Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Từ chuyện khó - Thời @ đánh thức tiềm năng các huyện miền Tây

PV - 18:01, 26/10/2021

Đoàn công tác chúng tôi vượt gần 200 km từ TP. Cao Bằng đến hai huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm. Chuyện “xa” - “gần” về cung đường trước đây được mệnh danh là khó, hiểm trở nhất tỉnh giờ đã thay đổi trong thời @ (cách mạng công nghiệp lần thứ tư).

Đoàn công tác của tỉnh khảo sát mốc 589 phát triển du lịch biên giới “Khe Hổ Nhảy”, xã Cô Ba (Bảo Lạc)
Đoàn công tác của tỉnh khảo sát mốc 589 phát triển du lịch biên giới “Khe Hổ Nhảy”, xã Cô Ba (Bảo Lạc)

Đến hai huyện miền Tây lần này, các đồng chí lãnh đạo tỉnh quan tâm tháo gỡ cái khó để khơi dậy “kho báu” văn hóa địa phương đặc sắc gắn với tiềm năng “kinh tế xanh”, đưa hai huyện bứt phá thành trung tâm kinh tế - xã hội (KT-XH) miền Tây, nối liền du lịch Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Cao Bằng - Hà Giang.

Tư duy ngược “khó xưa làm thế mạnh”

Đến nơi đây, nghe nói “khó là thế mạnh” rất khó thuyết phục, nhưng khi nào hết dịch Covid-19, bạn đến huyện vùng sâu, vùng xa biên giới Bảo Lạc, Bảo Lâm sẽ biết thế nào “khó là thế mạnh”. Khó nhất là hành trình trên cung đường quanh co vắt qua những dãy núi từ tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn đến Cao Bằng tới Bảo Lâm, Bảo Lạc rồi đến các xã càng khó hơn. Cũng vì sự hiểm trở, đường đi trùng điệp đồi núi, mà từ hơn nửa thế kỷ trước, nhắc đến các huyện miền Tây vẫn là nỗi ám ảnh nhiều thế hệ.

Đồng chí Nông Thị Loan, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bảo Lạc, thuộc thế hệ 7X, cho biết: Trước đây, tôi đi học đại học chờ cả tuần mới có một chuyến xe, từ Bảo Lạc đi cả ngày mới ra đến thị xã Cao Bằng để xuống Thái Nguyên. Cũng vì đường núi hiểm trở, xa xôi, nên nhiều thế hệ đồng bào dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ, Nùng… nơi đây chưa biết đến cái chữ, xe máy, ô tô… Học đại học trở về, tôi trở thành hạt nhân tiêu biểu tham gia vào công cuộc xóa mù chữ, phổ cập giáo dục cho huyện.

Đến năm 2000, huyện Bảo Lâm tách ra từ huyện Bảo Lạc, với chủ chương, chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước, Quốc lộ 34 được mở rộng nối liền từ Hà Giang sang Bảo Lâm - Bảo Lạc - Nguyên Bình - TP. Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn… Theo đó, từ các tỉnh đến Cao Bằng, rồi từ Thành phố đến các huyện miền Tây đã ngắn lại, khi bước vào công cuộc đổi mới. Vì thế cái “khó xưa đường xa” không còn là rào cản, mà trở thành thế mạnh với tư duy “ngược dòng” của đội ngũ cán bộ lãnh đạo nơi đây.

Khởi sự bước đầu cho tư duy ngược “khó xưa làm thế mạnh”, chúng tôi được nghe các đồng chí Công Văn Hưu, Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm; Nguyễn Văn Quang, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm chia sẻ: Khó khăn lớn nhất của huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm là xa trung tâm, đường giao thông đi lại khó khăn, địa hình cách trở.

Song chính những cung đường cheo leo trên núi cao đã tạo cho nơi đây vẻ đẹp hùng vĩ bất tận, mây núi điệp trùng. Đồng bào các dân tộc vẫn lưu giữ nét văn hóa địa phương đặc sắc từ họp chợ phiên, ẩm thực vùng cao, các lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc, nông nghiệp đặc hữu thuần địa phương… Mỗi cung đường từ huyện đến xã đều có cảnh đẹp như thác nước, đồi cỏ lau, đèo cua 14 tầng, rừng trúc, rừng hồi, bản làng nguyên sơ không gian kiến trúc người Lô Lô, Sán Chỉ, Dao, Mông, Nùng, Tày…

Với tư duy ngược “cởi khó bắt nhịp với chuyển động mới” - dựa trên cái khó để giữ nền tảng văn hóa địa phương gắn với xu thế phát triển du lịch và nông nghiệp, giai đoạn 2010 - 2020, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền hai huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm triển khai nhiều chương trình đột phá. Cùng với chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm gốc của mọi công việc, huyện huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng cơ sở, hướng dẫn, vận động bà con vay vốn phát triển kinh tế, học tập kỹ thuật chăn nuôi bò, trâu, lợn đen, trồng cỏ voi…; đồng thời, mở chợ bán trâu, bò thu hút thương lái đến giao thương.

Huyện Bảo Lạc tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc dân tộc Lô Lô gắn với phát triển du lịch. (Ảnh tư liệu)
Huyện Bảo Lạc tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc dân tộc Lô Lô gắn với phát triển du lịch. (Ảnh tư liệu)

Huy động nhân dân trồng cây hồi, quế, sở, trúc sào, dâu tằm, cây dược liệu, xây dựng thương hiệu “nếp Hương Xuân Trường” (Bảo Lạc), gạo Siên Păn (Yên Thổ, Bảo Lâm); tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Mông; Ngày hội chọi bò Bảo Lâm; Chợ tình Phong Lưu; Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô… xúc tiến tổ chức phố đi bộ Chợ đêm Bảo Lạc, Bảo Lâm… Vì vậy, các huyện miền Tây ngày càng được nhiều người biết đến với những điểm check in hấp dẫn.

Cái khó thời @ còn lưu giữ văn hóa địa phương đặc sắc không bó hẹp trong hẻo lánh, mà mở rộng không gian lan tỏa ra thế giới. Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Bảo Lạc Quan Hồng Tiềm trước đây có thời gian nghiên cứu văn hóa cổ người Lô Lô đen huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc cho biết: Những năm trước, từ nửa bán cầu, ngôi sao cầu thủ bóng bầu dục người Pháp Federic Michalak có tình yêu đặc biệt với đồng bào Lô Lô xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc).

Federic Michalak đến sống một tháng ở đây và làm bộ phim ngắn về những ngày đi cày, bừa, chặt tre, vầu be bờ ruộng, bắt lợn… làm mọi việc như người đàn ông Lô Lô để tận hưởng cuộc sống miền non cao. Bộ phim hoàn thành, được công chiếu trên truyền hình Pháp, đã quảng bá văn hóa cổ xưa của người Lô Lô đến với bạn bè thế giới, mở ra những tuor du lịch hấp dẫn.

Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc, những năm gần đây, hàng nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến với Bảo Lạc, Bảo Lâm khám phá, trải nghiệm văn hóa đặc sắc, cảnh đẹp, ẩm thực với nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc hữu… Khó ai có thể nghĩ rằng hai huyện miền Tây trước đây chỉ nghe tới đã sợ vì heo hút, xa xôi, lạc hậu, thì nay đang trở thành điểm đến hấp dẫn trải nghiệm văn hóa địa phương đặc sắc, check in những cảnh đẹp đầy ấn tượng khó phai.

Vượt “khó đúp” vươn xa sau dịch Covid-19

Hai huyện miền Tây vừa mới nổi trong việc thu hút khách du lịch đến khám phá, trải nghiệm thì đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp. Trong muôn vàn cái khó vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất, chúng tôi chứng kiến đội ngũ cán bộ lãnh đạo hai huyện nỗ lực tìm cơ hội mới để tiếp tục vươn xa sau dịch Covid-19.

Trước mắt, tinh thần quyết liệt chống dịch được đẩy lên cao nhất, với phương châm “ngoài siết chặt, trong kiểm soát”, đoàn công tác của tỉnh đến thăm các chốt giáp ranh Quốc lộ 34 Thái Học (Bảo Lâm) - Bắc Mê (Hà Giang), Quốc lộ 4C Lý Bôn (Bảo Lâm) - Mèo Vạc (Hà Giang); chốt biên giới 589 xã biên giới Cô Ba (Bảo Lạc)… lực lượng trực chốt 24/24 giờ, không để lọt đối tượng nghi là F0. Trong các bản làng, xóm, xã đến khu dân cư thị trấn, bà con thực hiện nghiêm thông điệp “5K” + vắc xin, chưa có ca F0.

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh chỉ đạo: Từ năm 2020 đến nay, hai huyện quyết tâm cùng tỉnh giữ vững vùng xanh, nên không phải phân tán nhân lực và hạn chế tài chính chống dịch. Đây là cơ hội tốt để hai huyện duy trì các thành tựu KT-XH và tiếp tục mở hướng bứt phá sau dịch Covid-19.

Bước bứt phá mới được Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm Mã Gia Hãnh và Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc Nguyễn Mạnh Hùng trình bày những kế hoạch, chiến lược tiếp tục gỡ khó. Duy trì phát triển kinh tế nông nghiệp giá trị kinh tế cao, sản phẩm đặc hữu gắn với du lịch địa phương đặc sắc. Trước hết, duy trì sản xuất nông nghiệp đặc hữu với cây, con truyền thống như: Chăn nuôi trâu, bò, lợn đen, các loại gạo ngon...

Vì thế, các sản phẩm gạo Khẩu Hom, gạo đen Siên Păn, gạo nếp Xuân Trường, thịt lợn chua, các loại thịt sấy (bò, trâu, lợn đen), thị chua, lạp sườn, măng khô, dược liệu, rượu ngô, tinh dầu Phjắc Chặc, cao xỏm đeng, tinh dầu sả… của bà con vẫn bán online cho khách quen. Diện tích trồng hồi, quế, trúc, dâu tằm, các loại cây dược liệu, cây ăn quả… tiếp tục được mở rộng, hiện nay đang vào vụ thu hoạch, thương lái đến nơi thu mua. Đàn gia súc, gia cầm phát triển, tăng trưởng; tập trung xây dựng các sản phẩm OCOP đặc hữu, tiến tới xây dựng đa dạng các sản phẩm du lịch đặc sắc từ nông nghiệp địa phương.

Phiên chợ bò Bảo Lâm thường xuyên được tổ chức tại chợ huyện
Phiên chợ bò Bảo Lâm thường xuyên được tổ chức tại chợ huyện

Để mở cơ hội đón khách dừng chân từ Hà Giang - Cao Bằng và các tỉnh khác đến, hai huyện đã quy hoạch phát triển thị trấn Pác Mjầu (Bảo Lâm), thị trấn Nà Chùa (Bảo Lạc), chợ đêm, phố đi bộ để bán hàng nông sản, dịch vụ. Trong quy hoạch mở rộng thị trấn Bảo Lâm, Bảo Lạc chú trọng khai thác, tạo dựng cảnh quan đẹp hai bên bờ sông Gâm, đường phố đi bộ, các loại hình dịch vụ, nâng cấp di tích văn hóa cổ… thu hút khách lưu trú.

Đặc biệt, huyện Bảo Lâm sẽ khai thác sản phẩm du lịch tiềm năng như du thuyền trên sông Gâm; mở tuor du lịch phượt check in trên dãy núi Phjêng Mường (Thạch Lâm) nối với huyện Yên Minh (Hà Giang); tham quan di tích cổ Bia Ngự Chế khắc trên núi; định hướng làng cổ dân tộc Mông, Dao, Sán Chỉ xây dựng du lịch cộng đồng homestay.

Tại huyện Bảo Lạc, ngoài lễ hội đặc sắc, chợ đêm, du lịch cộng đồng sẽ mở thêm du lịch mạo hiểm Khe Hổ Nhảy (mốc 589); điểm check in hoa lê, đồn Đồng Mu, xã Xuân Trường và dốc 14 tầng cua Khau Cốc Chà; du lịch mạo hiểm chinh phục núi Phja Dạ có độ cao 2.000 m so với mực nước biển sang Ba Bể (Bắc Kạn); du lịch trên cung đường mây và rừng trúc Phan Thanh - Pác Lũng - Huy Giáp…

Các quy hoạch được Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh và lãnh đạo các sở, ban, ngành trong đoàn công tác quan tâm, phân tích, định hướng cụ thể, khảo sát tận nơi và đánh giá sát thực. Nhất trí hướng phát triển KT-XH của hai huyện dựa vào thế mạnh địa phương khai thác văn hóa địa phương đặc sắc, phát triển sản xuất nông nghiệp với những cây, con lợi thế, đặc hữu gắn với phát triển du lịch, xây dựng nền kinh tế xanh bền vững. Các sở, ban, ngành huy động, tìm nguồn vốn đầu tư cho quy hoạch phát triển thị trấn và các tuyến đường chiến lược thúc đẩy phát triển KT-XH hai huyện giao thương, kết nối du lịch các tỉnh vùng đông Bắc từ Cao Bằng - Hà Giang - Tuyên Quang - Lạng Sơn.

Với hướng đi đúng của hai huyện miền Tây và sự quan tâm đầu tư của tỉnh, đến khi hết dịch Covid-19, huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc sẽ gần hơn nữa cụm từ “Check in vẻ đẹp bất tận Bảo Lâm, Bảo Lạc” trong xã hội kết nối @, thu hút du khách trong và ngoài nước đến check in, khám phá cảnh đẹp miền cổ tích non cao./.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.