tiền ngân hàng để làm theo.

Có được thành công đó, Phú Bình đã làm tốt phương châm đầu tư, hỗ trợ đúng đối tượng và phù hợp với điều kiện lao động, sản xuất của từng hộ. Ban chỉ đạo giảm nghèo của huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát và kịp thời hỗ trợ các hộ xử lý những khó khăn trong quá trình triển khai. Việc này giúp Ban Chỉ đạo huyện đánh giá đúng thực trạng hộ nghèo trên địa bàn, để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp.

Giảm nghèo từ tiếp cận thông tin

Xín Mần là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Giang. Tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ đồng bào DTTS rất cao, trong khi địa bàn cư trú phân tán, đi lại rất khó khăn. Nhận thấy hiểu biết của người dân về Chương trình MTQG còn hạn chế, Xín Mần rất chú trọng hoạt động   giảm nghèo thông tin tới các hộ nghèo. Hệ thống thông tin được triển khai tới cấp xã phát thanh hàng ngày; tài liệu tuyên truyền thông qua nhiều kênh được chuyển tải đến người dân. Tính đến hết quý III/2024, huyện đã lắp đặt 53 bộ thu phát truyền thanh; mở rộng, bổ sung 14 bộ tại các bản vùng sâu. 

Theo đó, được tiếp cận nhiều nguồn thông tin giúp cho người dân nâng cao khả năng tiếp nhận các nguồn vốn giảm nghèo; kích thích ý thức và ham muốn thoát nghèo. Vì vậy, khi triển khai các mô hình thực tiễn phát triển sản xuất, đã có rất nhiều hộ dân “xung phong” được làm trước. Tuy nhiên, căn cứ thực tế, Ban chỉ đạo huyện đã lựa chọn những hộ phù hợp nhất, nhằm đảm bảo mỗi mô hình sẽ có tỷ lệ thành công cao nhất. Từ nguồn vốn phân bổ dự án, Ban chỉ đạo huyện xây dựng Kế hoạch đối với từng xã, thị trấn, khu vực nào thích hợp mô hình sản xuất nào sẽ tập trung đầu tư cho khu vực đó. 

Mô hình chăn nuôi dê hàng hóa giúp người dân huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình từng bước giảm nghèo.
Mô hình chăn nuôi dê hàng hóa giúp người dân huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình từng bước giảm nghèo.

Trong năm 2023, huyện huy động được gần 35 tỷ đồng, để tổ chức 77 dự án, mô hình sản xuất. Tổng kết lại, sau một năm, huyện đã giảm được 6,17% số hộ nghèo và cận nghèo (854 hộ). Một số xã có tỷ lệ giảm nghèo cao, như: Cốc Dế (giảm 8,1%), Tả Nhìu (10,4%), Nà Chì (8,8%)... Như vậy, chủ trương đa dạng hóa mô hình của huyện Xín Mần đã cho thấy, đó là lựa chọn tốt nhất cho công tác giảm nghèo của địa phương. 

Tuy nhiên, cái khó của địa phương vẫn là việc áp dụng và nhân rộng mô hình do những trở ngại về năng lực và số lượng cán bộ chuyên trách; năng lực tự sản xuất của hộ dân; địa hình và giao thông khó khăn; nguồn vốn dàn trải; phương án trao đổi hàng hóa thấp...

Theo Chủ tịch UBND huyện Xín Mần Nguyễn Tiến Hùng, thành công lớn nhất của huyện cho đến thời điểm này, là giúp cán bộ và Nhân dân nâng cao nhận thức và khơi dậy ý thức, khát vọng vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, đây sẽ là tiền đề, để Nhân dân của huyện tiếp tục thực hiện thành công những mục tiêu của Chương trình đề ra, hướng tới sự bền vững và tính tới khả năng nhân rộng các mô hình trong cộng đồng.

Lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn

Tỉnh Hòa Bình nằm tiếp giáp khu vực trung tâm kinh tế đồng bằng sông Hồng và miền núi Tây Bắc. Theo báo cáo của cơ quan thường trực Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, đến cuối năm 2023, tỉnh Hòa Bình còn 9,2% hộ nghèo, kế hoạch trong năm 2024, tỉnh giảm được khoảng 2,5% số hộ.

Năm 2024, Hòa Bình được Chương trình MTQG phân bổ khoảng 290 tỷ đồng, trong đó gần 110 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, còn lại là vốn sự nghiệp. Tỉnh bố trí được khoảng 29 tỷ đồng đối ứng. Tuy nhiên, tính đến hết quý III, nguồn vốn giải ngân được trên địa bàn rất thấp, việc triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị còn chậm. Nguyên nhân do một số xã chưa có các doanh nghiệp, hợp tác xã, để thực hiện liên kết và văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các dự án còn chung chung. Vì vậy, nhiều mục tiêu tỉnh Hòa Bình đặt ra có nguy cơ bị chậm, do tỉnh đặt ưu tiên hàng đầu là quyết tâm giải ngân nguồn vốn.

Mặc dù vậy, trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG, Hòa Bình đã có những bước đi mang tính “đột phá”. Đây là địa phương có tỷ lệ sai sót trong rà soát, phân loại hộ nghèo rất thấp. Do vậy, nguồn vốn đầu tư đã đến được đúng đối tượng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo thực tế. Bên cạnh đó, nhiều phong trào vận động, hỗ trợ hộ nghèo được tỉnh chú trọng đẩy mạnh, như: chương trình “Tết vì người nghèo”; phong trào “Vì người nghèo - không ai bị bỏ lại phía sau; phong trào xóa nhà tạm, dột nát; phong trào hướng đến địa chỉ khó khăn vận động các ban, ngành, địa phương có điều kiện hỗ trợ địa phương, hộ khó khăn...

Đặc biệt, từ thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ các Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Nông thôn mới, vốn Chương trình 1719, vốn đối ứng, vốn hỗ trợ... chỉ trong vòng 2 năm, nhiều hộ nghèo ở Hòa Bình đã thoát nghèo một cách bền vững, một số hộ có thể tự mình sản xuất-kinh doanh. 

Tiêu biểu như Đà Bắc, là huyện nghèo nhất tỉnh, từ khi thực hiện Chương trình MTQG, huyện đã tập trung xóa được gần 2000 nhà tạm; xây dựng mới và tu bổ, mở rộng 75 công trình hạ tầng; tổ chức tập huấn, đào tạo và giới thiệu việc làm cho hàng trăm lao động DTTS, hộ nghèo, triển khai các mô hình sản xuất hỗ trợ người dân xóa đói giảm nghèo…;Trong vòng 2 năm, huyện Đà Bắc đã thành công giảm gần 15% số hộ nghèo; tăng thu nhập trung bình lên 41,3 triệu/người/năm. Quan trọng hơn, đây là tiền đề để huyện tập trung dồn sức cho nhiệm vụ phát triển sản xuất, tạo lực “xóa” hộ nghèo trong những tiếp theo.

Có thể thấy, mỗi một địa phương có cách triển khai thực hiện các mục tiêu của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, nhưng đều hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững cho người dân. Mặc dù mới chỉ là những kết quả bước đầu, nhưng những cách vận dụng sáng tạo, đa dạng, phù hợp thực tế của mỗi địa phương đã cho thấy hướng đi đúng. Hiệu quả và bền vững ở mỗi mô hình, mỗi địa phương sẽ là bài học có sức lan tỏa mạnh mẽ và rộng khắp, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo của Đảng và Nhà nước đề ra./.


Tin cùng chuyên mục
Gieo “hạt giống đỏ” ở những bản làng dân tộc La Hủ: Cái khó đang hãm sự 'nảy mầm" (Bài 2)

Gieo “hạt giống đỏ” ở những bản làng dân tộc La Hủ: Cái khó đang hãm sự 'nảy mầm" (Bài 2)

Qua tìm hiểu thực tiễn về đời sống của đồng bào La Hủ cho thấy, vai trò của đảng viên-những 'hạt giống đỏ" trong các chi bộ, đang góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo, đời sống đồng bào trong các bản làng La Hủ ở huyện biên giới Mường Tè. Tuy nhiên, hiện nay nhưng việc phát triển đảng viên mới trong đồng bào La Hủ đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn quần chúng ưu tú.