Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đẩy mạnh tuyên truyền vận động Công tác dân tộc, chính sách dân tộc

Tháo gỡ vướng mắc từ cơ chế thực hiện các Chương trình MTQG: Điều chỉnh quy định triển khai hỗ trợ sản xuất (Bài 2)

Cù Hương - Sỹ Hào - 08:05, 15/11/2023

Hỗ trợ phát triển sản xuất là hoạt động quan trọng trong các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 – 2025. Việc chậm ban hành quy định trình tự, thủ tục, mẫu hồ sơ, tiêu chí lựa chọn khiến các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất bị ngưng trệ, tác động đến đời sống của các đối tượng được thụ hưởng, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chậm tiến độ triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất ảnh hưởng tới mục tiêu giảm nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi. (Ảnh minh họa)
Chậm tiến độ triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất ảnh hưởng tới mục tiêu giảm nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi. (Ảnh minh họa)

Nhiều vướng mắc phát sinh

Ngày 30/10/2023, trong Chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về việc triển khai 3 Chương trình MTQG. Các đại biểu đã bày tỏ những trăn trở về việc giải ngân vốn của các chương trình rất chậm, nhất là đối với nguồn vốn sự nghiệp. Để “khơi thông”, các đại biểu thống nhất cho rằng, phải có một cơ chế đặc thù, thậm chí, cơ chế đặc thù này cần được xây dựng thành một nghị quyết của Quốc hội.

Những vướng mắc trong cơ chế triển khai các Chương trình MTQG cũng đã được Chính phủ nhận diện và xây dựng phương án đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ. Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã xây dựng Hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG (gọi tắt là Dự thảo Nghị quyết). Trong đó, Bộ KH&ĐT đã đề xuất điều chỉnh quy định trình tự, thủ tục, mẫu hồ sơ, tiêu chí lựa chọn khiến các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025.

Trong Dự thảo Nghị quyết, Bộ KH&ĐT cho biết, hiện trình tự, thủ tục, mẫu hồ sơ, tiêu chí lựa chọn dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình MTQG được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022; được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP, ngày 24/6/2023 của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ phân cấp cho địa phương, HĐND cấp tỉnh quyết định chính sách theo thẩm quyền quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thực hiện quy định này, đến nay có 44/52 địa phương đã có Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh ban hành trình tự, thủ tục, mẫu hồ sơ, tiêu chí lựa chọn dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình MTQG. Tại một số địa phương, do HĐND cấp tỉnh cho rằng, việc ban hành trình tự, thủ tục, mẫu hồ sơ, tiêu chí lựa chọn dự án hỗ trợ phát triển sản xuất là nội dụng điều hành của UBND cấp tỉnh nên chưa xem xét thông qua.

Tại phiên thảo luận ngày 30/10/2023, đại biểu Vũ Xuân Hùng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) đề nghị cần có nghị quyết đặc thù để phân cấp, phân quyền để đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 Chương trình MTQG. (Ảnh: quochoi.vn)
Tại phiên thảo luận ngày 30/10/2023, đại biểu Vũ Xuân Hùng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) đề nghị cần có nghị quyết đặc thù để phân cấp, phân quyền nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 Chương trình MTQG.

Tổng hợp báo cáo từ các địa phương, Bộ KH&ĐT đánh giá, nhiều địa phương gặp khó khăn, lúng túng, mất nhiều thời gian hoàn thiện hồ sơ trình HĐND cấp tỉnh theo quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài, do lần đầu xây dựng, ban hành quy định về trình tự, thủ tục, mẫu hồ sơ, tiêu chí lựa chọn nên trong quá trình thực hiện còn phát sinh một số vướng mắc cần điều chỉnh; quy trình xây dựng, trình HĐND cấp tỉnh điều chỉnh cũng mất nhiều thời gian.

“Việc chậm trễ ban hành các quy định này làm chậm tiến độ triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất tại địa phương, làm chậm tiến độ giải ngân vốn sự nghiệp của các chương trình”, Dự thảo Nghị quyết nhận định.

Đề xuất phân cấp về địa phương

Để giải quyết vướng mắc này, Dự thảo Nghị quyết đề xuất bổ sung quy định cho phép, HĐND cấp tỉnh giao UBND cấp tỉnh quyết định trình tự, thủ tục, mẫu hồ sơ, tiêu chí lựa chọn dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình MTQG. Do ở một số địa phương, HĐND cấp tỉnh đã ban hành quy định, một số địa phương chưa ban hành nên Dự thảo Nghị quyết đề xuất các phương án cụ thể để giải quyết.

Theo đó, đối với 44 địa phương đã có Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh ban hành trình tự, thủ tục, mẫu hồ sơ, tiêu chí lựa chọn dự án hỗ trợ sản xuất thì tiếp tục thực hiện. Trong quá trình triển khai, nếu có phát sinh vướng mắc thì HĐND cấp tỉnh quyết định hoặc giao UBND cấp tỉnh được điều chỉnh trình tự, thủ tục, mẫu hồ sơ, tiêu chí lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ sản xuất; khi thực hiện điều chính thì UBND cấp tỉnh phải báo cáo HĐND cấp tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

Đối với những địa phương chưa ban hành Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh quy định, Dự thảo Nghị quyết đề xuất phương án HĐND cấp tỉnh quyết định hoặc giao UBND cùng cấp được điều chỉnh trình tự, thủ tục, mẫu hồ sơ, tiêu chí lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ sản xuất. Trong trường hợp giao UBND cấp tỉnh quyết định, UBND cấp tỉnh phải báo cáo kết quả ban hành quy định tại kỳ họp HĐND cấp tỉnh gần nhất.

Triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất để tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS. (Ảnh minh họa)
Triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất để tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS. (Ảnh minh họa)

“Dự kiến giải pháp chính sách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương khẩn trương hoàn thành việc ban hành các quy định theo phân cấp, hoặc bổ sung, sửa đổi quy định có phát sinh vướng mắc nhằm bảo đảm cớ sở pháp lý triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn sự các Chương trình MTQG”, Dự thảo Nghị quyết nhận định.

Tuy nhiên, Dự thảo Nghị quyết cũng đánh giá, việc giao UBND cấp tỉnh quyết định các thủ tục hành chính là không phù hợp với quy định tại khoản 4 – Điều 14 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 – Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

Vì thế, trong phương án điều chỉnh quy định trình tự, thủ tục, mẫu hồ sơ, tiêu chí lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ sản xuất, Dự thảo Nghị quyết đề xuất, UBND cấp tỉnh sau khi ban hành chính sách phải báo cáo HĐND cấp tỉnh tại kỳ họp gần nhất. HĐND cấp tỉnh theo thẩm quyền sẽ giám sát quá trình xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách bảo đảm đúng mục đích, mục tiêu và đạt hiệu quả.

Việc tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất trong các Chương trình MTQG đang gặp vướng mắc không chỉ do quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ, tiêu chí lựa chọn dự án, mà còn do cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước và cơ chế quản lý, sử dụng tài sản sau khi kết thúc dự án. Những vướng mắc này càng khiến việc giải ngân vốn sự nghiệp các Chương trình MTQG chậm tiến độ.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong bài viết tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Ngày 28/12, tại Tp. Kon Tum (Kon Tum), Ủy Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”. Ông Đào Xuân Quy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy Ban Dân tộc) và ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên.