Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Gieo “hạt giống đỏ” ở những bản làng dân tộc La Hủ: Cái khó đang hãm sự 'nảy mầm" (Bài 2)

Tào Văn Đạt - 2 giờ trước

Qua tìm hiểu thực tiễn về đời sống của đồng bào La Hủ cho thấy, vai trò của đảng viên-những 'hạt giống đỏ" trong các chi bộ, đang góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo, đời sống đồng bào trong các bản làng La Hủ ở huyện biên giới Mường Tè. Tuy nhiên, hiện nay nhưng việc phát triển đảng viên mới trong đồng bào La Hủ đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn quần chúng ưu tú.

Việc tìm kiếm quần chúng ưu tú để bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng ở vùng đồng bào La Hủ còn nhiều khó khăn
Việc tìm kiếm quần chúng ưu tú để bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng ở vùng đồng bào La Hủ còn nhiều khó khăn

Cuộc sống ấm no, mới lo được đến việc khác

Tính từ đầu nhiệm kỳ (tháng 8/2020) đến 31/5/2024, toàn Đảng bộ huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu kết nạp được 726 đảng viên, trong đó đảng viên người La Hủ là 103 người. Dù tổng số đảng viên là người La Hủ toàn huyện đến nay đã được nâng lên là 330 đảng viên, thì con số này được nhìn nhận còn khiêm tốn

Bản Phìn Khò nằm ở trung tâm xã Bum Tở (huyện Mường Tè), là nơi sinh sống của trên 165 hộ đồng bào dân tộc La Hủ. Với diện tích đất sản xuất ít, độ dốc lớn nên người dân khó canh tác hoa màu, sản xuất lương thực, thực phẩm để phục vụ cuộc sống; công việc làm không có nên các hộ dân trong bản vẫn bị đói nghèo đeo bám. 

Đảng ủy xã Bum Tở từ lâu xác định: “Phát triển mạnh tổ chức Đảng là cứu cánh để giúp Phìn Khò phát triển. Đảng viên sẽ là điểm tựa để định hướng, giúp đỡ Nhân dân làm ăn, phát triển kinh tế”. Thế nhưng, Chi bộ bản Phìn Khò cũng khá khó khăn trong việc tìm “hạt giống đỏ” để buồi dưỡng, kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.

Ông Phùng Và Hừ, Bí thư Chi bộ bản Phìn Khò cho biết: Chi bộ bản hiện có 13 đảng viên. Trong đó, đầu năm 2024, Chi bộ kết nạp được thêm 2 đảng viên. Tuy nhiên, hiện nay nguồn kết nạp đảng viên ở Phìn Khò “khan hiếm” do đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thanh niên lớn lên là phải đi làm ăn xa để nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình, số còn lại thì nhiều trường hợp vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình…

Kể cho chúng tôi nghe câu chuyện quần chúng Ly Ky Mẻ (sinh năm 1994) có đủ điều kiện những vẫn chưa thể đứng trong hàng ngũ của Đảng, Bí thư Chi bộ Phùng Và Hừ cho biết: Nguyên nhân do hoàn cảnh gia đình Mẻ quá khó khăn, bố bệnh nặng, một mình mẹ tần tảo kiếm rau cháo nuôi 2 con. Cũng bởi nghèo nên Mẻ phải đi làm ăn xa phụ giúp gia đình.

Quần chúng Ly Ky Mẻ không phải là trường hợp duy nhất ở bản Phìn Khò “mến Đảng mà không thể vào Đảng”. Trong cuộc trò chuyện với một số bạn trẻ nơi đây, khi được hỏi về nguyên nhân vì sao chưa phấn đấu vào Đảng? Chúng tôi nhận được câu trả lời rằng: “Cuộc sống chưa đủ ấm no, làm sao lo đến việc khác”.

Phóng viên (bên trái) trao đổi với Bí thư bản Phìn Khò về việc phát triển tổ chức Đảng nơi đây
Bí thư Chi bộ bản Phìn Khò trao đổi với phóng viên (bên trái) về tổ chức Đảng nơi đây


“Mặc dù đã được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm nhưng công tác phát triển đảng viên ở các bản La Hủ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân cơ bản là do đời sống người dân không ổn định, còn ít mô hình phát triển kinh tế; thanh niên chủ yếu đi làm ăn xa, số ở nhà thì lập gia đình sớm, vi phạm chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình… Do đó, việc bồi dưỡng và giới thiệu nguồn còn hạn chế".

Ông Phàn A MinhPhó Bí thư, Chủ tịch HĐND xã Bum Tở

Hay như với bản Khoan Thèn (xã Pa Vệ Sủ), do điều kiện kinh tế khó khăn nên đa số con em đồng bào La Hủ nơi đây phải nghỉ học sớm, hoặc tốt nghiệp THPT xong sẽ “gắn bó” với các khu công nghiệp ở dưới xuôi tại Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh... Trong bản hầu hết còn lại người trung niên, người già quẩn quanh với ruộng lúa, nương ngô để mưu sinh. Do vậy, tìm được quần chúng ưu tú để bồi dưỡng, kết nạp vào hàng ngũ của Đảng cũng là cả “hành trình” gian nan.

Bí thư Chi bộ bản Khoan Thèn - Phùng Ha Cà cho biết: “Vừa qua, Chi bộ đã vận động được quần chúng Phùng Hừ Do (sinh năm 2001) đi học lớp cảm tình Đảng, tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, quần chúng này lại đi làm ăn xa…Vì vậy, chắc chúng tôi sẽ động viên  để quần chúng tiếp tục phấn đấu”.

Khi chúng tôi hỏi: “Ở Chi bộ mình có đảng viên nào làm kinh tế giỏi để quần chúng nhìn vào đó mà noi gương không ạ?”. Anh Cà thở dài: “Ai cũng còn khó khăn, nhà báo ạ! Có thì cũng chỉ làm đủ để gia đình sinh hoạt thôi”.

Trong đôi mắt anh Cà hiện hữu nỗi ưu tư, lo lắng của một người mang trọng trách "đầu tàu". Hơn ai hết, anh Cà muốn dân tin vào mình, muốn dân tin vào Chi bộ Đảng, muốn vận động được quần chúng thì phải làm cho đời sống của người dân ấm no. Mình phải làm được, rồi nói dân mới hiểu, mới theo.

Nhiều bản làng người La Hủ còn rất khó khăn và để đến được những bản làng này khá vất vả
Nhiều bản làng người La Hủ còn rất khó khăn và để đến được những bản làng này khá vất vả

Trong suốt hành trình đến với các bản làng của đồng bào La Hủ, đường đi lại xa xôi, hẻo lánh; các hộ gia đình sinh sống rải rác, không tập trung; nguồn thu nhập thấp và chưa ổn định; trình độ dân trí không đồng đều, phong tục tập quán còn lạc hậu… vẫn đang là những "rào cản" đối với sự phát triển vùng đồng bào La Hủ.

Mặc dù, những năm qua, Đảng, Nhà nước và tỉnh Lai Châu đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm vực dậy kinh tế - xã hội ở những bản làng, nhưng có lẽ vẫn chưa đủ. Do đó, lớp người trẻ có trình độ luôn mong muốn thoát khỏi nơi núi rừng để tìm kiếm cơ hội đổi đời. Một số ít thanh niên ở lại địa phương nhưng chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế gia đình... Họ dường như không còn mối quan tâm nào khác ngoài “cái ăn, cái mặc”.

Quần chúng ưu tú "muộn"

Không chỉ "hổng" lực lượng lớn quần chúng ưu tú chọn “ly hương” để phát triển kinh tế, các Chi bộ Đảng vùng đồng bào DTTS La Hủ cũng buộc lòng phải bỏ qua nhiều quần chúng có mong muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng vì vướng lý lịch. Nhiều người tảo hôn, vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình do phong tục tập quán địa phương; nhiều người lý lịch có “vết” tích người thân trong gia đình đã từng vi phạm pháp luật; một số người không thể vào Đảng do trình độ học vấn quá thấp hoặc tuổi đời đã cao… Nhiều Bí thư Chi bộ vùng đồng bào La Hủ đã dí dỏm dành cho những quần chúng này, cái tên: Quần chúng ưu tú “muộn”!

Bí thư Chi bộ bản Khoan Thèn (xã Pa Vệ Sủ) Phùng Ha Cà chia sẻ thêm: Ở bản có một quần chúng Ly Gồ Hừ (sinh năm 1997) dù là rất ưu tú và có đóng góp cho địa phương. Chi bộ cũng đã giới thiệu đi bồi dưỡng lớp cảm tình Đảng, quần chúng Hừ cũng có nguyện vọng vào Đảng nhưng lại không thể đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Trò chuyện với chúng tôi, Ly Gồ Hừ bộc bạch: “Ở bản Khoan Thèn vẫn còn tình trạng tảo hôn. Bản thân tôi, trước đây do thiếu hiểu biết đã vi phạm quy định về tảo hôn. Biết là khó khăn, nhưng tôi vẫn hi vọng một ngày nào đó sẽ được đứng trong hàng ngũ của Đảng”.

Phát triển mạnh tổ chức Đảng là cứu cánh để giúp bản làng của đồng bào La Hủ phát triển
Phát triển mạnh tổ chức Đảng là cứu cánh để giúp bản làng của đồng bào La Hủ phát triển

Những ngày trung tuần tháng 9 vừa qua, chúng tôi may mắn được dự một buổi sinh hoạt chi bộ tại bản Seo Thèn A (xã Pa Vệ Sủ), với sự có mặt của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, Bộ đội Biên phòng, Công an phụ trách xã, giáo viên cắm bản. Buổi sinh hoạt diễn ra nghiêm túc, đúng thủ tục. Các đồng chí đảng viên trong buổi sinh hoạt đã có những ý kiến nhận xét, đánh giá và đưa ra các giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, làm tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, an ninh biên giới...

Trao đổi với đồng chí Lý Mỹ Ly, Bí thư Đảng ủy xã Pa Vệ Sủ, chúng tôi được biết, xã có gần 70% là người dân tộc La Hủ. Đảng bộ xã hiện có 18 chi bộ, với 217 đảng viên. Chính bà Ly cũng phải thừa nhận, việc tìm kiếm quần chúng ưu tú trong đồng bào La Hủ không phải đơn giản.

“Ở các Chi bộ bản gặp nhiều khó khăn về nguồn phát triển Đảng; Có tình trạng, một số thanh niên trẻ là nữ thường cho rằng, lớn lên chỉ cần biết sinh con, lo việc bếp núc, còn công tác xã hội là của nam giới; những quần chúng nam giới có trình độ văn hóa thường đi làm ăn xa hoặc chỉ lo làm ăn kinh tế, chưa mặn mà với các tổ chức đoàn thể. Bên cạnh đó, không ít người được kết nạp vào Đảng, nhưng vì không có việc làm, họ đi làm ăn xa gây khó khăn cho công tác quản lý đảng viên”, bà Lý Mỹ Ly cho hay.

Từ những câu chuyện được nghe, được thấy trong suốt chuyến hành trình về với các bản làng của đồng bào La Hủ, chúng tôi băn khoăn: Những bản làng dân tộc La Hủ có thực sự khan hiếm những “hạt giống đỏ” hay chính giải pháp phát triển kinh tế - xã hội ở đây còn chưa đủ nên đã khiến “hạt giống đỏ” chưa thể nảy mầm?

Tin cùng chuyên mục
Bác Ái (Ninh Thuận): Sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư từ các Chương trình mục tiêu quốc gia

Bác Ái (Ninh Thuận): Sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư từ các Chương trình mục tiêu quốc gia

Với đặc thù là huyện miền núi có tỷ lệ đồng bào DTTS cao, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, do đó những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền huyện Bác Ái rất chú trọng thực hiện hiệu quả nguồn lực đầu tư hỗ trợ từ các Chương trình MTQG, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 – 2025 (Chương trình MTQG 1719) để nâng cao đời sống của đồng bào DTTS, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.