Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Thầy giáo Ngô Văn Bằng - "Mẹ hiền" của trẻ nhỏ ở Đồng Tâm

Mỹ Dung - 10:45, 23/10/2024

Trải qua bao thế hệ, trong mắt của mỗi học sinh, phụ huynh, cô giáo mần non luôn được ví như mẹ hiền của các em nhỏ. Nhưng ở Trường Mầm non Đồng Tâm, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) có một thầy giáo dành hết tình cảm, tâm huyết để làm tròn vai "mẹ hiền". Đó là thầy giáo Ngô Văn Bằng (1981), dân tộc Tày.

Thầy Ngô Văn Bằng dạy chữ cái cho trẻ mầm non
Thầy Ngô Văn Bằng dạy chữ cái cho trẻ mầm non

Theo lời thầy Bằng kể, khi quyết định chọn theo học sư phạm mầm non, người thân, bạn bè ai cũng khuyên không nên bởi nghề này vất vả, thu nhập thấp và hơn hết đó là nghề dành cho nữ giới. Tuy nhiên, chàng trai trẻ Ngô Văn Bằng khi ấy, vẫn quyết tâm đi theo con đường đã chọn. "Các cô giáo làm được, tôi cũng làm được", thầy Bằng chia sẻ.

Vào nghề từ năm 2006, gắn bó với Trường Mầm non Đồng Tâm đến nay đã được 18 năm. Trong khoảng thời gian đó, thầy Bằng đã được luân chuyển công tác tại 5 điểm trường thuộc Trường Mầm non Đồng Tâm. Thầy nói, khi thật tâm yêu nghề, mến trẻ thì không phân biệt giới tính; có thầy giáo dạy mầm non, các con ở trường sẽ vừa có cả người mẹ, người cha để mỗi phụ huynh  khi đưa con tới trường đều cảm thấy an tâm.

Thầy Ngô Văn Bằng đã có 18 năm dạy học ở Trường mầm non Đồng Tâm
Thầy Ngô Văn Bằng đã có 18 năm dạy học ở Trường Mầm non Đồng Tâm

Đi theo lựa chọn, thầy Bằng đã gặp không ít trở ngại. Nhớ năm đầu tiên vào nghề, thầy nhận công tác tại Ngàn Khe vô cùng khó khăn, gần như toàn là những con đường rừng nhỏ và dốc.

“Lúc ấy chưa có trường học gì đâu, chỉ là dựng bốn, năm cái cột lên rồi lập bờ rô xi măng thôi. Tôi còn nhớ năm 2016 có một hôm bão to lắm, bay hết cả tôn, cả mái đi xa. Rất may mắn là qua trận bão ấy không có học sinh nào bị thương hay bị làm sao cả. Thực sự nói thật lúc ấy cũng thấy lo và sợ lắm”, thầy Bằng kể lại về kỷ niệm đáng nhớ của mình.

Công việc của một giáo viên mầm non khá vất vả, mỗi ngày thường bắt đầu từ 6 giờ 30 sáng và kết thúc vào lúc 5h chiều. Ngoài việc giảng dạy, bản thân thầy và nhiều đồng nghiệp phải làm đủ việc không tên. Song với niềm đam mê, yêu nghề và mến trẻ, thầy vẫn tiếp tục bám trụ lại với nghề cho đến tận hôm nay.

Quan sát hình ảnh thầy Bằng vừa trò chuyện với chúng tôi, vừa luôn chân, luôn tay với đủ việc, từ cử chỉ ân cần, âu yếm khi trẻ khóc, tự tay làm đồ chơi, hướng dẫn trẻ tập thể dục, vệ sinh, đến cả lúc dỗ các bé ăn và giấc ngủ… mới thấy công việc của các mẹ hiền bận rộn thế nào, mới cảm nhận được nếu không có tình yêu thương, tấm lòng thì khó có thể làm tròn vai trò của người giáo viên mầm non.

Nhắc về đồng nghiệp của mình, cô giáo Tô Thị Hoàng, điểm trường Nà Áng, (Trường Mầm non Đồng Tâm) chia sẻ: “Thầy Bằng là người hòa đồng, đoàn kết, sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp.Thầy rất tâm huyết với nghề, mến trẻ, luôn chia sẻ khó khăn, động viên giáo viên trong trường. Dạy trẻ mầm non đối với giáo viên nữ đã vất vả rồi, nhưng là giáo viên nam còn khó khăn hơn. Giáo viên trong trường còn phải học hỏi thầy nhiều đấy”.

Thầy Bằng thường đi đến từng hộ dân để vận động trẻ ra lớp
Thầy Bằng thường đi đến từng hộ dân để vận động trẻ ra lớp

Năm học 2024 -2025 này, thầy giáo Ngô Văn Bằng lại nhận công tác tại điểm trường Ngàn Vàng, điểm trường chủ yếu học sinh là người Sán Chỉ. Thầy Bằng cho hay, ở điểm trường này giao thông đi lại, cơ sở vật chất cũng đảm bảo, khang trang hơn một số điểm trường khác, hiện nay chỉ thiếu mạng Internet. Mong muốn của thầy cũng như các giáo viên, là ngành Giáo dục cũng như địa phương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện bổ sung hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường để chất lượng học và dạy ngày càng tốt hơn.

Đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp của thầy giáo Ngô Văn Bằng, cô Vy Thị Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Đồng Tâm cho biết: “Ngoài tận tụy, chịu khó nghiên cứu chuyên môn, trau dồi kiến thức, tích cực tham gia các cuộc thi giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện, thầy cũng là người rất năng nổ, nhiệt tình tham gia trong các hoạt động, phong trào của trường. Làm việc trong môi trường chủ yếu là các cô giáo nên hầu hết việc khó, việc nặng của nhà trường, rất may có thầy Bằng hỗ trợ".

Khi được hỏi về lựa chọn của thầy giáo mầm non "cắm bản", thầy Bằng cười hiền: Con trẻ đáng yêu lắm, những ánh mắt thơ ngây, những nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ và sự tin tưởng của các bậc phụ huynh chính là động lực để tôi gắn bó với trẻ em vùng cao.

Từ tấm gương của thầy Bằng, rồi đây cũng sẽ có những em nhỏ vùng cao mơ ước trở thành thầy giáo mầm non và tiếp tục gieo yêu thương trên những vùng đất còn nhiều gian khó.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.