Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Sóc Trăng: Đảm bảo các điều kiện, dịch vụ thiết yếu cho đồng bào Khmer khu vực biên giới

Như Tâm - 05:13, 18/11/2023

Công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống, bảo vệ chủ quyền biên giới...luôn là những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các lực lượng ở địa bàn khu vực biên giới Sóc Trăng quan tâm, tập trung thực hiện. Theo đó, một giải pháp quan trọng là phải tăng cường đầu tư, đảm bảo để đồng bào được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ, công trình dân sinh phục vụ cho nhu cầu thiết yếu xây dựng cuộc sống,

Các hoạt động tạo sinh kế cho đồng bào ven biển luôn được BĐBP tỉnh Sóc Trăng quan tâm
Các hoạt động tạo sinh kế cho đồng bào ven biển luôn được BĐBP tỉnh Sóc Trăng quan tâm

Đảm bảo các điều kiện dân sinh

Tỉnh Sóc Trăng có đường bờ biển dài 72 km, địa bàn biên phòng gồm 11 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Cù Lao Dung, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Khu vực biên giới Sóc Trăng có đông đồng bào Khmer sinh sống chiếm 45% dân số toàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện còn 22.120 hộ nghèo, 29.403 hộ cận nghèo đang gặp nhiều khó khăn và 29.750 hộ đặc biệt khó khăn. Với những chương trình, dự án chính sách đầu tư phát triển ở địa bàn biên giới nhiều năm nay của Nhà nước, đang từng bước làm thay đổi diện mạo, cải thiện chất lượng sống của Nhân dân các địa bàn khu vực biên giới tỉnh Sóc Trăng. 

Điển hình như thời gian qua, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2021 - 2023, tỉnh Sóc Trăng  đã giải ngân được trên 25 tỷ đồng, tập trung hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng khó khăn, tổ chức đào tạo nghề. Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giải quyết việc làm. Tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ xã hội cơ bản như việc làm, y tế, giáo dục, nước sạch, thông tin…

Gần đây nhất là, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn I từ năm 2021-2025, Sóc Trăng thực hiện Chương trình với 10 dự án thành phần, tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021-2023 là 656,416 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là hơn 582 tỷ đồng; vốn đối ứng là gần 70 tỷ đồng; vốn huy động là 4,5 tỷ đồng...

Theo đó, các mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định sản xuất và đời sống của đồng bào DTTS, đang được tiếp tục thực hiện đầu tư, hỗ trợ hiệu quả với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đoàn thể tại các địa phương..., đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, vùng đồng bào DTTS của tỉnh Sóc Trăng. Qua đó, nhiều địa phương đã trở thành điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn khu vực biên giới (KVBG)

Minh chứng như thị xã Vĩnh Châu. Đây là địa phương vùng ven biển phía Nam của tỉnh Sóc Trăng, với 43 km bờ biển. Việc triển khai các chương trình mục tiêu Quốc gia được thị xã xác định là nhiệm vụ chính trị thường xuyên và liên tục. Từ đó, các chương trình, dự án đã sớm phát huy hiệu.

Hiện nay, thị xã có 100% xã, phường có đường ô tô đến trung tâm được trải nhựa hoặc bê tông hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố. 98, 9% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp (trong đó hộ dân tộc Khmer là 22.051 điện kế, đạt 99%). Gần 99% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.

Ông Sơn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu cho biết, thị xã Vĩnh Châu có 7 xã, phường ven biển, thời gian qua các chính sách hỗ trợ đồng bào ven biển được quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả, đời sống Nhân dân được cải thiện và nâng cao; Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên KVBG được đảm bảo. Tỷ lệ hộ thoát nghèo hằng năm giảm từ 3 - 4 % trong đồng bào DTTS.

 "Một trong những nội dung quan trọng trong quy hoạch chung của tỉnh vừa được công bố, thì thị xã Vĩnh Châu cùng với huyện Trần Đề là vùng kinh tế - xã hội ven biển. Vĩnh Châu nằm trong các địa phương được xác định, là cửa ngõ chính ra Biển Đông, được quy hoạch phát triển theo hướng tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực để trở thành vùng động lực, thành trung tâm phát triển và lan tỏa kinh tế - xã hội của tỉnh. Chúng tôi kỳ vọng, trong thời gian sắp tới địa phương sẽ được đầu tư đúng mức để phát triển bền vững, xứng tầm với định hướng”, ông Thạch kỳ vọng.

Chung tay cải thiện chất lượng sống cho Nhân dân

Tại các khu vực biên giới, một trong những lực lượng quan trọng gắn bó mật thiết, giúp đỡ đồng bào DTTS phát triển, thay đổi cuộc sống hiệu quả, là lực lượng Biên phòng. Với khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, bao năm qua, lực lượng BĐBP tỉnh Sóc Trăng đã tích cực tham gia xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; góp phần nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh. Qua đó, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động Nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Đơn cử như tại Đồn Biên phòng Lai Hòa (BĐBP tỉnh Sóc Trăng), quản lý địa bàn 2 xã Lai Hòa và Vĩnh Tân thuộc thị xã Vĩnh Châu. Đây là 2 địa phương có tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc Khmer chiếm trên 70%. Với quyết tâm góp phần ổn định và nâng cao đời sống của Nhân dân, xem đây vừa là trách nhiệm, tình cảm dành cho đồng bào, hai đơn vị thường xuyên tổ chức các hoạt động giúp dân bằng những việc làm cụ thể, trong đó phối hợp với địa phương, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành chủ trương đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước; trực tiếp tham gia xây dựng tổ chức chính quyền, hệ thống chính trị đoàn thể vững mạnh

Ngoài ra, lực lượng còn triển khai nhiều việc làm cụ thể giúp dân như: Hỗ trợ xây dựng mô hình sinh kế; làm nhà, hướng dẫn đồng bào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và các kỹ thuật nhằm tăng năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất; Tổ chức trao quà cho những hộ đồng bào có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào những dịp lễ, tết truyền thống của đồng bào Khmer; Tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, hội thi các môn thể thao dân gian của đồng bào dân tộc Khmer, tạo không khí vui tươi phấn khởi, tăng cường tình đoàn kết gắn bó trong vùng đồng bào dân tộc Khmer . 

Theo Thiếu tá Hồ Minh Thiện, Chính trị viên Đồn Biên phòng Vĩnh Hải, cùng với những việc làm, hoạt động nêu trên, việc chăm lo cho, tiếp sức cho các em học sinh nghèo trên địa bàn tới trường, cũng đang là nhiệm vụ được lực lượng đặc biệt quan tâm, nhằm nâng cao dân trí, tạo nguồn nhân lực cho khu vực biên giới.

 Theo đó, đơn vị triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ "Bộ đội nâng bước em tới trường"; vận động, quyên góp tiền mua cặp, sách vở tặng các em đi học. Nhân dịp tết Trung thu hầu hết các đơn vị đều tổ chức tặng quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn và đồng bào DTTS trên địa bàn, với số tiền hàng trăm triệu đồng. Qua đó tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng Nhân dân.

Chia sẻ về tình hình vùng đồng bào DTTS khu vực biên giới hiện nay, ông Lý Rotha, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh, ngoài các chương trình, chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù của địa phương, thì sự quan tâm hỗ trợ kịp thời, bằng những việc làm cụ thể của lực lượng BĐBP tỉnh Sóc Trăng, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân KVBG nhanh và bền vững. Những việc làm của lực lượn đã tạo nên thế trận lòng dân vững chắc trong xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị phát triển ổn định.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.