Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Đem tri thức đến vùng đất khó Hồng Ngài

Trọng bảo - 10:30, 01/07/2020

Hồng Ngài vẫn được biết tới là thôn xa nhất, khó khăn nhất của xã vùng cao Y Tý, huyện Bát Xát (Lào Cai). Ở nơi xa xôi ấy, đội ngũ các thầy cô giáo vẫn đang ngày đêm miệt mài đem tri thức đến với con em đồng bào các dân tộc.

Cô giáo Phạm Thị Cúc với những em học sinh thân yêu
Cô giáo Phạm Thị Cúc với những em học sinh thân yêu

Cách trung tâm xã Y Tý khoảng 15km, nhưng cũng phải mất gần 2 tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến được Hồng Ngài. Dọc đường đá hộc lởm chởm, dấu vết những trận lũ in rõ trên cung đường này khi vài cây số lại gặp một đoạn bị đứt gãy, nước xối ra thành dòng thác nhỏ.

Điểm Trường Tiểu học và Mầm non Hồng Ngài nằm chênh vênh trên mỏm đồi, ven con đường nối từ trung tâm thôn đến cột mốc 85 - cột mốc xa nhất trên tuyến biên giới Bát Xát và có lẽ cũng là một trong những cột mốc nằm ở nơi có địa hình hiểm trở khó tiếp cận nhất trên tuyến biến giới Lào Cai. Điểm trường gồm một dãy nhà cấp 4 là lớp học mầm non và một dãy nhà bằng vật liệu lắp ghép là lớp tiểu học.

Thời tiết ở Hồng Ngài khắc nghiệt, đang trời quang mây tạnh, phút chốc có thể ào xuống ngay cơn mưa rào. Cô giáo Hà Thị Thu Hiền, giáo viên Trường Mầm non Y Tý mới tăng cường vào Hồng Ngài, cho biết: Mùa Hè còn đỡ, mùa Đông thì sương mù, băng giá, trường học lúc nào cũng chìm trong sương. Người mới lên, khách du lịch thì thấy thơ mộng, chứ các thầy cô ở đây thì khổ sở vì ảnh hưởng đến cả công việc và sinh hoạt hằng ngày.

“Mùa Đông nằm ngủ chúng em phải che áo mưa trên màn để phòng sương lạnh tràn vào ướt hết chăn màn. Có lần đọc chính tả cho học sinh, có một em ngồi mãi không thấy viết được chữ nào, đọc đến lần thứ 3 vẫn không viết, thấy lạ em đến gần mới biết tay em đã tê cóng vì lạnh không thể nào viết được. Thương các em lắm nhưng cũng chẳng biết làm thế nào, mỗi thầy cô giáo chúng em chỉ biết tự động viên nhau cố gắng dạy các em thật tốt để sau này các em lớn lên có tri thức, cuộc sống sẽ đỡ vất vả hơn”, cô Hiền tâm sự.

Cùng với cô Hiền là cô Phạm Thị Cúc, nhà ở huyện Văn Bàn (Lào Cai). Con nhỏ gửi ở quê, cô Cúc một mình lên công tác nơi vùng biên xa xôi này. Cô Cúc bảo, mỗi chuyến về nhà thăm chồng con thực sự là cả mấy chặng đường gian nan. Cũng có lúc nản, nhưng khi lên lớp, nhìn ánh mắt trong veo của học sinh cô lại có thêm động lực để công hiến với mong muốn góp sức mình cho sự đổi thay ở mảnh đất biên giới nghèo khó này. “Khó khăn nhất khi đứng lớp là học sinh còn nhỏ, nhiều em chưa nói được tiếng phổ thông, nên giáo viên vừa là người trông trẻ, vừa dạy tiếng phổ thông rồi vừa dạy từng kỹ năng sống cho các em…”, cô Cúc chia sẻ.

Đường tới trường của các em học sinh ở Hồng Ngài
Đường tới trường của các em học sinh ở Hồng Ngài

Chúng tôi gặp thầy giáo Vàng A Má, một người con sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất Hồng Ngài khắc nghiệt này. Thầy Má cho biết cách đây hơn 20 năm, cũng ở nền lớp học này, bập bẹ học những con chữ đầu tiên. Học hết lớp 3, thầy Má ra trung tâm xã học tiếp, mang theo bao nỗi lo của gia đình…..

Rồi cứ thế vượt qua bao khó khăn, thầy Má tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm và được phân công về dạy học ngay chính trên quê hương mình. Tự hào hơn, khi hôm nay thầy giáo trẻ người Mông này lại chính là người đứng trên bục giảng gieo con chữ cho con em đồng bào mình. Thầy Má bảo, học sinh toàn con em mình nên vừa làm nhiệm vụ thầy giáo vừa kiêm cả người anh, người chú để dạy bảo các em.

Qua năm tháng, những mầm xanh được ươm ngày nào nay đã vươn lên, thầy Má, cô Hiền và cô Cúc tự hào kể tên nhiều em học sinh giỏi từng học ở Hồng Ngài đã thi đỗ vào các trường chuyên nghiệp, với một tương lai rộng mở phía trước, như em Vàng Thị Cúc đã tốt nghiệp Đại học Luật, em Vàng Thị Lan đang học Sư phạm Ngữ Văn, em Vàng A Tếnh đang là sinh viên ngành Lâm nghiệp...

“Niềm vui lớn nhất của chúng em là giờ đây, mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng các gia đình đã hiểu tầm quan trọng của con chữ nên đều cho con tới lớp, tới trường với mong muốn mai này con em mình sẽ có một tương lai tươi sáng hơn”, cô Hiền chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục
Viết từ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc: Ấm no trên những bản làng vùng cao (Bài cuối)

Viết từ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc: Ấm no trên những bản làng vùng cao (Bài cuối)

Trải qua những năm tháng khó khăn, bất ổn, được sự quan tâm chăm lo đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước; tinh thần trách nhiệm của các cấp, lực lượng chức năng... diện mạo cơ sở hạ tầng, đời sống của đồng bào DTTS ở những bản làng vùng biên giới nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc hôm nay đã và đang ngày càng khởi sắc.