Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Phú Yên: Tiếp vốn cho vùng đồng bào DTTS và miền núi

PV - 16:57, 05/12/2022

Sau một thời gian tích cực triển khai, những đồng vốn đầu tiên của chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân DTTS và miền núi năm 2022 theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã đến tay người dân. Qua đó giúp họ phát triển sản xuất, ổn định đời sống.

Giải ngân vốn chương trình cho vay theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP tại điểm giao dịch xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa. Ảnh: CTV
Giải ngân vốn chương trình cho vay theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP tại điểm giao dịch xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa. Ảnh: CTV

Quyết tâm thoát nghèo

Được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên giải ngân 60 triệu đồng, chị Bùi Thị Linh ở thôn Xây Dựng, xã Suối Trai không giấu được niềm vui. Chị Linh cho biết: Gia đình tôi có 6 sào đất rẫy, lâu nay muốn canh tác nhưng không có vốn. Bình thường vợ chồng làm thuê chỉ đủ đắp đổi qua ngày chứ không có dư. Vì vậy, khi nghe Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thông tin về chính sách cho vay đồng bào DTTS và miền núi, tôi rất phấn khởi. Càng vui hơn bởi sau khi địa phương và ngân hàng xét duyệt, chúng tôi có tên trong danh sách những hộ được giải ngân đợt đầu.

Theo chị Linh, sau khi nhận vốn, chị bàn với chồng tìm cơ sở uy tín để mua keo giống về chuẩn bị trồng; số còn lại thì mua 1 con bò về nuôi. Được Nhà nước, ngân hàng hỗ trợ, gia đình chị có thêm động lực để quyết tâm thoát nghèo.

Tương tự, hộ anh La Mo Ân ở thôn Phú Lợi, xã Phú Mỡ cũng vừa được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Đồng Xuân giải ngân 50 triệu đồng từ Chương trình cho vay ưu đãi theo Nghị định 28 của Chính phủ. Số tiền này, vợ chồng La Mo Ân dự định đầu tư hết vào trồng keo. “Gia đình tôi có hơn 3 ha đất, số tiền này sẽ dùng để mua cây giống, phân bón và trả tiền công chăm sóc keo trong giai đoạn đầu. Vốn này ngân hàng cho vay với lãi suất thấp, thời hạn dài nên chúng tôi không lo không trả được nợ”, La Mo Ân cho biết.

Theo NHCSXH Phú Yên, năm 2022, chi nhánh được giao kế hoạch vốn 27 tỷ đồng để thực hiện Chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị định 28 . Trong đó, huyện Sơn Hòa được phân bổ 11 tỷ đồng, huyện Đồng Xuân 9 tỷ đồng, huyện Sông Hinh 6,5 tỷ đồng, còn lại là huyện Tây Hòa 500 triệu đồng. Đây là một trong số các chương trình cho vay theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Đối tượng thụ hưởng chính sách nói trên là hộ nghèo DTTS hoặc hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú hợp pháp ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng và miền núi; được cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Riêng khoản vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị có thêm đối tượng là các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh, các HTX tham gia vào chuỗi giá trị có từ 70% tổng số lao động trở lên là người DTTS.

Giai đoạn 2021 - 2025: Phú Yên có 23 xã và 110 thôn thuộc vùng DTTS và miền núi
Giai đoạn 2021 - 2025: Phú Yên có 23 xã và 110 thôn thuộc vùng DTTS và miền núi

Mong có thêm vốn để hỗ trợ bà con

Hiện phòng giao dịch NHCSXH ở các huyện được phân bổ vốn đang tích cực giải ngân nguồn vốn Chương trình cho vay ưu đãi theo Nghị định 28 cho các hộ thuộc danh sách đối tượng thụ hưởng đã được chính quyền địa phương phê duyệt. Ông Lê Trọng Khoan - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Sơn Hòa cho biết: Theo quyết định phê duyệt, toàn huyện Sơn Hòa có 2.245 hộ thuộc đối tượng thụ hưởng, ở các xã Krông Pa, Suối Trai, Sơn Hà, Sơn Phước, Cà Lúi, Phước Tân, Ea Chà Rang, Sơn Hội, Suối Bạc, Sơn Định, Sơn Nguyên. Ngay khi địa phương phê duyệt danh sách, đơn vị đã chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan tuyên truyền, phổ biến đến người dân để họ biết và thực hiện thủ tục vay vốn khi có nhu cầu.

Còn theo quyết định của UBND huyện Đồng Xuân, toàn huyện này có 458 hộ đủ điều kiện vay vốn theo Nghị định 28. Trong đó, các xã Phú Mỡ có 150 hộ, Xuân Lãnh: 150 hộ, Đa Lộc: 118 hộ, Xuân Quang 1: 28 hộ, Xuân Quang 2: 12 hộ. “Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đang phối hợp các xã rà soát, kịp thời giải ngân vốn cho các hộ đủ điều kiện, đảm bảo quyền lợi của người dân”, ông Nguyễn Ngọc Hưng - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Đồng Xuân cho hay.

Theo ông Ka Pá Bình - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Phú Lợi (xã Phú Mỡ), nguồn vốn Chương trình cho vay theo Nghị định 28 có lãi suất thấp, thời gian vay dài nên bà con ai cũng mừng. Tuy nhiên hiện nay, nhu cầu vay vốn nhiều mà nguồn vốn được cấp có hạn nên người dân mong muốn năm sau, Nhà nước tiếp tục triển khai chính sách này với tổng số vốn nhiều hơn để bà con có điều kiện sản xuất, ổn định đời sống.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Vốn tín dụng chính sách “đỡ đầu” các doanh nghiệp, HTX miền núi phát triển sản phẩm OCOP

Thanh Hóa: Vốn tín dụng chính sách “đỡ đầu” các doanh nghiệp, HTX miền núi phát triển sản phẩm OCOP

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách gắn với nội dung số 3 thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 3: Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) đã và đang tạo động lực cho nhiều doanh nghiệp, HTX mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển sản phẩm OCOP hiệu quả.