Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Gia Lai: Sản phẩm OCOP đang hòa vào "biển lớn"

Ngọc Thu - 11:30, 29/05/2022

Nhằm tăng cường kết nối cung cầu, phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng, ngoài chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, tỉnh Gia Lai còn tổ chức nhiều hoạt động quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường.

Gian hàng ẩm thực Jrai Food giới thiệu với du khách ẩm thực, mỹ nghệ của con người Gia Rai trên mảnh đất Gia Lai
Gian hàng ẩm thực Jrai Food giới thiệu đến du khách về ẩm thực và các sản phẩm mỹ nghệ của dân tộc

Mở rộng thị trường

Mới đây, tỉnh Gia Lai đã tổ chức Hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên - Gia Lai và giao thương doanh nghiệp Nhật Bản năm 2022. Đây được xem là sự kiện quan trọng, mở ra nhiều cơ hội cho sản phẩm OCOP.

Tham gia Hội chợ có 250 gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, là những sản phẩm tiêu biểu đặc trưng của tỉnh Gia Lai và một số tỉnh, thành trong cả nước; cùng các gian hàng của doanh nghiệp Nhật Bản, doanh nghiệp của một số quốc gia khác sản xuất tại Việt Nam. Các sản phẩm OCOP tham gia Hội chợ đa dạng, phong phú, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của Nhân dân địa phương.

Đã nhiều lần tham dự hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP, chị Trần Thị Hiền (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) vẫn rất kỳ vọng khi đến tham dự hội chợ ở Gia Lai. Chị Hiền bày tỏ: Đến Gia Lai tham dự Hội chợ, không chỉ được tham quan, tìm hiểu các đặc sản từ các vùng miền, mà chúng tôi còn có cơ hội kết nối với các địa phương khác của cả nước để mở rộng thị trường. "Tôi thấy đây là cơ hội lớn để quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh Hà Tĩnh, như tinh bột nghệ và cao, rượu từ nhung hươu và cũng là hoạt động ý nghĩa để các sản phẩm OCOP có thể vươn xa hơn".

Các du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm, chụp hình tại các gian hàng triển lãm sản phẩm
Các du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm, chụp hình tại các gian hàng triển lãm sản phẩm

Đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên chính là cà phê. Mảnh đất bazan bạt ngàn núi đồi, nương rẫy đã kết tinh lại trong hạt cà phê say đắm lòng người. Bà Trần Thị Mỹ Tiên - Quản Lý nhãn hàng L'amant Café thông tin: "Thông qua các chương trình quảng bá các sản phẩm OCOP, các ngành chức năng đã đưa hàng chất lượng đến người tiêu dùng, để họ biết được các sản phẩm hữu cơ đang là xu hướng tiêu dùng thông minh. Tôi rất tự hào về vùng đất Gia Lai màu mỡ của mình đã cho những hạt cà phê chất lượng để được giới thiệu với du khách trong và ngoài tỉnh”.

Ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai, nhận định: Các Hội chợ triển lãm sản phẩm, sẽ góp phần hỗ trợ mối liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, phát triển bền vững các sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh tăng cường giao lưu học hỏi kinh nghiệm để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đồng thời, mở rộng quan hệ hợp tác, tạo cơ hội để các doanh nghiệp củng cố và khai thác thị trường nội địa và xuất khẩu.

Người Gia Rai chung tay xây dựng thương hiệu gạo A Sanh đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh
Người Gia Rai chung tay xây dựng thương hiệu gạo A Sanh đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh

Nâng tầm sản phẩm OCOP

Qua 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay toàn tỉnh Gia Lai đã có 214 sản phẩm đạt 3- 4 sao cấp tỉnh, trong đó có 25 sản phẩm đạt 4 sao và 189 sản phẩm đạt 3 sao. Năm 2022, các địa phương trong tỉnh Gia Lai đã đăng ký 111 sản phẩm OCOP, trong đó có 99 sản phẩm đăng ký mới và 12 sản phẩm đăng ký nâng hạng. Tổng kinh phí để hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP trong năm 2022 của tỉnh, là trên 22 tỷ đồng.

Anh Ksor Tư, làng Jút 1, xã Ia Der, huyện Ia Grai (Gia Lai) chia sẻ: Nhờ sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, đồng bào Gia Rai đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất lúa, xây dựng gạo A Sanh đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây cũng là tín hiệu vui, cơ hội lớn để thương hiệu gạo của người Gia Rai nơi đây vươn xa hơn. Đồng thời, là động lực giúp đồng bào Gia Rai định hướng được cách canh tác làm sao để sản phẩm của mình làm ra đáp ứng được thị trường khó tính hiện nay.

Cà phê được canh tác theo phương pháp hữu cơ tại huyện Chư Păh đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh
Cà phê canh tác theo phương pháp hữu cơ, tại huyện Chư Păh đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh

Theo ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, các sản phẩm OCOP của tỉnh khi tham gia giao thương hàng hóa, đã tăng 20% so với khi chưa tham gia chương trình. Đặc biệt, một số sản phẩm OCOP đang dần khẳng định được giá trị và hướng đến thị trường xuất khẩu ngoài nước.

“Để các sản phẩm OCOP tiếp tục phát triển bền vững, mang đặc trưng vùng miền Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, xúc tiến thương mại để sản phẩm đến gần với người tiêu dùng hơn. Đến nay, tỉnh đã xây dựng được 5 điểm bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh để quảng bá, phục vụ nội địa và khách du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai đã xây dựng website sàn giao dịch thương mại điện tử sản phẩm OCOP Gia Lai với tên miền http://ocopgialai.vn", ông An cho biết thêm.

Qua khảo sát đánh giá của các cơ quan quản lý chuyên ngành, chương trình mỗi xã một sản phẩm đã khai thác tối đa tiềm năng vùng miền, định hướng người dân vùng nông thôn hướng đến sản xuất sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, bền vững. Từ đó, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, đưa sản phẩm OCOP hòa vào "biển lớn" của thị trường; góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững tại vùng đồng bào DTTS, vùng nông thôn.

Tin cùng chuyên mục
Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Thời gian qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế mới như nuôi hưu lấy nhung, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò… Những mô hình này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.