Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phát triển bền vững các dân tộc có khó khăn đặc thù

Tăng cường nguồn lực để đồng bào Chứt thay đổi toàn diện: Huy động sức mạnh tổng hợp (Bài 2)

Phạm Tiến - Nguyễn Thanh - 15:00, 28/11/2023

Trên hành trình định cư và từng bước phát triển của đồng bào Chứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), không thể thiếu nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước bằng các chương trình, dự án chính sách dân tộc; sự đồng hành chung tay của các cấp, các ngành để đồng bào Chứt- một trong 14 dân tộc rất ít người của cả nước thuộc diện khó khăn đặc thù không bị bỏ lại phía sau.

Dưới chân núi Ka Đay, BĐBP Hà Tĩnh đang sát cánh cùng người Chứt phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống
Dưới chân núi Ka Đay, BĐBP Hà Tĩnh đang sát cánh cùng người Chứt phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống

Quyết tâm của cả hệ thống chính trị

Từ năm 2014, để hỗ trợ và phát triển đồng bào dân tộc Chứt, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai thực hiện Đề án “Phát triển đồng bào dân tộc Chứt tại bản Rào Tre” đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Từ Đề án này, hạ tầng cơ sở ở Rào Tre đã được đầu tư xây dựng như nhà ở, đường dân sinh, điện thắp sáng, nước sinh hoạt, trạm y tế, trường học…

Các đơn vị, tổ chức cũng thường xuyên hỗ trợ cây giống, kỹ thuật sản xuất, triển khai các mô hình sinh kế giúp đồng bào ổn định sản xuất, đời sống. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ con em người Chứt học hành để nâng cao dân trí là nhiệm vụ lâu dài, trong đó có sự đóng góp của Tổ công tác Đồn biên phòng ở Rào Tre.

 Trung tá Nguyễn Văn Thiên, Tổ trưởng Tổ công tác Rào Tre, Đồn biên phòng bản Giàng, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh cho biết: Từ tháng 8/2019 đến nay, Đồn Biên phòng Bản Giàng đã nhận nuôi 4 em học sinh người đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre. Hiện nay, các em Hồ Tiến Kiệm (SN 2006), Hồ Huyền Trang (SN 2009), Hồ Viết Hoàng (SN 2008), Hồ Thị Hằng (SN 2008) đều đã khôn lớn, chăm ngoan, đang theo học lớp 8, lớp 9 ở Trường THCS&THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh. 

Giao lưu, nói chuyện chuyên đề về lịch sử, văn hóa của đồng bào Chứt
Giao lưu, nói chuyện chuyên đề về lịch sử, văn hóa của đồng bào Chứt

Nằm trong các hoạt động bảo tồn, phát triển đồng bào Chứt, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hương Khê đã tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu về lịch sử, văn hóa đồng bào dân tộc Chứt” nhằm tuyên truyền trong toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh có thêm hiểu biết về dân tộc Chứt, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc của dân tộc Chứt ở Hà Tĩnh.

Đặc biệt, tại lễ tổng kết cuộc thi này, đã có thêm nhiều cơ quan, đơn vị đồng hành cùng trẻ em dân tộc Chứt trên con đường học tập như: Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh huyện Hương Khê hỗ trợ gạo nếp, phục vụ bữa ăn sáng cho các cháu mầm mon ở điểm trường bản Rào Tre trong năm học 2022 - 2023; Ngân hàng VietinBank - Phòng Giao dịch huyện Hương Khê hỗ trợ 2,5 triệu đồng; một số nhà hảo tâm ủng hộ 20 triệu đồng cho chương trình “Vắt xôi sáng cho trẻ mầm non đồng bào dân tộc Chứt”.

Những ngôi nhà tình nghĩa từ nguồn của tỉnh và huyện đang tiếp sức để đồng bào Chứt ổn định cuộc sống
Những ngôi nhà tình nghĩa được xây dựng từ nguồn kinh phí của tỉnh và huyện, đang tiếp sức để đồng bào Chứt ổn định cuộc sống

Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh và huyện Hương Khê cũng đã vào cuộc mạnh mẽ trong Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo tại bản Rào Tre. Ông Phan Thanh Dũng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hương Khê cho biết: Đầu tháng 10/2021, xã Hương Liên tổ chức khởi công 9 căn nhà cho các hộ: Hồ Xuân Nam, Hồ Viết Bốn, Hồ Thị Hợi, Hồ Văn Mẹt, Hồ Văn Hào, Hồ Viết Hoài, Hồ Văn Bình, Hồ Tiến Hóa và Hồ A Thân. 

Các gia đình được hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng, với mức hỗ trợ 120 triệu đồng/nhà từ nguồn hỗ trợ của tỉnh và huyện. Đây là món quà rất ý nghĩa, tiếp thêm niềm tin, động lực để người Chứt "an cư lạc nghiệp" nỗ lực vươn lên.

Sau 8 năm triển khai Đề án “Phát triển đồng bào dân tộc Chứt tại bản Rào Tre”, đời sống đồng bào người Chứt đang dần ổn định, các tập tục lạc hậu, hôn nhân cận huyết thống tồn tại lâu đời dần được xóa bỏ, con trẻ được học hành đầy đủ, người dân yên tâm lao động sản xuất. Người Chứt đã và đang từng bước làm quen với tập quán định canh, định cư, biết cách làm ăn dần đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu.

Trợ lực từ các chương trình của Nhà nước

Ngày 31/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2086/QĐ/TTg phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025. Đối tượng hưởng lợi của đề án này là 16 dân tộc rất ít người khác nhau (các dân tộc dưới 10.000 người) trong đó có dân tộc Chứt. 

Sau quá trình  thực hiện, đồng bào Chứt ở Rào Tre đã có những thay đổi trên tất cả các lĩnh vực. Đồng bào đã biết sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh tăng vụ, có nhà ở kiên cố, có điện lưới thắp sáng, có nước sinh hoạt để dùng, con trẻ được đến trường đầy đủ, không còn tình trạng hôn nhân cận huyết…

Người Chứt đã có những cái tết đầm ấm hơn nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành
Người Chứt đã có những cái tết đầm ấm hơn nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành

Đặc biệt, mới đây nhất, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) đã thiết kế Dự án 9, với nhiều hạng mục đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn với kỳ vọng kéo gần khoảng cách phát triển với các dân tộc khác.

Theo đó, triển khai Dự án 1 của Chương trình, địa phương đã tập trung cải tạo thêm 2,65 ha đất ven sông Ngàn Sâu để người dân có đất canh tác. Đồng thời, tổ chức làm đất, xây dựng hàng rào để đồng bào trồng ngô, cỏ sữa phục vụ nuôi bò sinh sản; hỗ trợ giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật để nâng cao hiệu quả trồng trọt.

 Bà Hồ Thị Lĩnh ở bản Rào Tre nói: Chúng tôi rất vui khi có dự án hỗ trợ bà con chăn nuôi bò. Bà con sẽ cố gắng tiếp thu kiến thức được cán bộ tập huấn để biết chăn nuôi, từng bước xóa nghèo. 

Cũng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, xã Hương Liên đã thành lập Tổ sản xuất bản Rào Tre, với 20 hộ hội viên, trong đó có 5 hộ nghèo, 12 hộ cận nghèo, 3 hộ đã thoát nghèo. Khi tham gia Tổ sản xuất, các gia đình hội viên được hỗ trợ xây dựng chuồng trại phục vụ chăn nuôi và được sử dụng máy cày, nông cụ sản xuất thông qua tổ.

Trò chơi dân gian trong tết Lấp Lỗ của người Chứt
Trò chơi dân gian trong tết Lấp lỗ của người Chứt

Cũng từ nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719, diện mạo cơ sở hạ tầng của bản Rào Tre đang ngày càng khang trang hơn. Các công trình dự án mới được đầu tư gần đây, có thể kể đến là công trình điểm trường mầm non, với tổng mức đầu tư 2 tỷ đồng, đường giao thông nông thôn 1,75 tỷ đồng… Mới đây, tại bản Rào Tre vừa khánh thành và đưa vào sử dụng nhà văn hóa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư xây dựng, với tổng kinh phí 6 tỉ đồng. 

Ông Trần Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết: Những năm qua, đồng bào Chứt đã được quan tâm đặc biệt để nhanh chóng phát triển, hòa nhập cùng với các dân tộc anh em khác. Đặc biệt, phấn khởi nhất, là thu nhập bình quân đồng bào Chứt ở Rào Tre đã được nâng lên 32,2 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, nhìn toàn diện từ thực tế, đời sống của bà con dân bản vẫn còn rất nhiều hạn chế, khó khăn. 

"Do vậy, với những trợ lực từ các chương trình, dự án, nhất là Chương trình MTQG 1719, thì sự đổi thay phát triển toàn diện của đồng bào Chứt chỉ còn là vấn đề thời gian", Phó Chủ tịch huyện Trần Quốc Bảo nhìn nhận.

Tin cùng chuyên mục
Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Lai Châu hiện có 20 dân tộc sinh sống, với dân số khoảng trên 484.000 người, trong đó có 4 dân tộc Mảng, Cống, Lự, Si La là thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Nhờ các chính sách đối với của Đảng, Nhà nước, bộ mặt các bản làng dân tộc rất ít người của tỉnh Lai Châu dần thay đổi. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thiết kế tiểu dự án 1, Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn nhằm giải quyết toàn diện những vấn đề cấp thiết của đồng bào.