Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Cây nêu đón Tết của dân tộc Mường

Tấn Vịnh - 15:31, 21/01/2020

Khi hoa đào điểm tô sắc hồng, hoa mơ phủ màu trắng tinh khôi lên nền xanh cây lá là dấu hiệu của mùa Xuân mới đang về. Thời điểm này, mùa màng đã thu hoạch xong, đất được nghỉ ngơi chờ mùa gieo hạt mới, người Mường đang náo nức chuẩn bị Lễ lên nêu (trồng cây nêu) để đón Tết.

Đồng bào dân tộc Mường huyện Cao Phong (Hòa Bình) vui lễ hội Khai mùa Mường Thàng
Đồng bào dân tộc Mường huyệnCao Phong (Hòa Bình) vui lễ hội Khai mùa Mường Thàng

Truyền thống từ xa xưa để lại, đúng vào ngày 28 tháng Chạp hằng năm, nhà nhà trong bản Mường đều trồng cây nêu ở nơi trang trọng nhất trước ngôi nhà của mình. Đây là một phong tục lâu đời, mang đậm những giá trị văn hóa độc đáo, chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, gắn bó bền chặt với đời sống tín ngưỡng dân gian của người Mường.

Cây nêu là cây có họ hàng với loài tre, phải có thân thật thẳng, các lóng thật dài, tán ngọn phải tròn, bầu đất lúc đào lên phải còn nguyên vẹn thì khi trồng mới được tươi lâu. Cây nêu thẳng, cao 8m, ngọn còn nguyên vẹn lá được tỉa chọn hình cái lộng. Gốc còn nguyên bầu đất, chỉ thân cây là được tỉa sạch các cành. Khi cây nêu được đặt ngay ngắn trên giá. Thầy cúng đứng bên mâm lễ vật đọc lời khấn: “Cây nêu năm nay là cây nêu đẹp nhất, báo hiệu một năm có nhiều niềm vui, nhiều điều tốt. Lũ trai làng đã khôn đã lớn, con mắt tinh như chim ưng, chim cắt, đôi tay, đôi chân khỏe hơn cả voi rừng, chúng mày đã biết tìm, biết chọn cây nêu làm đẹp mường, đẹp bản”. 

Truyền thuyết của người Mường kể rằng: Ngày xửa, ngày xưa, cái ngày trời đất chưa có tên có tuổi, thời gian chưa có tháng có ngày, vũ trụ quay cuồng hỗn loạn rồi mẹ đất xuất hiện, đất rộng lớn mênh mông nhưng toàn thân tối tăm lạnh lẽo. Cho đến lúc cha trời xuất hiện, những tia nắng ấm áp của cha trời làm ấm nồng trái tim mẹ đất. Thế rồi vũ điệu trời đất giao hòa sinh sôi vạn vật bắt đầu. 

Trong khi sinh nở, mẹ đất đã phải co mình vượt cạn nên mặt đất ngày nay chỗ cao nhất thành núi, chỗ thấp hơn thành đồi, thành gò, nơi bằng phẳng là đồng bằng xuôi ra biển. Lúc đó mồ hôi và nước mắt của mẹ đất ồ ạt chảy thành sông, thành suối và đổ về nơi trũng. Cho nên biển hôm nay vẫn tháng ngày mặn mòi tình mẹ mà lên xuống nổi chìm thủy chung vây quanh lấy đất. 

Cũng từ buổi bình minh ấy của loài người, tổ tiên người Mường đã biết tựa vào thiên nhiên sống hòa hợp cùng thiên nhiên để tìm đất, tìm nước cấy trồng, gieo hạt, làm nên cái ăn, cái mặc. Biết tìm lửa làm cái bếp, tìm cái cột để dựng nhà, tìm rượu để vui buồn có bạn, tìm lời hay kết thành câu hát cho nên lứa nên đôi, nên mường nên bản. 

 Tiếng chiêng Mường vang lên tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Tiếng chiêng Mường vang lên tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Hay tin người Mường biết đoàn kết yêu thương, siêng năng chịu khó, biết yêu quý từ cành cây ngọn cỏ, con thú con chim nên lũ cây rừng rủ nhau về ở chen nhau kín núi kín đồi, lũ thú lũ chim cũng theo về ở đầy rừng đầy suối. Ghen tức con người, bọn quỷ bọn ma đã lén về phá hoại mùa màng, gây lũ lụt hạn hán liên miên khiến cái ác, cái khổ chất chồng cao hơn núi. 

Thương bản Mường chịu nhiều khổ cực, mệ vua – Woàng bà xuất hiện, tập hợp dân bản tìm cách đánh đuổi lũ quỷ lũ ma ác độc. Được mệ vua (Phật của người Mường) tiếp sức, đội quân tiến đến đâu tiếng cồng, tiếng chiêng dậy vang trời đất, lũ ma quỷ chạy trốn không dám quay đầu nhìn lại. Theo phép của mệ vua, dân Mường cắm cây nêu đánh dấu lãnh thổ để giữ đất, giữ Mường. Trên mỗi ngọn cây nêu đều treo áo của Phật bà, bóng chiếc áo tỏa đến đâu là đất của Phật dành cho loài người sinh sống. Từ đó, hằng năm cứ vào ngày 28 tháng Chạp người Mường lại làm Lễ lên nêu để ghi nhớ công ơn của mệ vua, xua đi cái xấu của năm cũ và đón cái tốt lành trong năm mới.

Khi xưa, dân bản phải tập trung lên nêu ở nhà Lang trước rồi mới được lên nêu ở nhà mình. Ngày nay bản Mường lên nêu tại Nhà Văn hóa để người già, trẻ nhỏ, con trai, con gái cùng vui. Già làng đứng bên gốc cây nêu cất cao giọng: “Hãy vít cần rượu thật cong/Hãy để tiếng cồng tiếng chiêng dậy vang sông núi/Mời bầu bạn bốn phương về đây dự hội /Cùng hát cùng say nghĩa nước tình Mường”. Khi già làng dứt lời, điệu múa pôôn pôông hòa cùng cồng chiêng trong nồng say đêm hội.