Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đẩy mạnh tuyên truyền vận động Công tác dân tộc, chính sách dân tộc

Chương trình MTQG 1719 góp phần nâng cao đời sống của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng

Th. Phong - M. Triết (thực hiện) - 06:03, 22/11/2023

Tỉnh Sóc Trăng có khoảng 1,3 triệu người, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 35,41%, chủ yếu là đồng bào Khmer. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719) tỉnh Sóc Trăng đang tập trung triển khai thực hiện các dự án thành phần, với một quyết tâm đưa cuộc sống của đồng bào DTTS lên một bước tiến mới. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Lý Rô Tha, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng về vấn đề trên.

Tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm thực hiện các chính sách dân tộc, đồng thời biểu dương, tôn vinh những điển hình tiên tiến trong đồng bào DTTS
Tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm thực hiện các chính sách dân tộc, đồng thời biểu dương, tôn vinh những điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS

Xin ông cho biết, thời gian qua, Sóc Trăng đã tích cực triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, xin ông cho biết một số kết quả nổi bật?

Ông Lý Rô Tha: Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 đã mang lại kết quả bước đầu, được đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng là đối tượng thụ hưởng Chương trình đồng thuận cao, phấn khởi cùng chính quyền địa phương tích cực hưởng ứng, sử dụng hiệu quả chính sách hỗ trợ từ các nội dung thành phần, tiểu dự án, dự án thuộc Chương trình.

Tính đến ngày 31/10/2023, tỉnh đã triển khai hỗ trợ đất ở cho 100 hộ, nhà ở cho 1.433 hộ, chuyển đổi nghề cho 3.489 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 859 hộ, xây dựng 4 công trình nước tập trung; triển khai trên 67 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng; xây dựng 113 công trình (trong đó 81 công trình lộ giao thông nông thôn, 21 công trình cầu giao thông nông thôn, 01 nhà sinh hoạt cộng đồng và 10 công trình mạng lưới chợ); duy tu bảo dưỡng trên 50 công trình cơ sở hạ tầng; xây dựng bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho 5 trường phổ thông dân tộc nội trú (tại các huyện Kế Sách, Châu Thành, Mỹ Xuyên (Thạnh Phú), Thạnh Trị và Long Phú...

Tỉnh cũng chú trọng triển khai các hội nghị tập huấn, phổ biến kiến thức: Tính đến hết tháng 10, đã tổ chức tập huấn cho 625 đại biểu là đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường phổ thông dân tộc nội trú về công tác quản lý, năng lực quản lý tài chính tài sản, công tác chủ nhiệm; tập huấn nghiệp vụ xóa mù chữ cho 220 đại biểu là đại diện lãnh đạo và chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo, cán bộ phụ trách Trung tâm học tập cộng đồng và giáo viên tham gia thực hiện công tác xóa mù chữ tại các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc, công tác dân tộc cho 1.138 lượt cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức 143 lớp đào tạo nghề cho khoảng 2.567 học viên với nhiều ngành nghề; tổ chức 12 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp, với 1.164 học viên tham dự;...

(CĐ BDT- Đã BT) Triển khai Chương trình MTQG 1719 tại Sóc Trăng: Nâng cao đời sống của đồng bào Khmer 1
Ông Lý Rô Tha, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng

Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá, cũng đã xây dựng 3 câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các ấp vùng đồng bào DTTS, vùng di dân tái định cư; tổ chức hoạt động thi đấu thể thao truyền thống trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu nhằm bảo tồn các môn thể thao truyền thống; tổ chức các trò chơi dân gian của các DTTS được 03 cuộc. Hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị cho 124 ấp vùng đồng bào DTTS;

Sóc Trăng cũng đã tổ chức được 55 cuộc hội nghị tuyên truyền, tập huấn cho khoảng 8.400 đại biểu là cán bộ xã, ấp, báo cáo viên, tuyên truyền viên, Người có uy tín, các em học sinh và giáo viên, nhân viên,… về nội dung của Luật hôn nhân và gia đình, về tảo hôn, hôn nhân cận huyết, biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trẻ em gái; tổ chức 22 cuộc hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho trên 3.400 đại biểu về một số kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến pháp luật và tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số; cấp 1.820 tài liệu tuyên truyền với 20.000 tờ gấp pháp luật song ngữ (Việt - Khmer) cho đại biểu; mua sắm thiết bị cho Đài Phát thanh và Truyền hình phục vụ công tác tuyên tuyền, truyền thông, vận động nhân dân tham gia tổ chức, triển khai thực hiện Đề án Tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; tổ chức tập huấn hướng dẫn cho 160 đại biểu về quy trình, phương pháp, biểu mẫu theo quy định tại Thông tư số 01/2022/TT-UBDT ngày 26/5/2022 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc…

Thông qua các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước, hỗ trợ của chính quyền địa phương, và sự tham gia nhiệt tình ủng hộ của đồng bào DTTS đã góp phần mang đến sự phát triển ngày càng đi lên ở vùng đồng bào DTTS.

Hiện nay, Sóc Trăng đã và đang làm gì để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG 1719, thưa ông? 

Ông Lý Rô Tha: Thời gian còn lại của năm chỉ hơn 1 tháng, các sở ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo giải ngân đến cuối năm đạt tỷ lệ tốt nhất. Trong đó tập trung: Đối với nội dung, tiểu dự án, dự án đang triển khai, đẩy nhanh gấp rút hoàn thành các công trình thi công,... hoàn thành các thủ tục, hồ sơ thanh toán kịp thời giải ngân cuối năm.

Đối với nội dung, tiểu dự án, dự án đang trong giai đoạn lập hồ sơ thủ tục, quy trình thực hiện, các cơ quan, địa phương giao chủ trì chủ động phối hợp các ngành liên quan sớm hoàn thành thủ tục, quy trình và đẩy nhanh tốc độ triển khai hoàn thành trước 31/12/2023.

Từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án đã giúp đồng bào DTTS có cuộc sống ổn định, ngày càng phát triển, bản sắc văn hóa được gìn giữ và phát huy
Từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án đã giúp đồng bào DTTS có cuộc sống ổn định, ngày càng phát triển, bản sắc văn hóa được gìn giữ và phát huy

Trong quá trình triển khai Chương trình 1719 trên địa bàn tỉnh bên cạnh những thuận lợi, tỉnh gặp khó khăn gì, thưa ông?

Ông Lý Rô Tha: Đến thời điểm này, cơ bản các văn bản bộ, ngành trung ương khá đầy đủ, cụ thể, chi tiết thuận lợi cho cơ sở triển khai chương trình. Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, UBND tỉnh Sóc Trăng rất quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, ban hành văn bản pháp lý thuộc thẩm quyền kịp thời; Các sở ngành, địa phương chủ động trong tổ chức triển khai, phối hợp tốt trong thực hiện chương trình. Đặc biệt, Chương trình được đồng bào DTTS vui mừng đón nhận và đồng thuận cao trong triển khai tại địa phương.

Mặc dù vậy, trong quá trình triển khai Chương trình 1719 tại cơ sở cũng gặp không ít khó khăn: Chẳng hạn như, tại Điều 3 Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định: “Các xã khu vực III, khu vực II đã được phê duyệt tại Quyết định này nếu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được xác định là xã khu vực I và thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với xã khu vực III, khu vực II kể từ ngày Quyết định của cấp có thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới có hiệu lực” điều này gây khó khăn cho các tỉnh trong triển khai các chính sách và việc phân bổ vốn hằng năm thực hiện Chương trình.

Theo khoản 5 Điều 56 Luật Đầu tư công quy định: “Trước ngày 25 tháng 7 hằng năm, Ủy ban nhân dân báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua dự kiến kế hoạch đầu tư công năm sau” và trong tháng 9, tỉnh xây dựng dự kiến phân bổ kế hoạch đầu tư của năm sau để thông báo mức dự kiến cho các đơn vị, các chủ đầu tư khẩn trương chuẩn bị thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, đảm bảo các dự án được phê duyệt đến ngày 31/10.

Trong khi đó việc trình hồ sơ công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trình cấp có thẩm quyền thẩm định, xét duyệt thường niên được tổ chức vào cuối năm (Không đồng nhất với thời gian ghi vốn, phân bổ giao vốn thực hiện Chương trình). Khi xã được cấp có thẩm quyền công nhận nông thôn mới, thì Nghị quyết, Quyết định giao vốn đã ban hành và có các công trình đang thi công. Đây cũng là khó khăn chung của các tỉnh trong triển khai vốn thực hiện Chương trình.

Tại Dự án 1, nội dung Hỗ trợ đất ở: Khó khăn trong việc tìm kiếm quỹ đất sạch để chuyển nhượng cho các đối tượng thụ hưởng; định mức hỗ trợ thấp phần lớn hộ nghèo không có khả năng đối ứng để mua đất ở và giá đất hiện nay tăng rất cao so với mức hỗ trợ; các hộ không đủ điều kiện tiếp cận được nguồn vốn vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Khó khăn trong việc lập thủ tục sang nhượng giữa hai bên liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đối tượng thụ hưởng chính sách..., do đó ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian thực hiện và tiến độ giải ngân.

Về nội dung Hỗ trợ đất sản xuất: Hiện nay tỉnh không còn quỹ đất, nên không thể thực hiện nội dung này.

Hay Tiểu dự án 1, Dự án 3 về Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân: Hiện nay tỉnh gặp khó khăn trong tổ chức thực hiện hỗ trợ nội dung này, vì chưa đảm bảo đầy đủ các tiêu chí để triển khai thực hiện theo Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh chưa thực hiện việc giao đất, giao rừng phòng hộ tại các xã thuộc khu vực II, khu vực III.

Ngoài ra, việc triển khai chính sách vốn vay tín dụng khó triển khai thực hiện do phần lớn đối tượng đã vay vốn theo các chương trình, chính sách khác trước đây, đa số không đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đồng thời đối tượng vay vốn chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn bị thu hẹp, một số xã trước đây thuộc vùng khó khăn nay không còn là xã khó khăn, nên phải thu hồi nguồn vốn cho vay chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn khi đến hạn, vì vậy người dân ở các xã này rất cần vốn để tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh nhằm góp phần thoát nghèo bền vững, tạo việc làm tại địa phương...

Lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer được giữ gìn và phát huy
Lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer được giữ gìn và phát huy

 Sóc trăng có kiến nghị gì để tháo gỡ vướng mắc nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719 trong vùng đồng bào Khmer? 

Ông Lý Rô Tha: Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719 trong vùng đồng bào DTTS, Ban Dân tộc đã tham mưu cho tỉnh, đề xuất Trung ương để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình.

Trong đó chúng tôi kiến nghị Ủy ban Dân tộc phối hợp các Bộ, ngành Trung ương xem xét tham mưu đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn năm 2023 sang năm 2024 đối với nguồn vốn không thể giải ngân trong năm 2023 do vướng cơ chế.

Xem xét sớm tham mưu đề xuất Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung tại Điều 3 Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng đối với các xã khu vực III được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kể từ ngày quyết định của cấp có thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới có hiệu lực sau thời điểm giao vốn năm, thì tiếp tục được đầu tư theo phân bổ giao vốn của năm thuộc Chương trình và các chính sách khác.

Xem xét, bố trí vốn cho một số Dự án, Tiểu dự án, nội dung hỗ trợ trực tiếp theo nhu cầu đăng ký kế hoạch vốn hằng năm của tỉnh. Đồng thời, xem xét mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng cho hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Theo lộ trình phân bổ vốn năm sau nhiều hơn năm trước thì sẽ càng thừa vốn so với thực tiễn đối tượng thụ hưởng.

Xem xét đề xuất giao cơ chế cho địa phương được phép điều chuyển nguồn vốn từ dự án thừa vốn do không còn đối tượng thụ hưởng, sang dự án khác cho phù hợp với thực tiễn, nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước và đạt tiến độ giải ngân theo quy định.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục
Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Ngày 28/12, tại Tp. Kon Tum (Kon Tum), Ủy Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”. Ông Đào Xuân Quy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy Ban Dân tộc) và ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên.