Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Ước mơ và kỳ tích

PV - 10:02, 05/08/2020

Cách đây hơn một năm, chúng tôi được anh Ngô Quốc Cường, Bí thư Đảng ủy xã Y Tý đưa lên thôn Phan Cán Sử là thôn cao nhất xã Y Tý để giới thiệu mô hình trồng cây đương quy giúp người dân giảm nghèo. Lần ấy ai cũng hãi hùng vì đường lên thôn dốc, gập ghềnh và nguy hiểm, thôn cũng chỉ có những ngôi nhà đất đơn sơ. Vậy mà nay có dịp trở lại, Phan Cán Sử đã thay “áo mới” khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng.

Người dân Phan Cán Sử thu hoạch rau cải bắp
Người dân Phan Cán Sử thu hoạch rau cải bắp

Ước mơ đã thành hiện thực

Ấn tượng đầu tiên về sự đổi thay ở thôn khó khăn bậc nhất Y Tý là tuyến đường lên đã được đổ bê tông phẳng phiu, ô tô, xe máy đi lại êm thuận chứ không vất vả như trước. So với nhiều thôn khác, Phan Cán Sử không phải là thôn xa nhất Y Tý, nhưng nằm trên sườn núi chênh vênh gần “nóc nhà” Y Tý nên độ dốc lớn. Theo tiếng Quan hỏa, Phan Cán Sử (còn gọi là Phan Cân Sủ) nghĩa là làng ở gần rừng cây xanh tươi. Đường lên thôn nhìn như sợi dây thừng nhỏ vắt từ sườn núi này qua đỉnh núi kia. Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, chỉ sau một năm, tuyến đường bê tông hoàn thành, ước mơ của người dân bao năm đã thành hiện thực.

Nhớ lại chuyến đến thôn Phan Cán Sử cách đây một năm, khi đang trầy trật vượt qua con dốc trơn như đổ mỡ lên xóm người Mông, người Hà Nhì, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng đầy ám ảnh. Trên đường ngập ngụa bùn đất, mấy thanh niên người Mông hì hục dùng đòn tre khiêng chiếc võng nặng trĩu xuôi dốc xuống Y Tý. Trời rét tái tê mà gương mặt ai nấy đều đỏ bừng, áo ướt đẫm mồ hôi. Hỏi ra mới biết trong thôn có người mắc bệnh nặng, các thầy lang đều lắc đầu “bó tay”, nên gia đình họ phải khiêng người ốm xuống trạm y tế chữa bệnh. Ai cũng ao ước nếu có đường đẹp cho xe máy, ô tô đi được, thì người bị ốm đau, bệnh tật, phụ nữ sinh con sẽ dễ dàng xuống trạm y tế, đỡ nguy hiểm biết chừng nào.

Từ tuyến đường bê tông mới, thôn Phan Cán Sử như được tạo động lực để tiếp tục đổi thay. Đang bận rộn thu hoạch vườn rau bắp cải chuyển lên ô tô gửi về thành phố Lào Cai, anh Vàng A Mỷ, dân tộc Mông tươi cười: Những năm trước cứ sau tết Nguyên đán là ruộng bậc thang bỏ không cho cỏ mọc đợi đến mùa mưa có nước mới cày cấy lúa được. Mà có trồng được nhiều rau, ngô, lúa cũng chẳng ai dám lên thôn mua vì đường đi khó quá. Năm nay gia đình tôi phối hợp với mấy người anh em trồng hơn 3.000 cây bắp cải, bán được hơn 20 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn mới đầu tư hơn 30 triệu đồng mua thêm đàn dê về nuôi để tăng thêm thu nhập.

Kỳ tích của Phan Cán Sử

Nhìn vào bức tranh thôn Phan Cán Sử chỉ sau một năm mà ít người nghĩ lại có sự đổi thay diện mạo nhanh đến thế. Anh Vàng A Cấu, Bí thư Chi bộ thôn Phan Cán Sử cho biết: Thôn có 79 hộ dân thì năm 2019, 2020 có gần chục hộ đồng bào Mông, đồng bào Hà Nhì xây nhà mới, trong đó có 4 hộ xây nhà 2 tầng. Đây được coi là kỳ tích, cũng là một kỷ lục của thôn Phan Cán Sử từ trước đến nay. Tiêu biểu như các hộ: Vàng A Chu, Hầu A Hừ, Ly Seo Lúy, Có Dì Thó, Vàng A Ly, Vàng A Páo, Tráng Thò Giờ, Ly Seo Đúi… Đa số các hộ dân trong thôn đã có xe máy, ti vi, không còn thiếu gạo ăn như trước.

Chúng tôi đến thăm ngôi nhà mới xây khang trang nằm giữa thôn, phía trước là biển mây bồng bềnh và tràn ruộng bậc thang xanh mướt. Chủ nhân của ngôi nhà, anh Vàng A Páo tươi cười chia sẻ: Trước đây cuộc sống bà con khổ quá, chỉ ở trong ngôi nhà vách đất, nhiều nhà nhỏ như cái lều, lại mấy thế hệ ở chung nên chật chội lắm. Bây giờ có nhà mới xây kiên cố, rộng rãi rồi, mưa bão to mấy vẫn yên tâm ngủ, mùa đông không lo giá lạnh, cuộc sống vui vẻ hơn nhiều.

Vậy điều gì đã giúp thôn Phan Cán Sử đổi thay nhanh vậy? Anh Vàng A Chu, đảng viên người Mông ở đây cho biết: Trước đây nông sản bà con sản xuất ra nhưng không tiêu thụ được vì thôn nằm trên đỉnh núi, đường giao thông cách trở. Bây giờ đường đẹp rồi, mua bán gì cũng thuận lợi, bà con có thêm thu nhập. Một số hộ có vườn rộng, đồi nhiều, sức làm không hết cũng bán bớt đi để lấy tiền cải thiện cuộc sống.

Đến thôn Phan Cán Sử mùa này, chúng tôi dễ dàng nhận ra những nương đồi trồng cây hoàng sin cô đang lên xanh mướt. Trước đây, Phan Cán Sử chỉ thuần một loài cây là tống quá sủ mọc khắp núi rừng, chỉ để làm củi, không có giá trị kinh tế. Hai năm trở lại đây, nhận thấy loại cây được mệnh danh là “sâm đất” dễ trồng, có giá trị kinh tế, nên hầu hết các hộ dân đều trồng cây để bán củ. Hộ nào trồng nhiều cũng thu được trên 10 triệu đồng, hộ nào ít cũng 2 -3 triệu đồng. Tháng 11 tới đây khi củ hoàng sin cô đến thời điểm thu hoạch, nếu giá cả ổn định thì nhiều hộ dân ở Phan Cán Sử sẽ có thêm nguồn thu đáng kể.

Khu du lịch giữa biển mây

Cách đây hai năm, Phan Cán Sử vẫn là cái tên khá xa lạ với chính người dân ở Y Tý, chưa nói gì đến du khách ở xa. Phan Cán Sử giống như một “ốc đảo” heo hút trên vách đá dựng đứng, cả năm chẳng có người lạ đến, ngoài mấy thầy cô giáo cắm bản hay vài cán bộ xã nhiệt tình với bà con. Vậy nhưng, lần này đến Phan Cán Sử chúng tôi được khám phá nhiều điều thú vị.

Thật đặc biệt khi trung tâm xã Y Tý sương mù vẫn dày đặc thì lên đến Phan Cán Sử trời quang mây tạnh, nắng vàng rực rỡ. Theo chân mấy thanh niên bản, sau chặng đường vượt dốc, xuyên qua rừng cây tống quá sủ cổ thụ, chúng tôi đến một mỏm núi nhô ra vách đá. Từ đây, thật tuyệt vời khi có thể ngắm toàn cảnh trung tâm xã Y Tý ẩn hiện trong sương mây đẹp đến nao lòng. Kia là Đồn Biên phòng Y Tý, gần đó là chợ Y Tý, xa xa là thôn Choản Thèn, Lao Chải, Sín Chải… được bao quanh bởi rừng cây và quần thể ruộng bậc thang kỳ vĩ. Khung cảnh hùng vĩ, thơ mộng này chắc chắn sẽ làm say lòng bất cứ du khách nào khi đến nơi đây.

Quả thực, Phan Cán Sử giống như nàng công chúa “ngủ quên” trong rừng, ít người biết đến vẻ đẹp tuyệt vời của vùng đất trên cao này. Nhưng từ khi tuyến đường lên Phan Cán Sử được đổ bê tông, nhiều khách phượt đã lên đây ngắm cảnh, đi xuyên sang thôn Ngải Thầu Thượng “săn” mây. Giờ đây, Phan Cán Sử đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách. Thêm một tin vui nữa là mới đây UBND tỉnh công bố Đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị du lịch Y Tý, trong đó Phan Cán Sử nằm trong khu vực quy hoạch phát triển khu thể thao, du lịch nghỉ dưỡng. Tương lai, nơi đây sẽ trở thành khu du lịch giữa biển mây tuyệt đẹp.

Đến Phan Cán Sử mùa này, chúng tôi gặp đồng bào Mông, Hà Nhì nô nức rủ nhau đi rừng “hái lộc”. Thì ra những cây sơn tra cổ thụ mọc hoang dại trên núi đang vào mùa quả chín thơm nức. Phan Cán Sử là “vựa” sơn tra của Y Tý, mỗi năm bà con thu hoạch cả chục tấn bán đi khắp nơi. Quả sơn tra chín đỏ hồng như đôi má thiếu nữ vùng cao, thơm quyến rũ như mật ong rừng. Sau chặng đường leo núi mệt nhoài, tôi ăn thử một quả sơn tra chín đỏ trên cành. Cắn một miếng ban đầu thấy chua chua, chát chát, rồi lại cảm nhận được vị ngọt đọng mãi trong vòm họng, bao cảm giác mệt mỏi như tan biến hết. Đây đúng là loại dược liệu quý, đặc sản của núi rừng.

Lúc chúng tôi chia tay Phan Cán Sử xuống núi, Bí thư chi bộ Vàng A Cấu tâm sự: Tuy đổi thay rõ nét, nhưng Phan Cán Sử vẫn còn là thôn khó khăn của xã Y Tý với gần 40 hộ nghèo. Thời gian tới, chi bộ chỉ đạo phát huy vai trò tiên phong của các đảng viên, vận động nhân dân thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực trồng rau trái vụ, trồng cây dược liệu như xuyên khung, thảo quả, trồng cây ăn quả như đào, lê, mận, hướng tới phát triển du lịch để thoát nghèo bền vững. Mong rằng đoạn đường từ Phan Cán Sử nối sang thôn Ngải Thầu Thượng, xã A Lù sớm được bê tông hóa thì Phan Cán Sử sẽ càng thêm khởi sắc, ước mơ về một khu du lịch giữa biển mây sẽ sớm thành hiện thực.


Tin cùng chuyên mục
Trăn trở về một miền di sản: Gặp những người “níu giữ” di sản (Bài 2)

Trăn trở về một miền di sản: Gặp những người “níu giữ” di sản (Bài 2)

Trăn trở, đau đáu với những giá trị, bản sắc văn hoá của dân tộc trước nguy cơ mai một, biến mất… những người có trách nhiệm đã đánh cược với thời gian, chỉ để níu giữ di sản cho hậu thế.