Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Nuôi gà dưới tán rừng hồi-Hướng đi mới để phát triển kinh tế ở Bình Gia

Minh Anh - 9 giờ trước

Gà được nuôi bán chăn thả dưới tán rừng hồi, nên ngoài việc cho ăn ngô, cám, cây chuối thì còn tận dụng được nguồn thức ăn tươi là các loại côn trùng và cây cỏ tự nhiên, dịch bệnh ít xảy ra và chi phí đầu tư cũng ít hơn gà nuôi nhốt, chất lượng thịt chắc và ngon, được thị trường ưa chuộng. Đây là mô hình nuôi gà mới được triển khai tại xã Quang Trung, huyện Bình Gia trong năm 2024, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân nơi đây.

Đàn gà của gia đình anh Hoàng Văn Tám được nuôi theo mô hình bán chăn thả dưới tán hồi
Đàn gà của gia đình anh Hoàng Văn Tám được nuôi theo mô hình bán chăn thả dưới tán hồi

Đến thăm mô hình nuôi gà của anh Hoàng Văn Tám, tại thôn Bản Quần, xã Quang Trung, huyện Bình Gia, trước mắt chúng tôi là hàng ngàn con gà lông vàng óng đang tìm thức ăn dưới tán những cây hồi cổ thụ.

Trò chuyện với chúng tôi anh Hoàng Văn Tám vui vẻ nói: Gia đình tôi đang nuôi trên 1.000 con gà sống thiến theo mô hình bán chăn thả trên vườn hồi của gia đình, sau 4 tháng chăm sóc, đàn gà phát triển tốt, trọng luợng trung bình đạt 2,5-3kg. Khi gà được 7 tháng tuổi sẽ xuất bán, với giá cam kết thu mua đầu ra của Hợp tác xã Thành Lộc là 140.000 đ/kg, dự kiến mang đến cho gia đình tôi một khoản thu nhập khá.

Còn gia đình ông Lương Văn Quý, thôn Bản Quần cũng đang nuôi 1.500 con gà theo mô hình bán chăn thả dưới tán hồi. ông Lương Văn Quý chia sẻ: Ban đầu do chưa bao giờ nuôi gà với số lượng nhiều như vậy, kinh nghiệm chưa có, gia đình chưa áp dụng tốt quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, đặc biệt là hạn chế trong việc vệ sinh khu chuồng trại, dẫn đến gà phát triển không đồng đều, tỷ lệ mắc bệnh trong thời gian đầu khá cao. Nhờ được cán bộ chuyên hướng dẫn tận tình nên đàn gà đã phát triển ổn định với trọng lượng trung bình từ 3kg-3,5kg/con.

 Gà được nuôi bán chăn thả dưới tán rừng hồi, nên ngoài việc cho ăn ngô, cám, chuối thì còn tận dụng được nguồn thức ăn tươi là các loại côn trùng và cây cỏ tự nhiên
Gà được nuôi bán chăn thả dưới tán rừng hồi, nên ngoài việc cho ăn ngô, cám, chuối thì còn tận dụng được nguồn thức ăn tươi là các loại côn trùng và cây cỏ tự nhiên

Gà nuôi bán chăn thả dưới tán rừng hồi, nên ngoài việc cho ăn ngô, cám, cây chuối thì còn tận dụng được nguồn thức ăn tươi là các loại côn trùng và cây cỏ tự nhiên, dịch bệnh ít xảy ra và chi phí đầu tư cũng ít hơn gà nuôi nhốt, chất lượng thịt chắc và ngon, được thị trường ưa chuộng.

Dự án chăn nuôi gà thả dưới tán rừng hồi do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Gia phối hợp với UBND xã Quang Trung, HTX Thành Lộc triển khai thực hiện theo chuỗi liên kết tại xã Quang Trung trong năm 2024. 

Ông Vi Văn Thuyết, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Trung chia sẻ: Khi dự án được triển khai, Đảng ủy, chính quyền xã đã tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia, cử cán bộ phụ trách dự án. Hiện tại đàn gà của 6 hộ tham gia dự án đều phát triển tốt. Mong muốn tới đây, mô hình sẽ được nhân rộng trên địa bàn xã. Trong đợt 1, xã đã cấp được 4.100 con gà trống thiến, giống bản địa của huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn và 23.370kg thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y... cho 6 hộ đồng bào dân tộc Nùng tham gia thực hiện dự án.

Mô hình nuôi gà dưới tán hồi là hướng đi mới trong công tác xóa đói, giảm nghèo
Mô hình nuôi gà dưới tán hồi là hướng đi mới trong công tác xóa đói, giảm nghèo

Trước đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức cho các hộ gia đình tham gia dự án đi tham quan, học tập mô hình tại huyện Lộc Bình, phối hợp với Hợp tác xã Thành Lộc tổ chức được 2 cuộc tập huấn, đồng thời cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp đến từng hộ để hướng dẫn quy trình chăn nuôi trong quá trình thực hiện.

Anh Nông Văn Đạt, cán bộ kỹ thuật Hợp tác xã Thành Lộc cho biết: Từ khi triển khai dự án, HTX luôn bám sát địa bàn, hướng dẫn người dân kỹ thuật nuôi gà, đặc biệt là chăm sóc thú y trong thời gian đầu...Trong thời gian tiếp theo, HTX tiếp tục gắn bó đồng hành với người dân trong chăm sóc và bao tiêu 100% sản phẩm là gà thiến, với giá cam kết là 140 nghìn đồng/kg.

Đánh giá về dự án, bà Hoàng Thị Anh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Gia cho biết: Để mô hình thực hiện có hiệu quả, Phòng chuyên môn phối hợp với xã vận động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân; Phối hợp sát sao, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc các hộ chăn nuôi thực hiện tốt để mô hình đạt kết quả, đem lại thu nhập cho chính người dân; đặc biệt là nâng cao trách nhiệm của hộ chăn nuôi thực hiện theo cam kết, tránh thiệt hại về nguồn vốn đầu tư, làm cơ sở thực hiện chuỗi giá trị những năm tiếp theo trên địa bàn huyện.

Gà nuôi bán chăn thả chất lượng thịt chắc và rất thơm ngon
Gà nuôi bán chăn thả chất lượng thịt chắc và rất thơm ngon

"Dự án nuôi gà thả dưới tán rừng hồi, qua các bước triển khai, người dân đã nhận thấy giá trị mô hình, nguồn lợi đầu tư của Nhà nước và sự liên kết chuỗi bao tiêu cho người dân khi có sản phẩm" bà Hoàng Thị Anh cho biết thêm.

Mô hình nuôi gà bán chăn thả dưới tán rừng hồi tại xã Quang Trung đã và đang là hướng đi mới để người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Với chất lượng gà thả đồi, nguồn thức ăn có thành phần dược liệu lá hồi, cánh hoa hồi, sẽ tạo ra chất lượng gà thơm ngon, trở thành một mô hình thực sự khác biệt trên địa bàn toàn tỉnh Lạng Sơn. Qua đó, sẽ giúp người nông dân giảm nghèo, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Tin cùng chuyên mục
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam

Ngày 27/11/2024, tại trụ sở Ủy ban Dân tộc, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã tiếp ông Hà Vĩ, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam. Tham dự buổi tiếp có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông; lãnh đạo một số vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc.