Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Sóc Trăng: Chuyển biến tích cực từ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo sinh kế cho đồng bào vùng DTTS

Như Tâm - CTV - 17:51, 06/12/2023

Là tỉnh có hơn 35% đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Khmer chiếm hơn 30% dân số của tỉnh, thời gian qua, Sóc Trăng đã tập trung đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án... hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh.

Đối với lớp tập huấn nghề cho đồng bào DTTS tài liệu phải ngắn gọn, dễ hiểu và phải xác tình hình thực tế của địa phương ( trong ảnh lớp tập huấn nuôi ong tại Thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng)
Lớp tập huấn nuôi ong tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng

Chú trọng đào tạo nghề

Thực Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), Sóc Trăng xác định, chăm lo cho đồng bào DTTS là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi nghề, giúp đồng bào Khmer tăng thêm thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống; từ đó góp phần thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập giữa vùng đồng bào DTTS so với bình quân chung của tỉnh.

Huyện Châu Thành là địa bàn có gần 50% dân số là người Khmer, trong đó hộ nghèo dân tộc Khmer 946 hộ. Năm 2023, dự kiến huyện có 228 hộ được quan tâm đầu tư chuyển đổi ngành nghề bằng việc hỗ trợ phương tiện chuyển đổi nghề, như xe ép nước mía, máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy cắt cỏ, xe mô tô…; 7 hộ được hỗ trợ đất và 111 hộ được hỗ trợ về nhà ở. Tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương đầu tư trên 8 tỷ đồng.

Riêng tại xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành, từ đầu năm đến nay, Chương trình DTTS đã hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho hơn 40 hộ; trong đó, có 10 hộ được hỗ trợ mua xe nước mía, 9 hộ được hỗ trợ mua máy phun thuốc và máy cắt cỏ, 22 hộ được hỗ trợ mua xe gắn máy để làm dịch vụ chạy xe ôm và làm phương tiện đi lại trong quá trình thực hiện phát triển kinh tế.

Hay tại xã An Hiệp, từ năm 2022 đến nay đã hoàn tất công tác bàn giao hỗ trợ dụng cụ chuyển đổi ngành nghề từ Chương trình MTQG 1719. Anh Sơn Luân, ngụ ấp Giồng Chùa A, xã An Hiệp, huyện Châu Thành là một trong những hộ được hỗ trợ dụng cụ chuyển đổi ngành nghề cho biết: “Gia đình tôi không có đất sản xuất. Tôi thường hay bệnh nên không làm việc nặng được. Thu nhập chủ yếu từ quán cà phê nhỏ, nhưng không nhiều. Thấy hoàn cảnh gia đình tôi, năm 2023, chính quyền địa phương đã hỗ trợ xe ép nước mía, bàn ghế, chúng tôi rất vui mừng. Chúng tôi hy vọng thời gian tới thu nhập sẽ tăng lên, giảm bớt khó khăn”.

Ông Trương Hán Nghiệp,Trưởng Phòng Dân tộc huyện Châu Thành cho biết: Khi triển khai thực hiện Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG 1719, người dân ở các địa phương khi tiếp nhận hỗ trợ đã rất phấn khởi, có quyết tâm cao vươn lên ổn định cuộc sống. Quá trình thực hiện cũng được các địa phương đảm bảo theo hướng dẫn, quy trình, các bước khảo sát nhu cầu hộ dân, bình nghị, xét chọn, để từ đó phát huy được hiệu quả hỗ trợ của dự án. Phòng Dân tộc huyện tiếp tục phối hợp các địa phương triển khai các dự án trong chương trình, tạo được động lực thúc đẩy phát triển ở các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống”.

Đồng bào dân tộc Khmer Thị xã Vĩnh Châu( Sóc Trăng) được tập huấn kỹ thuật nuôi ong lấy mật
Đồng bào dân tộc Khmer thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) được tập huấn kỹ thuật nuôi ong lấy mật

Đầu tư xây dựng mô hình 

Nhiều địa phương khác của tỉnh Sóc Trăng cũng chú trọng hỗ trợ đồng bào DTTS chuyển đổi nghề như: Huyện Mỹ Xuyên hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 29 hộ với số tiền 290 triệu đồng trong 9 tháng đầu năm; huyện Mỹ Tú hỗ trợ 48 hộ chuyển đổi ngành nghề từ năm 2022 đến đến nay.

Bên cạnh hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi ngành nghề, giai đoạn 2021-2023, tỉnh Sóc Trăng còn chỉ đạo 19 cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tập trung ưu tiên đào tạo nghề, trang bị kiến thức kỹ năng tay nghề, kỹ năng mềm cho 45.700 người, trong đó chủ yếu là người DTTS, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2023 là 63%, tăng 2,62% so với năm 2020.

Các chính sách hỗ trợ trên đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp người DTTS ở Sóc Trăng vươn lên thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer giai đoạn này giảm trên 4,5%/năm.

Năm 2021, UBND tỉnh Sóc Trăng phê duyệt Dự án “Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”, với tổng kinh phí trên 2.208 tỷ đồng. Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, phát triển chăn nuôi bò thịt bình quân mỗi hộ nuôi từ 4-5 con, tăng số lượng đàn bò thịt đạt 77.000 con và sản lượng thịt hơi đạt 5.000 tấn/năm. Đào tạo, tập huấn nâng cao đội ngũ dẫn tinh viên, kỹ thuật thú y đạt 60 kỹ thuật viên. Diện tích trồng cây thức ăn cho bò đạt 3.000 ha. Giải quyết việc làm cho 15.000 lao động nông thôn.

Ông Võ Thanh Quang, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, kỳ vọng, đây được xem là dự án chăn nuôi bò quy mô lớn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với mục tiêu gia tăng giá trị và phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa theo hướng hàng hóa, đồng thời giúp bà con nông dân giải quyết việc làm cho nông dân. Những mô hình và cách làm đã tạo sinh kế bền vững và duy trì thu nhập ổn định cho nhiều nông dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc Khmer. Bên cạnh đó, góp phần từng bước chuyển đổi từ hình thức chăn nuôi nhỏ, lẻ sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn hơn, giúp cho bà con tăng trưởng kinh tế nông hộ.

 “Trong thời gian tới, hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi nghề, triển khai các dự án kinh tế mang lại hiệu quả cao vẫn là những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Sóc Trăng. Có thể nói, với Sóc Trăng Chương trình MTQG 1719, thực sự là điểm tựa cho đồng bào dân tộc Khmer phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững”. ông Quang khẳng định.