Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Những Người có uy tín trong cộng đồng người Chứt mở lối thoát nghèo

Nguyễn Thanh - 06:33, 06/12/2022

Nhiệt huyết, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm… là những gì mà chúng tôi cảm nhận được ở những Người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc Chứt dưới dãy Trường Sơn. Dẫu rằng, mỗi người một hoàn cảnh, một cách làm nhưng họ đã gặp nhau ở một điểm chung đầy tự hào và đáng trân trọng: Tiên phong “mở lối” thoát nghèo cho bà con dân bản.

Trưởng bản Hồ Khiên và bà con trong bản thu hoạch lúa trên thửa ruộng bậc thang, mang lại no ấm cho gia đình
Trưởng bản Hồ Khiên và bà con trong bản thu hoạch lúa trên thửa ruộng bậc thang, mang lại no ấm cho gia đình

Nêu gương đi trước, làm đầu

Dân bản nhớ kĩ về ông Hồ Khiên, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, không chỉ vì con số gần 30 năm làm Trưởng bản Tà Vờng và nay còn là Người có uy tín, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân, Công an viên bản Dộ - Tà Vờng (do năm 2019 sát nhập 2 bản Dộ và Tà Vờng), mà, còn là hình bóng của một con người gương mẫu, tận tụy với việc chung của bản. Đặc biệt là ông rất tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Trên vùng đất Dộ - Tà Vờng, ông Hồ Khiên cũng được ghi nhận là người tiên phong đưa cây lúa nước về bản, góp phần ổn định cuộc sống cho bà con người Chứt ở huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình). “Xem ti vi thấy ở ngoài Bắc người ta làm ruộng bậc thang, đêm lại tôi nằm gác tay lên trán suy nghĩ, điều kiện ở mình cũng có thể làm được như họ, tại sao không thử. Tôi nghĩ thế và trình bày ý tưởng. Nào ngờ lãnh đạo xã Trọng Hóa đồng ý ngay và cũng huy động máy móc, nhân lực, giúp tôi hình thành những ô thửa ruộng đầu tiên”, ông Khiên kể lại.

Vụ lúa nước bậc thang đầu tiên, Hồ Khiên gieo trỉa gần 700 m2, với giống lúa TH6, chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ, cuối vụ cho năng suất trung bình 50 tạ/ha. Từ thành công của ông Khiên, xã Trọng Hóa đã nhân rộng mô hình ra toàn bản Dộ - Tà Vờng. Bí thư Ðảng ủy xã Trọng Hóa, Hồ Thị Thoi khẳng định: Việc đưa cây lúa nước lên miền non cao này là một hành trình, là bước đột phá để thay đổi tập quán, mở ra hướng sản xuất mới để nâng cao đời sống cho bà con người Chứt dưới dãy Trường Sơn.

Diện tích trồng lúa nước của gia đình ông Hồ Khiên phát triển xanh tốt
Diện tích trồng lúa nước của gia đình ông Hồ Khiên phát triển xanh tốt

Ở bản Mò O Ồ Ồ (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) có Trưởng bản người Chứt - Cao Xuân Long là người hay việc. Chàng trai trẻ 25 tuổi đời, có chữ, có hiểu biết đã sát cánh cùng Bộ đội biên phòng để đưa cây lúa nước về cho bà con dân bản.

Năm 2010, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình dồn lực để biến vùng đầm cỏ dại Rục Làn ở Thượng Hóa, thành cánh đồng lúa nước 2 vụ rộng 10 ha, với mong muốn truyền lối canh tác mới cho đồng bào Chứt ở các bản Mò O Ồ Ồ, Ón và Yên Hợp. Bỏ qua những mối nghi ngại, băn khoăn của bà con dân bản, Cao Xuân Long đã xông xáo và sẵn sàng làm mọi việc để nhanh chóng có ruộng, bà con có thể trồng lúa nước.

Có kiến thức, nhanh nhẹn, sẵn sàng tiếp thu cái mới nên ruộng của Trưởng bản Long luôn thu được nhiều lúa nhất. Thấy Trưởng bản Cao Xuân Long làm có hiệu quả, ngày giáp hạt không còn thiếu gạo, nên bà con bắt đầu nghe theo, làm theo lời Trưởng bản Long và BĐBP.

Trung tá Phạm Xuân Ninh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cà Xèng cho biết: Khi đơn vị cần truyền tải thông tin, hay triển khai cái mới đến với bà con bản Mò O Ồ Ồ, chúng tôi đều thông qua Trưởng bản Cao Xuân Long. Sự nhiệt tình, trách nhiệm và luôn là người tiên phong trong thực hiện các chủ trương của Trưởng bản Long, khiến bà con yên tâm, dễ dàng tiếp nhận hơn.

Mô hình ruộng lúa nước bậc thang của gia đình ông Hồ Khiên đang phát triển tốt
Mô hình ruộng lúa nước bậc thang của gia đình ông Hồ Khiên đang phát triển tốt

Trưởng bản Hồ Thị Kiên ở bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) đã trở thành nữ “thủ lĩnh” đầu tiên của người Chứt dưới chân núi Kà Đay. Kiên sinh năm 1988, nhưng có đến 11 năm tuổi Đảng, 6 năm là Trưởng bản của đồng bào Chứt.

Lập gia đình, cuộc sống ban đầu khó nhiều bề, Kiên nghĩ “không thể cứ trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước mãi được”. Sau nhiều trăn trở, lại nhờ có kinh nghiệm sống và vốn kiến thức từ trường lớp, cũng như ngoài xã hội, vợ chồng Kiên đã lao vào làm ăn để ổn định kinh tế.

Từ khai hoang thêm đất trồng rau, nuôi lợn, nuôi gà. Từ chỗ vươn lên sản xuất đủ dùng, đến có dư giả để bán. Rồi đến cách chăm các con ăn, sinh hoạt, học tập đều có sự đổi mới theo hướng tích cực. Gia đình Kiên trở thành một tấm gương cho cả bản người Chứt lúc nào không hay. Chỉ biết sau này, gia đình Kiên trồng gì, nuôi gì cả bản cùng làm theo.

Từ khi được tín nhiệm bầu làm Trưởng bản, Kiên đã trở thành điển hình tiêu biểu cùng giúp bộ đội tuyên truyền những cách làm kinh tế hay, xóa bỏ những tập tục lạc hậu của người Chứt tồn tại bao đời nay và xây dựng chi bộ bản Rào Tre vững mạnh.

Ông Ngô Xuân Minh, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) nhấn mạnh: Đồng bào Chứt đã không còn tình trạng du canh du cư, một số hộ gia đình đã biết xây dựng mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Nhiều hủ tục lạc hậu đã được xóa bỏ hoàn toàn, các cháu đã được đến trường đúng độ tuổi. Đó là nhờ những đóng góp quan trọng của Trưởng bản Hồ Thị Kiên.

Vị trí nào cũng làm tốt

Ấn tượng ở ông Hồ Khiên, bà Hồ Thị Kiên hay Cao Xuân Long, chính là sự nhiệt huyết, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, những tấm gương tiên phong “mở lối” thoát nghèo cho bà con dân bản. Điều khiến nhiều người yêu mến họ, bởi họ còn sự thành công trong rất nhiều vai. Ở vai trò nào, họ cũng năng nổ, đặc biệt là luôn đi đầu trong công tác xóa nghèo ở bản.

Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Mò O Ồ Ồ Cao Xuân Long (bìa trái) trao đổi công việc với cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng
Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Mò O Ồ Ồ Cao Xuân Long (bìa trái) trao đổi công việc với cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng

Như ông Hồ Khiên sinh năm 1964, với vai trò là Chi hội trưởng nông dân, công an viên, ông Hồ Khiên luôn tích cực động viên, hướng dẫn bà con rào vườn để trồng rau, cây ăn quả, tích cực làm lúa rẫy, trồng rừng, làm chuồng trại chăn nuôi xa nhà ở để hạn chế ô nhiễm môi trường.

Với uy tín của mình, ông Khiên đã tuyên truyền để người dân thực hiện, kêu gọi người dân trồng rau, trồng cây ăn quả, làm hàng rào quanh vườn để ngăn trâu bò vào phá hoại; động viên dân bản tích cực trồng rừng, thu hoạch các sản vật của rừng theo mùa, như: đót làm chổi, măng, ớt, rau rừng, lá dong để bán kiếm thêm thu nhập.

Ông còn vận động bà con xây dựng chuồng trại chăn nuôi xa nhà ở, không nghe kẻ xấu xúi giục, chăm lo sản xuất, biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi... Bởi vậy, trong bản có 74 hộ dân, nhà nào cũng có trâu bò, làm lúa rẫy, lúa nước, tuy chưa phải thoát nghèo nhưng cuộc sống của bà con ngày càng thay đổi. Nghe và làm theo ông, nhiều hộ dân ở bản Dộ - Tà Vờng đã biết trồng rau, cây ăn quả như bưởi, thanh long, mít và chăn nuôi gia súc.

Còn Cao Xuân Long, được biết đến là người “ba vai” ở Mò O Ồ Ồ. Đảm đương 3 vị trí Bí thư chi bộ, Trưởng bản, trưởng ban công tác mặt trận khiến Long như con thoi khắp bản trên, bản dưới. Từ tuyên truyền cho mọi người hiểu NTM là gì, người dân được hưởng lợi như thế nào khi đạt chuẩn NTM; rồi xắn tay cùng mọi người vệ sinh đường làng, ngõ bản sạch sẽ… Rồi vận động bà con đẩy mạnh sản xuất lúa nước để ổn định cuộc sống, đến việc vận động con trẻ đến trường; hay phát triển tạp nguồn đảng viên… Long đều hoàn thành rất tốt.

Cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Bản Giàng cùng nữ trưởng bản Hồ Kiên - người có đóng góp lớn trong việc thay đổi những hủ tục của người Chứt
Cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Bản Giàng cùng nữ trưởng bản Hồ Kiên - người có đóng góp lớn trong việc thay đổi những hủ tục của người Chứt

Năm nào cũng vậy, trước mùa tựu trường, Trưởng bản Cao Xuân Long đều dành thời gian cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng và các thầy cô giáo đến từng nhà vận động phụ huynh học sinh cho con cái họ đi học. Đến nay, 100% học sinh ở bản Mò O Ồ Ồ đến trường đúng độ tuổi, tỷ lệ học sinh bỏ học trong bản còn rất ít. 

Mừng nhất là kỳ tuyển sinh đại học năm 2022 vừa rồi, bản Mò O Ồ Ồ có em Cao Thị Hằng đã đỗ vào Đại học Sư phạm Huế. Long tâm sự: Một số hủ tục của bà con như tình trạng đàn ông say rượu vẫn còn. Là Trưởng bản, tôi thấy mình phải cố gắng hơn nữa trong việc vận động bà con thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn, có như vậy, cuộc sống của người Chứt ở Mò O Ồ Ồ mới khấm khá lên được.

Đối với Hồ Thị Kiên, niềm tin yêu đối với Đảng, Nhà nước và BĐBP xuất phát từ những điều thật giản dị. Kiên hiểu rằng, nếu không có tình đồng bào sâu nặng và sự quan tâm, yêu thương của Đảng và chính quyền, thì dân tộc của chị sẽ không có được cuộc sống như hôm nay. Niềm tin ấy là động lực thúc đẩy chị rèn luyện, tu dưỡng để xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ xã, của đảng viên trong thôn và bà con Rào Tre.

Và tự lúc nào, Kiên trở thành điển hình tiêu biểu cùng giúp bộ đội tuyên truyền những cách làm kinh tế hay, xóa bỏ những tập tục lạc hậu của người Chứt tồn tại bao đời nay và xây dựng chi bộ bản Rào Tre vững mạnh, để Rào Tre hôm nay thay đổi từng ngày, chi bộ của bản có nhiều thêm những đảng viên trẻ có trình độ và tràn đầy nhiệt huyết cống hiến, xây dựng quê hương.

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.