Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Những thanh niên DTTS dám nghĩ, dám làm

PV - 19:16, 13/02/2023

Với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, nhiều thanh niên DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã không ngại khó khăn, vất vả, quyết tâm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, sáng tạo trong phát triển kinh tế và giúp ích cho cộng đồng.

Đội cồng chiêng của làng Kon Vơng Kia. Ảnh: N.S
Đội cồng chiêng của làng Kon Vơng Kia. Ảnh: N.S

Chàng trai đam mê cồng chiêng

Những ngày đầu tháng 2, chúng tôi đến thăm nhà anh A Đruế (32 tuổi, người Mơ Nâm) ở làng Kon Vơng Kia (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông). Lúc này, anh đang tập trung những thanh niên trong làng để luyện tập cồng chiêng, thấy chúng tôi tới, anh Đruế niềm nở mời khách vào nhà.

Anh Đruế sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, điều kiện kinh tế khó khăn nên cuộc sống lúc còn nhỏ rất vất vả. Mọi chi tiêu của gia đình chỉ trông chờ vào thửa đất trồng lúa dưới chân đồi. Những ngày tháng khó khăn đó chính là động lực thúc đẩy anh không ngừng quyết tâm vươn lên học tập. Năm 2011, anh tốt nghiệp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính và nghiệp vụ thanh vận tại Trường Chính trị tỉnh. Sau đó, năm 2011, anh được bầu giữ chức Bí thư Đoàn xã Đăk Long (hiện nay là thị trấn Măng Đen). Năm 2015, anh tiếp tục học Quản lý hành chính Nhà nước (hệ vừa học vừa làm) tại Trường Chính trị tỉnh và tốt nghiệp năm 2019.

Không chỉ là một cán bộ đoàn năng nổ, nhiệt tình trong công việc, anh A Đruế còn là Đội trưởng đội nghệ nhân của làng Kon Vơng Kia đầy tài năng. Được sinh ra và sống trong gia đình coi văn hóa cồng chiêng như là máu thịt của chính mình, nên anh được ông cha truyền dạy từ nhỏ để lưu giữ.

Chính vì thế, năm 2012, anh A Đruế đã thành lập đội cồng chiêng thanh niên làng Kon Vơng Kia với 15 thành viên mong muốn lưu giữ nét đẹp văn hóa cồng chiêng, múa xoang của dân tộc. Thời gian đầu, mọi hoạt động của đội chưa sôi nổi, chủ yếu luyện tập để tham gia các đợt biểu diễn văn hóa cồng chiêng do huyện và tỉnh tổ chức. Nhưng đến năm 2015, hoạt động du lịch trên đàn huyện Kon Plông phát triển, nhiều du khách mong muốn được thưởng thức cồng chiêng, múa xoang nên đội của anh có được nhiều lịch biểu diễn. Cũng nhờ đó, nhiều thanh niên trong làng gia nhập đội, đến nay đội đã có hơn 25 người.

“Nhờ ngành Du lịch của huyện phát triển, nên từ năm 2015 đến nay, bình quân mỗi năm đội đã tham gia từ 40 - 45 lần tổ chức biểu diễn cồng chiêng, múa xoang cho du khách gần xa đến tham quan du lịch trên địa bàn. Đồng thời, đội còn tham gia từ 2 - 3 lần hội diễn/năm do huyện và tỉnh tổ chức, qua đó, góp phần trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng của người Mơ Nâm, tạo thu nhập ổn định cho các thành viên trong đội”, anh Đruế chia sẻ.

Đến nay, đội cồng chiêng thường xuyên được các cơ quan, doanh nghiệp, khách sạn, nhà hàng trên địa bàn huyện Kon Plông mời biểu diễn cồng chiêng mỗi khi có đoàn khách du lịch tới tham quan Măng Đen. Vì vậy, các thành viên trong đội cồng chiêng làng Kon Vơng Kia có thu nhập khá ổn định. Bình quân mỗi tháng, đội cồng chiêng tham gia biểu diễn từ 6 - 7 lần, mỗi lần được nhận thù lao từ 2 - 3 triệu đồng.

Anh A Hai (36 tuổi) - thành viên đội cồng chiêng cho biết: Trước đây, thu nhập của gia đình tôi chỉ trông vào 2 sào lúa trồng một vụ. May mắn A Đruế mời tôi vào trong đội cồng chiêng của làng nên thu nhập nhiều năm nay ổn định. Mỗi lần biểu diễn, chúng tôi được nhận từ 200.000 - 300.000 đồng/người. Số tiền đó giúp tôi trang trải cuộc sống gia đình và mua quần áo, sách vở cho con đi học.

Ông Lương Ngọc Bảo, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Măng Đen nhận xét: A Đruế là một thanh niên năng nổ, nhiệt tình với công việc và biết làm ăn, phát triển kinh tế. Trong thời gian qua, anh đã có nhiều đóng góp vào hoạt động văn hóa, văn nghệ, công tác đoàn thanh niên của thị trấn Măng Đen. Anh A Đruế lập ra đội nghệ nhân trong làng để biểu diễn cồng chiêng, múa xoang phục vụ cho nhu cầu của khách du lịch đến địa bàn thị trấn tham quan không những tạo ra thu nhập ổn định cho các thành viên, còn giúp thanh niên trong làng có cơ hội giao lưu văn hóa, văn nghệ.

Anh A Nguyên (25 tuổi, dân tộc Ba Na) ở làng Đăk Mút (xã Đăk Mar). Ảnh: N.S
Anh A Nguyên (25 tuổi, dân tộc Ba Na) ở làng Đăk Mút (xã Đăk Mar). Ảnh: N.S

Thanh niên Ba Na với ước mơ làm giàu

Theo lời giới thiệu của Huyện đoàn Đăk Hà, từ trung tâm huyện, chúng tôi vượt qua đoạn đường dài khoảng 8 km với nhiều ổ trâu, ổ gà để đến được nhà anh A Nguyên (25 tuổi, dân tộc Ba Na) ở làng Đăk Mút (xã Đăk Mar). Anh A Nguyên là cán bộ đoàn tiêu biểu của xã, là tấm gương sáng trong trong phát triển kinh tế và giúp đỡ thanh niên trong làng có thu nhập ổn định. Đến đây, chúng tôi thật khâm phục khi thấy được sự nỗ lực vươn lên của anh A Nguyên và gia đình.

Từ khi còn ngồi ghế nhà trường, anh luôn nung nấu suy nghĩ sẽ phát triển kinh tế ở địa phương. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp ngành Luật kinh tế - Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, anh được nhận làm việc tại xã Đăk Mar và được bầu làm Phó Bí thư Đoàn xã. Ngoài làm việc ở cơ quan, anh A Nguyên còn phụ giúp gia đình quản lý 2ha cà phê. Từ đó, anh có nguồn vốn để xây chuồng trại và mua hơn 100 con gà, 3 con dê để nuôi.

“Là người trong làng, tôi nhận thấy ở làng có nhiều thanh niên vẫn chưa có việc làm. Vì vậy, tôi đã tích cực tuyên truyền và định hướng cho nhiều thanh niên trong làng chịu khó, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đẩy mạnh sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm phải có chuồng trại để nâng cao thu nhập…”, anh A Nguyên bộc bạch.

Anh A Nguyên hiểu được rằng lực lượng thanh niên DTTS đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của địa phương nên đã vận động thanh niên trong làng ngoài việc thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì chủ động tiên phong đi đầu trong các lĩnh vực.

Tháng 10/2022, anh A Nguyên thành lập câu lạc bộ “Thanh niên phát triển kinh tế” với đông đảo thanh niên trong làng tham gia. Để kết nối được các thanh niên địa phương, anh đã có nhiều cách làm hay và hiệu quả trong suốt những năm qua. Anh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức những lớp tập huấn thiết thực như chuyển giao khoa học kỹ thuật về vật nuôi, cây trồng, phân bón, thuốc trừ sâu... cho gần 30 đoàn viên, thanh niên tham gia học tập và áp dụng vào sản xuất. Mới đây nhất, anh A Nguyên đã đưa thành viên của câu lạc bộ tham gia lớp dạy nghề chăm sóc vật nuôi tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đăk Hà.

Dù chỉ mới thành lập, nhưng nhóm của anh A Nguyên hoạt động rất sôi nổi. Đến nay, gần 50% số lượng thành viên đã có chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm. Anh A Trang (21 tuổi) - thành viên trong câu lạc bộ cho hay: Thiết kế chuồng trại, cách chăm sóc đều được anh A Nguyên hướng dẫn cho tôi. Vì thế đàn gà của tôi phát triển rất tốt và đã xuất bán hơn 120 con, thu về gần 10 triệu đồng. Nhờ vậy, tôi có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống.

Anh A Xây - Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: A Đruế và A Nguyên là hai tấm gương tiêu biểu của cán bộ Đoàn tỉnh Kon Tum. Hai người đã tận dụng những lợi thế có sẵn của địa phương mình để phát triển mô hình kinh tế hiệu quả. Đồng thời, họ còn thường xuyên hỗ trợ thanh - thiếu niên, cộng đồng, tạo việc làm, chia sẻ kinh nghiệm, cơ hội vươn lên trong cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.

Tin cùng chuyên mục
Những nữ trưởng buôn 9X ở Đắk Lắk

Những nữ trưởng buôn 9X ở Đắk Lắk

Hiện nay ở các buôn làng Tây Nguyên xuất hiện ngày càng nhiều những nữ trưởng buôn trẻ. Với lợi thế về trình độ, hiểu biết về xã hội, phong tục tập quán, công nghệ thông tin và tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, họ đã có nhiều đóng góp cho cho sự phát triển của buôn làng.