Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Báu vật sống của làng Pyang

THÙY DUNG -LÊ HƯỜNG - 09:52, 30/09/2019

Không chỉ nổi tiếng vùng Đông Trường Sơn về am hiểu văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Ba Na, Nghệ nhân Ưu tú Đinh Keo, làng Pyang, thị trấn Kông Chro, tỉnh Gia Lai còn là người dìu dắt dân làng Pyang giữ gìn các nét đẹp văn hóa của làng. Vừa qua, ông là 1 trong 8 cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian.

Niềm đam mê sâu sắc với cồng chiêng truyền thống, nghệ nhân Đinh Keo đã dìu dắt hàng trăm thế hệ đến với cồng chiêng.
Niềm đam mê sâu sắc với cồng chiêng truyền thống, nghệ nhân Đinh Keo đã dìu dắt hàng trăm thế hệ đến với cồng chiêng.

Người giữ hồn văn hóa đại ngàn

Chúng tôi đến làng Pyang khi mặt trời đã khuất dần sau đỉnh núi, làn khói lam chiều tỏa trên nóc bếp nhà dân. Rót chén trà nóng đãi khách, nghệ nhân Đinh Keo hào hứng kể chuyện cồng chiêng, cái duyên một người con Tây Nguyên ít chữ mê đắm bảo tồn giá trị truyền thống.

Ngày thơ ấu ông theo chân cha mẹ tham gia các lễ hội văn hóa ở làng, những ngày này, mọi người trong làng ai cũng gác công việc nhà để hòa mình vào không khí rộn ràng của tiếng chiêng, điệu nhạc dân tộc và điệu múa xoang quanh đống lửa rực đỏ. Âm điệu rất riêng của tiếng chiêng nhập vào người ông lúc nào không hay biết, ông bắt đầu tìm tòi, theo các già làng, những người đánh chiêng hay để học. 16 tuổi ông đã thành thạo các bài chiêng truyền thống.

Đưa tay chỉ vào bộ chiêng cổ đã vương màu bụi, được treo gọn gàng trên vách nhà sàn, Nghệ nhân Đinh Keo chia sẻ, ông sưu tầm được khoảng 10 bộ chiêng. Sau này đem tặng cho người thân mấy bộ, đến bây giờ ông còn giữ được 2 bộ cồng chiêng.

Đặc biệt, người ta biết đến nghệ nhân Đinh Keo không chỉ bởi tài đánh chiêng hay của làng, người ta còn gọi ông là “thần chiêng”, bởi ông là một trong số ít những người vừa có tài đánh chiêng và chỉnh chiêng. Ở Kông Chro, nếu nhà ai có chiêng hư, họ sẽ mang đến nhà ông Keo để chỉnh lại. Đối với người đồng bào DTTS, để tìm được một người vừa biết đánh chiêng, vừa biết chỉnh chiêng trong cộng đồng làng thì rất hiếm.

Người dân làng Pyang biết đánh chiêng, nhưng không phải ai cũng biết chỉnh chiêng, mỗi khi chiêng hư người ta lại đi tìm người chỉnh rất vất vả. Vì vậy, năm 1976, ông khăn gói đi về xã Mrơn của huyện Ia Pa học chỉnh chiêng.

“Thời đó tuy cực khổ, nhưng với niềm đam mê của mình đồng thời nghĩ thương bà con phải đi xa cực khổ, nên tôi quyết tâm đi. Sau nhiều ngày tầm sư học đạo, tôi bắt đầu mua dụng cụ về chỉnh chiêng và từ đây, bà con trong làng đều tìm đến nhà tôi khi chiêng có vấn đề”, nghệ nhân Đinh Keo kể.

Đối với người dân làng Pyang, nghệ nhân Đinh Keo còn là sứ giả “văn hóa” được Yàng cử xuống buôn làng. Ông không chỉ giỏi đánh, chỉnh chiêng, ông còn giỏi tạc tượng gỗ, hát sử thi của người Ba Na. Từng có thời gian giữ các chức vụ tại huyện Kông Chro, sau này khi về hưu ông được người dân tín nhiệm bầu làm già làng. Để tuyên truyền cho người dân hiểu các chủ trương, chính sách một cách tường tận, ông đã chuyển thể các chủ trương, chính sách qua hình thức kể chuyện, tâm tình với dân làng, để người dân dễ hiểu, dễ nhớ. Nhờ vậy, mà đời sống người dân làng Pyang ngày càng khởi sắc hơn.

Các nghệ nhân Tây Nguyên trình diễn cồng chiêng.
Các nghệ nhân Tây Nguyên trình diễn cồng chiêng.

Tình yêu và khát khao lưu truyền

Ở Tây Nguyên, nhiều làng quan niệm rằng, đánh chiêng là chuyện của đàn ông, nhưng tại làng Pyang, để bảo tồn và nhân rộng nét văn hóa đặc sắc này, người dân nơi đây còn dạy đánh chiêng cho cả những người con gái, phụ nữ trong làng.

Ngày trước, chỉ có mình ông dạy cồng chiêng cho lớp trẻ. Sau này, khi chúng thành thạo cả rồi thì chúng lại phụ ông dạy cho các lớp sau. Hiện tại, tại làng Pyang hiện có 1 đội chiêng nhí, gồm 30 cháu từ độ tuổi 8-15 tuổi. 1 đội chiêng nữ, gồm 40 người dưới 30 tuổi và 1 đội chiêng nam gồm 30 người, tuổi nào cũng có. Hầu hết, thanh niên, đàn ông của làng Pyang đều biết đánh chiêng.

Hiện nay, cứ tầm 7h tối, đội chiêng nữ của làng lại tập trung về nhà rông để tập đánh chiêng. Ông còn dạy các lớp chiêng cho làng TNung của xã Ya Ma (huyện Kông Chro) và phối hợp với Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Kông Chro dạy chiêng cho các em học sinh nơi đây.

Ngoài truyền dạy cho học trò của mình đánh chiêng, ông còn dạy thêm múa xoang, tạc tượng gỗ, hát sử thi và hát dân ca, đan lát,... Tính đến nay, ông đã dạy được cho khoảng hơn 300 người trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của đồng bào DTTS. Nhờ sự tận tình dạy dỗ của mình, các lớp học trò làng của ông đã được mời tham gia rất nhiều hoạt động, các hội thi văn hóa các dân tộc do huyện, tỉnh tổ chức như đánh chiêng, tạc tượng,…

“Thấy dân làng ham học đánh chiêng, tôi vui lắm. Vì như vậy chiêng sẽ được bảo tồn và lưu giữ trong cộng đồng làng, không còn sợ mai một như các làng khác. Được người dân làng tin tưởng, tôi sẽ cố gắng truyền dạy cho nhiều thế hệ trẻ của làng Pyang để phát huy văn hóa truyền thống của người Ba Na. Tôi sẽ cố gắng đến khi nào không còn nhấc nổi cái chiêng nữa. Vì khi những giai điệu cồng chiêng được người dân lưu giữ trong cộng đồng làng, tức là người ta đã giữ được cái hồn, cái văn hóa của dân tộc mình”, nghệ nhân Đinh Keo chia sẻ.

Ông Huỳnh Ngọc Ẩn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết: Nghệ nhân Đinh Keo đã có rất nhiều đóng góp cho nền văn hóa của làng Pyang nói riêng và của huyện Kông Chro nói chung. Ông cũng là một người hiếm có của huyện khi có cả tài đánh chiêng và chỉnh chiêng. Nhiều năm qua, với tài năng của mình, ông thường xuyên được mời đi tham gia, giao lưu, truyền dạy văn hóa cồng chiêng cho các thế hệ trẻ tại địa phương.