Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Nhìn lại lũ lụt miền Trung qua ký ức của ông Lê Huy Ngọ: Mật điện bảo vệ hồ Phú Ninh

Tùng Nguyên - 18:39, 26/12/2020

Năm 1999, miền Trung oằn mình trong trận “đại hồng thủy”, người dân Quảng Nam điêu đứng trước giặc lũ. Hồ Phú Ninh -công trình dại thủy nông của miền Trung bị uy hiếp nghiêm trọng. Nếu vỡ đập, hơn 300 triệu m3 nước trong lòng hồ là một quả bom khổng lồ dội xuống đồng bằng; và chắc chắn hàng chục ngàn hộ dân Quảng Nam bị cuốn ra biển Đông trong chốc lát. Việc bảo vệ hồ trong ký ức của ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Trưởng ban Phòng chống bão lụt Trung ương (nay là Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai) là một cuộc chiến cam go.

TP. Tam Kỳ (Quảng Nam) đã qua nhiều lần ngập lụt lịch sử
TP. Tam Kỳ (Quảng Nam) đã qua nhiều lần ngập lụt lịch sử

Đoàn công tác Trung ương do tôi làm Trưởng đoàn sau khi xử lý cơ bản được ở Huế, thì cái hồ Phú Ninh là một cái hồ lớn của Quảng Nam lại báo động liên tiếp; các anh em ở Quảng Nam gọi ra, đề nghị đoàn có giải pháp xử lý. Sau khi họp ở Huế tôi để lại 1 đồng chí thứ trưởng, anh Thịnh, bây giờ anh mất rồi, để lại giải quyết vấn đề, đoàn tiếp tục đi vào Quảng Nam.

Sáng hôm sau chúng tôi từ Huế vào Quảng Nam. Cái vấn đề lớn nhất là hồ Phú Ninh sắp đến mức tràn nước rồi mà TP. Tam Kỳ lúc ấy là lụt 1m8, cũng không kém gì Huế cả nhưng mức độ dân cư, nhà cửa ở Tam Kỳ so với Huế thì thưa hơn, người ít hơn nên độ thoát nước khá hơn.

Tôi nhớ khi ấy là 3 giờ chiều 4/12/1999. Vừa xuống máy bay, tôi đã bảo anh Tập (ông Lê Trí Tập, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thời điểm đó-Pv) cho tôi lên đập Phú Ninh ngay. Sau khi đi thị sát tình hình về, đúng 7 giờ tối tôi đề nghị họp khẩn cấp. Khi ấy nước hồ Phú Ninh đã lên đến cao trình 35m. Mức báo động đỏ buộc phải xả lũ nếu không sẽ vỡ.

Vừa vào cuộc họp, tôi lấy bức điện mật số 53 đưa cho một thành viên trong đoàn đọc. Bức điện dài nhiều ý, nhưng trong đó có một ý quan trọng: Để đảm bảo an toàn đập chính, khi mực nước hồ vượt mức gia cường (35,4m) thì phải xả lũ qua tràn phụ Long Sơn để cứu hồ.

Nhưng riêng hồ Phú Ninh thì, nước ngấp nghé tràn đập chính thì tình huống đặt ra là xả lũ hay là giữ. Xả lũ thì Tam Kỳ ngập 1m8 rồi, xả nữa thì ngập tất và nguy hiểm nhất là trẻ con và các cụ. Nhưng giữ lại thì có đảm bảo không?

Phú Ninh là công trình thủy nông lớn nhất miền Trung
Phú Ninh là công trình thủy nông lớn nhất miền Trung

Đêm hôm trước, tôi đã biết tình hình đó, tôi điện 2 nhà thiết kế hồ Phú Ninh ấy, 1 đồng chí tên Ngọ và 1 đồng chí nữa thi công hồ vào, coi như một đội kỹ thuật vào cùng chúng tôi họp. Họp kéo dài đến 2 giờ sáng giữa vấn đề xả lũ hồ Phú Ninh hay giữ lại cứu ngập lụt của Tam Kỳ thì có 3 ý kiến luồng khác nhau.

Thứ nhất là xả lũ hồ từ từ, nước dâng từ từ lên và báo động cho TP. Tam Kỳ cùng các xã xung quanh về vấn đề xử lý lũ, như thế giảm bớt áp lực của đập. Thứ ha là xả lũ ở mức độ cao hơn để an toàn tuyệt đối cho hồ tức là xả lũ hết cỡ. Ngay đêm hôm ấy Tam Kỳ có thể ngập trên 2m; nếu xả, lại xả vào ban đêm thì người dân họ có thể chạy được không và bằng cách nào. Bây giờ, đài phát thanh, ti vi cũng không có điện thì lấy gì tuyên truyền với dân để dân biết được giữa ban đêm như thế này?

Hồ chứa nước Phú Ninh được khởi công xây dựng năm 1977, hoàn thành năm 1986 với dung tích chứa 344 triệu m3 nước, là hồ chứa lớn nhất ở miền Trung và thứ hai của cả nước chỉ sau hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh). Hồ Phú Ninh có nhiệm vụ tưới tiêu cho hơn 23.000ha lúa và hoa màu của Quảng Nam. Sau trận lũ 1999, Trung ương đã cho phép tỉnh Quảng Nam đầu tư, gia cố thêm thân đập và được mở thêm một cửa tràn 800m3/giây, nâng mức tràn lên 1,5 lần (trước lũ 1999 đập Phú Ninh chỉ xả có 1.400m3/giây).

Và phương án thứ 3 là, giữ và có chuyện rò rỉ thì phải xử lý ngay lập tức. Thực hiện phương án này thì phải có lực lượng tại chỗ, sẵn sàng bao tải đất phải ít nhất 1m có 2 người đứng sẵn sàng, lực lượng dân quân cũng không được, lập tức huy động quân đội.

Tranh cãi mãi tôi mới hỏi đồng chí Ngọ (một trong hai nhà thiết kế hồ Phú Ninh – Pv) là, với mức thiết kế khi đó sự đảm bảo có sự tràn phát hiện được thì có giữ được hồ không? Anh bảo, theo anh là mở mức xả lũ ở mức tối thiếu để nước không tràn qua đập, để nước mưa không tràn qua đập đồng thời có lực lượng rất lớn trên mặt đập và phương tiện là bao tải đất sẵn sàng trên mặt đập để xử lí ngay lập tức.

Sau khi bàn bạc, Đoàn công tác và anh em ở Quang Nam chọn phương án: giữ tràn với mức tối thiểu và giữ đê quyết liệt nhất, cao nhất để đảm bảo nước không tràn qua đê và không thể để vỡ đập thì được không. Bởi xả lũ ban đêm như thế thì không được, mà để đập chịu đựng đúng như thế cũng không chịu nổi vì lũ cũng về. Vì thế kết hợp cả hai: xả tràn mức tối thiểu để nước về đến đâu tràn đến đấy đồng thời tăng cường lực lượng.

Tôi hỏi anh em Quân khu 4 có được không thì anh em bảo sẵn sàng. Cứ 1m trên đập là bố trí 2 người, đồng thời bao tải đất sẵn sàng cứ 3 - 4 m có lượng đất như thế để có sự cố xử lý ngay từ đầu, không thể để đập xói mòn. Thế thì quyết định như thế, anh em bộ đội triển khai.

Tôi bảo trước 3h sáng, muốn làm thế nào cũng phải đưa được bộ đội về. Lực lượng kỹ thuật trung ương cộng với lượng lượng kỹ thuật ở ngành điều tiết và giữ tràn tối thiểu, lũ tràn đến đâu xả đến đó và thứ 3 báo động ngay TP. Tam Kỳ và các huyện lân cận nước còn dâng nữa để xử lý vấn đề về dân. Lực lượng dân quân tự vệ xuống từng phường một, xuống từng xã 1 để xử lý. Có thể nói là căng thẳng.

Lúc ấy còn trẻ, còn hung hăng quyết liệt lắm nhưng mà xử lý tình trạng hôm ây tôi thấy nó yên tâm. Và suốt 2 giờ sáng ngồi trên cái đập Phú Ninh ấy đo nước rồi trông nước rồi sáng ra thấy rõ ràng biện pháp đó: xả tràn với mức tối thiểu đồng thời giữ đập với mức quyết liệt nhất, cao độ nhất, thứ 3 là báo động cho dân biết để đối phó. Cả đêm hôm ấy, đập Phú Ninh an toàn. Vấn đề xử lý những chỗ rò rỉ rất kịp thời. Đặc biệt bà con chúng ta ứng phó kịp thời với báo động của trên này.

Cố đô Huế nhiều lần bị bao vây bởi ngập lụt kỷ lục
Cố đô Huế nhiều lần bị bao vây bởi ngập lụt kỷ lục

Có thể nói 2 đêm liền ở Huế và Phúc Linh đòi hỏi sự trí tuệ tập trung khả năng xử lý tình huống hết sức cao và linh hoạt, thứ 3 là biết dựa vào sức dân,dựa vào lực lượng quân đội quân khu 4, dựa vào lực lượng bộ kỹ thuật để xử lý vấn đề kỹ thuật. Sau 2 đêm đó tôi thấy mô hình xử lý tình huống đột xuất, nguy hiểm ở TP. Huế với mức độ lụt và quyết tâm để có tràn qua Hoài Duân và cái đập Phú Ninh có thể nói là cuộc đọ sức về mặt trí tuệ của chúng ta, Nhân dân với lũ lụt như thế là thành công. 

Có thể nói là trận quyết chiến chúng tôi nhớ đời và chúng tôi nghĩ đến bà con của mình, nghĩ đến Nhân dân, nghĩ đến lực lượng vũ trang, lực lượng cán bộ kỹ thuật phối hợp xử lý tình huống với sự chỉ đạo kiên quyết, quyết liệt, nhưng đủ sức về trí tuệ cũng như về mặt tổ chức lực lượng là bài học quý giá.

Năm nay bên Bộ Nông nghiệp và Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương tổ chức ký ức về 20 năm lũ lụt ở TP. Huế và Quảng Nam, tôi thấy là rất cần thiết để chúng ta nhớ lại bài học về xử lý tình huống, để chúng ta nhớ lại bà con của chúng ta – những người xấu số trong trận lũ đó cũng lớn lắm.