Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đẩy mạnh tuyên truyền vận động Công tác dân tộc, chính sách dân tộc

Đổi thay ở những thôn, làng người Xơ Đăng dưới chân núi Ngọc Linh

Ngọc Chí - 03:12, 17/11/2023

Ẩn hiện dưới những tầng mây trùng điệp giữa vùng núi Ngọc Linh hùng vĩ là những ngôi làng của người Xơ Đăng với mái nhà rông cao vút, xen kẽ đó là những ngôi nhà xây kiên cố, trẻ em ríu rít đến trường trên những con đường bê tông sạch đẹp,....cho thấy sự đổi thay trong đời sống của người Xơ Đăng ở huyện nghèo Tu Mơ Rông (Kon Tum). Điều đó khẳng định những chính sách của Đảng, Nhà nước và sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với đồng bào DTTS đã phát huy hiệu quả.


Diện mạo mới ở các thôn, làng người Xơ Đăng huyện Tu Mơ Rông
Diện mạo mới ở các thôn, làng người Xơ Đăng huyện Tu Mơ Rông

Triển khai đồng bộ các chính sách dân tộc

Huyện Tu Mơ Rông có 11 xã thì đều thuộc xã khu vực III, với tổng số 86 thôn, làng. Dân số toàn huyện hơn 29.000 người; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 96%, chủ yếu là dân tộc Xơ Đăng. Trong những năm qua, cả hệ thống chính trị huyện đã quan tâm triển khai thực hiện kịp thời nhiều chương trình, chính sách dành cho đồng bào DTTS. Đặc biệt, từ khi có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ 2021 – 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (gọi tắt là các Chương trình MTQG), huyện Tu Mơ Rông đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền triển khai thực hiện với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, đúng, đủ, kịp thời để người dân được thụ hưởng.

Anh A Lê (ngồi giữa) ở thôn Kon Hia 3, xã Đăk Rơ Ông phấn khởi khi được hỗ trợ xây dựng căn nhà khang trang
Anh A Lê (ngồi giữa) ở thôn Kon Hia 3, xã Đăk Rơ Ông phấn khởi khi được hỗ trợ xây dựng căn nhà khang trang

Trong ngôi nhà mới xây được hỗ trợ theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ 2021 – 2025, anh A Lê ở thôn Kon Hia 3, xã Đăk Rơ Ông chia sẻ: Lập gia đình từ năm 2018, năm 2019 tách hộ thì gia đình ở trong căn nhà tranh, vách nứa tạm bợ. Vừa rồi xã hỗ trợ 40 triệu, gia đình vay 40 triệu từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, vay mượn bà con thêm 40 triệu nữa thì xây dựng căn nhà hơn 60m2. Có nhà ở ổn định giờ gia đình giờ chỉ lo việc phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập và sớm thoát nghèo.

Huyện Tu Mơ Rông đã gắn việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG với Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”. Qua đó, đã góp phần thay đổi nhận thức của đồng bào DTTS, thay đổi từ tư duy trông chờ, ỷ lại sang chủ động, tự tin lao động sản xuất và vươn lên. Nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã mạnh dạn vay vốn làm nhà, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.

Anh A Linh (bên phải) ở thôn Pu Tá, xã Măng Ri giới thiệu vườn sâm Ngọc Linh của gia đình
Anh A Linh (bên phải) ở thôn Pu Tá, xã Măng Ri giới thiệu vườn sâm Ngọc Linh của gia đình

Từ một hộ nghèo, giờ đây gia đình anh A Linh ở thôn Pu Tá, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông đã vươn lên trở thành hộ khá. A Linh chia sẻ: Có được cuộc sống như ngày hôm nay là nhờ chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nên gia đình đã nhận thức được giá trị của cây sâm Ngọc Linh. Năm 2018, gia đình bán 2 con trâu mua giống về trồng, năm 2020 vay thêm 100 triệu của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện về mua thêm cây giống. Hiện gia đình đã trồng được gần 5.000 gốc sâm Ngọc Linh có độ tuổi từ 4 đến 10 năm.

Cùng với đó, huyện Tu Mơ Rông luôn chú trọng phát huy vai trò của các già làng, trưởng thôn, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trong công tác tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm và chung ta xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, huyện còn kêu gọi thu hút các nguồn lực đầu tư của toàn xã hội để hỗ trợ cho đồng bào DTTS có điều kiện cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thôn, làng đổi mới

Với sự quan tâm của chính quyền địa phương, thông qua việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG, kết cấu hạ tầng ở các xã trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đã cải thiện rõ rệt, bước đầu đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống của đồng bào DTTS. Đến nay, 100% xã có đường giao thông đi được 2 mùa, nhiều khu sản xuất tập trung được đầu tư xây dựng, đường giao thông thuận tiện; nhiều mô hình, Tổ hợp tác, Hợp tác xã sản xuất về dược liệu được hình thành; 100% thôn, làng có điện lưới quốc gian và 99,3% hộ gia đình được sử dụng điện; trên 80% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Kinh tế phát triển, đồng bào Xơ Đăng quan tâm nhiều hơn đến công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc
Kinh tế phát triển, đồng bào Xơ Đăng quan tâm nhiều hơn đến công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc

Chị Y Ka Ly ở thôn Đăk Xia, xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông cho biết: Trước đây, xã Ngọc Lây còn khó khăn lắm, muốn đi ra huyện thì đi mất gần cả ngày do đường chưa được đầu tư. Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư thì giờ không chỉ đường ra huyện mà đường liên xã đi qua 09 thôn, làng đã được bê tông hóa sạch đẹp, buổi tối thì có điện chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời; xã cũng được đầu tư khu thể thao, gồm: sân bóng đá, bóng chuyền, nhà văn hóa. Thu nhập bà con cũng đỡ hơn, đời sống tinh thần cũng đầy đủ. Nói chung bà con trong xã phấn khởi lắm.

Việc triển khai thực hiện kịp thời các Chương trình MTQG, các chính sách dân tộc trong thời gian qua đã làm thay đổi rõ nét trong đời sống của đồng bào Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông. Cụ thể, năm 2022, toàn huyện Tu Mơ Rông có 742 hộ thoát nghèo, tỷ lệ giảm 11,05%; 228 hộ thoát cận nghèo, tỷ lệ giảm 1,88%. Hiện tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn hơn 41%.

Ông A Duân (bên phải), già làng thôn Pu Tá, xã Măng Ri tuyên truyền, vận động bà con phát triển sản xuất
Ông A Duân (bên phải), già làng thôn Pu Tá, xã Măng Ri tuyên truyền, vận động bà con phát triển sản xuất

Ông A Duân, già làng thôn Pu Tá, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông chia sẻ: Những chính sách của Đảng, Nhà nước đầu tư cho vùng đồng bào DTTS đã giúp cho đời sống bà con chúng tôi đổi thay. Như trong xã Măng Ri giờ đây điện, đường, trường, trạm có đầy đủ hết, các cháu học hành đến nơi đến chốn. Người dân thì được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cây sâm Ngọc Linh đã giúp cho nhiều hộ đồng bào Xơ Đăng có cuộc sống ấm no
Cây sâm Ngọc Linh đã giúp cho nhiều hộ đồng bào Xơ Đăng có cuộc sống ấm no

Ông Phạm Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Để công tác giảm nghèo diễn ra thuận lợi và đạt hiệu quả, huyện Tu Mơ Rông tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện thấy rõ những kết quả của huyện đạt được trong thời gian qua, và nhận thức đúng đắn các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS, tạo sự thống nhất về nhận thức tư tưởng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước; phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc. Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc thông qua việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG gắn với Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Với tinh thần vượt khó, chủ động, sáng tạo, Đảng bộ và Nhân dân huyện Tu Mơ Rông sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả nguồn lực đầu tư từ các Chương trình MTQG, đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng huyện Tu Mơ Rông sớm thoát nghèo, ổn định và phát triển.

Tin cùng chuyên mục
Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Ngày 28/12, tại Tp. Kon Tum (Kon Tum), Ủy Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”. Ông Đào Xuân Quy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy Ban Dân tộc) và ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên.