Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Sli mang tâm tình của người Nùng xứ Lạng: Tìm nhau qua những câu hát sli (Bài 2)

Thuý Hồng - 09:45, 17/10/2022

Những cuộc sli kéo dài bao lâu, có lẽ cũng không mấy người nhớ. Chỉ biết rằng, từ những câu sli say đắm đã có nhiều đôi trai gái nên duyên vợ chồng. Rồi cũng có những đôi lứa không đến được với nhau, thì trở thành bạn bè và trong mỗi dịp lễ hội, họ vẫn tìm được nhau qua những câu hát sli.


Không gian sinh hoạt văn hóa hát sli là nơi gặp gỡ, trao đổi, giao lưu tình cảm, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó chặt chẽ trong Nhân dân, tạo sự gắn kết giữa văn hóa cổ truyền và hiện đại khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc
Không gian sinh hoạt văn hóa hát sli là nơi gặp gỡ, trao đổi, giao lưu tình cảm, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó chặt chẽ trong Nhân dân, tạo sự gắn kết giữa văn hóa cổ truyền và hiện đại khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc

Nên duyên vợ chồng từ những câu sli

Xã Tân Thành, huyện Cao Lộc, nằm cách TP. Lạng Sơn hơn 16 km, từ lâu đã “nức tiếng” với làn điệu sli Nùng Phàn Slình. Cứ vào các ngày 22 tháng Giêng và ngày 12 tháng Tám từ khắp các thôn bản, thanh niên nam nữ rủ nhau lên TP. Lạng Sơn để đi hội hát sli. Những chàng trai, cô gái xúng xính trong sắc áo chàm xanh ngắt, tìm nhau qua câu hát sli mượt mà, tình tứ.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Hoàng Văn Sơn, một cây sli có tiếng ở xã Tân Thành cho biết: Trước đây, không nhất thiết phải đến hội, mà cứ đến ngày chợ vào 12, 22 hàng tháng, người Nùng Phàn Slình ở Tân Thành và các xã lân cận của huyện Chi Lăng vẫn thường hát ở công viên Hoàng Văn Thụ. Những cuộc sli kéo dài từ sáng sớm đến chiều tối mới ra về.

Ông Sơn kể, khoảng 14, 15 tuổi ông đã theo các anh các chị đi hội, đi chợ đi khắp làng trên, xóm dưới để hát sli. Điệu sli phải học, nhưng nội dung thì mình tự nghĩ ra, đối đáp từ thực tế. Đối phương có tài khéo léo, mình cần phải nhanh trí đưa ra ý kiến sắc sảo. Như vậy, cuộc hát kéo dài đến khuya mà không biết chán.

Những chàng trai, cô gái xúng xính trong sắc áo chàm, tìm nhau qua câu hát sli mượt mà, tình tứ
Những chàng trai, cô gái xúng xính trong sắc áo chàm, tìm nhau qua câu hát sli mượt mà, tình tứ

Tục ngữ Nùng có câu: “Đêm ốm dài, đêm sli ngắn”. Theo ông Sơn, sau những câu sli chào hỏi, trò chuyện, tâm tình, thì cuộc sli chuyển sang các bài sli truyện thơ: Làng Dỉ, Mày Khoay, Thàng Vàng, Tỳ Dao, Lụ Ký, Khỉnh Dèn, Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài,...thì cuộc sli mới trọn vẹn và được đánh giá những người sli tài, biết nhiều sli.

Từ những chợ hát sli như hội Háng Pỉnh, Hội Háng Ví (Chi Lăng) chợ tình Tân Thành (Hữu Lũng)… mà nhiều người nên duyên vợ chồng. Vì sau những cuộc hát sli những đôi trai gái hợp nhau, mến nhau phải lòng nhau sẽ hỏi thăm nhau, làm quen và để rồi họ hiểu nhau, yêu nhau nên duyên vợ chồng. 

Như câu chuyện của ông Sơn, là một người hát sli có tiếng, ông Sơn rất được các chị em mến mộ mà thầm thương, trộm nhớ. Ông và vợ của ông ngày còn trẻ quen nhau, phải lòng nhau cũng chính từ những cuộc sli, rồi nên duyên chồng, vợ.

Từ những cuộc hát sli đã có nhiều đôi trai gái nên duyên vợ chồng
Từ những cuộc hát sli đã có nhiều đôi trai gái nên duyên vợ chồng

Giờ đây ở cái tuổi lục tuần, nhưng hàng năm cứ đến các ngày hội, chợ là ông Sơn lại chở vợ để cùng đi hội hát sli; gặp lại những người bạn cũ để trò chuyện, tâm sự, hát giao lưu với nhau để không được quên đi làn điệu dân ca truyền thống của dân mình.

Gặp lại người xưa

Cũng có nhiều đôi trai gái tìm nhau qua những câu hát sli, nhưng không nên duyên vợ chồng, thì giờ họ gặp nhau, kết bạn với nhau, giúp nhau suốt đời. Hàng năm, những cặp đôi ấy lại sắm vai "người cũ" tìm đến với nhau mà bày tỏ tâm tình.

Bà Lâm Thị Liêm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát sli Nùng Phàn Sình ở xã Xuân Long, huyện Cao Lộc (thuộc câu lạc bộ dân ca xứ Hoa Đào) chia sẻ: Sli trong tiếng Nùng nghĩa là “thơ”, vì vậy các cặp đối hát sli với nhau, giống như viết thư tình dành cho nhau sẽ thể hiện tình cảm, dùng những từ ngữ hay nhất, nên những người yêu nhau, hát cùng nhau mà không đến được với nhau sẽ rất luyến tiếc, nhớ nhung. Hàng năm luôn muốn được đến chợ để gặp lại người cũ để hỏi thăm về cuộc sống gia đình và ôn lại chuyện cũ.

Một buổi hát sli giao lưu văn hoá tại xã Quảng Lạc, TP. Lạng Sơn
Một buổi hát sli giao lưu văn hoá tại xã Quảng Lạc, TP. Lạng Sơn

Ông Vi Văn Ố, ở tận Lục Ngạn, Bắc Giang nhưng cứ mỗi khi có hội, chợ hát sli nào ở Lạng Sơn, ông đều có mặt. “Trước đây tôi hay đi hát giao lưu nhiều ở trên Lạng Sơn, quen rất nhiều bạn cũ, nên mỗi khi đến hội là dịp để tìm gặp bạn bè cũ ngày xưa” ông Ổ cho biết.

Anh Lương Văn Sướng, cũng là một cây sli có tiếng ở xã Tân Thành, huyện Cao Lộc. Anh kể, cứ đến các ngày hội, ngày chợ truyền thống anh đều chở vợ cùng đi hát sli. “Bây giờ vợ chồng gặp nhau rồi, đã lấy nhau rồi thì không hát cặp với nhau nữa, mà mỗi người tự đi tìm bạn cũ của mình để hát với nhau, không ai ghen với nhau cả. Hát xong ở chợ thì về nhà thôi”, anh Sướng chia sẻ.

Không những biết hát sli mà anh Sướng còn lập riêng hẳn một kênh youtube về hát sli, để những người yêu sli, yêu bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS không có điều kiện đến hội, có thể xem các cặp đôi hát sli đối đáp với nhau qua điện thoại.

Theo ông Tô Văn Kẻn, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc, hát sli không chỉ là món ăn tinh thần, tạo thêm sức khoẻ, tinh thần lạc quan, niềm tin yêu cho mọi người, mà còn thể hiện việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của đồng bào Nùng.

Hàng năm các cặp đôi yêu nhau, không đến được với nhau luôn muốn được đến chợ để gặp lại người cũ, hỏi thăm về cuộc sống gia đình và ôn lại chuyện cũ
Hàng năm các cặp đôi yêu nhau, không đến được với nhau luôn muốn được đến chợ để gặp lại người cũ, hỏi thăm về cuộc sống gia đình và ôn lại chuyện cũ

“Bây giờ tôi có tuổi rồi, nhưng đến ngày chợ truyền thống, ngày hội vẫn đến gặp bạn bè, mấy ông bà già chúng tôi lại hội tụ, tâm tình, cùng nhau ôn lại điệu hát sli. Được đi hát lại thấy khoẻ ra, yêu đời hơn”, ông Kẻn cho biết.

Hát sli không đơn giản, chỉ là một loại hình âm nhạc độc đáo của người Nùng đã tồn tại suốt bao đời nay, mà còn là tài sản tinh thần quý giá, một phần không thể thiếu trong đời sống của người Nùng. Không gian sinh hoạt văn hóa hát sli, là nơi gặp gỡ, trao đổi, giao lưu tình cảm, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó chặt chẽ trong Nhân dân, tạo sự gắn kết giữa văn hóa cổ truyền và hiện đại khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc. Năm 2019, hát sli của dân tộc Nùng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nhưng câu sli vẫn được bà con hát thường xuyên vào những ngày chợ phiên, ngày hội. Nhưng có một điều băn khoăn, là lớp trẻ hôm nay không còn mặn mà với hát sli nữa, những người biết hát sli tuổi đã ngoài 50, 60. Vì vậy, để những lễ hội, phiên chợ còn dặt dìu những câu sli phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa đặc sắc này của các cơ quan chuyên ngành, chính quyền địa phương và người trong cuộc...

Tin cùng chuyên mục
"Chữa bệnh" cho chiêng

"Chữa bệnh" cho chiêng

Với sứ mệnh lưu giữ “hồn cốt” của cồng chiêng Tây Nguyên, những nghệ nhân tại các buôn làng Gia Lai đang miệt mài chỉnh sửa những tiếng chiêng lạc nhịp, để tiếng chiêng, tiếng cồng cổ mãi ngân vang “chín suối, mười đồi”. Họ như những bác sỹ không quản ngại ngày đêm lặn lội trên khắp các buôn làng để "chữa bệnh" cho chiêng.