Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Giữ Gìn văn hóa truyền thống ở Yên Bái: Đề cao yếu tố tự thân, nội tại

Thiên Đức - 14:42, 19/11/2019

Nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng trong việc giữ văn hóa truyền thống là việc làm của mình, cho mình và vì mình, thời gian qua, các Nghệ nhân Dân gian tỉnh Yên Bái đã và đang tích cực bằng nhiều hình thức, nhiều cách làm để bảo tồn văn hóa truyền thống.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy trao Bằng vinh danh Nghệ nhân ưu tú của Chủ tịch nước cho bà Triệu Thị Nhậy (xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên).
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy trao Bằng vinh danh Nghệ nhân ưu tú của Chủ tịch nước cho bà Triệu Thị Nhậy (xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên).

Những lớp học miễn phí

Nghệ nhân Lò Văn Biến, bản Cang Nà, thị xã Nghĩa Lộ, năm nay đã 86 tuổi cho biết, trước đây gia đình nào muốn cho con cái học chữ Thái cổ đều phải đầu tư rất tốn kém. Bản thân ông năm lên 7 tuổi đã phải lặn lội sang nhà thầy mo Lò Văn Phớ, cách nhà nửa ngày đường, để học chữ. Học phí cho mỗi buổi học là 1 bung thóc (tương đương 15kg). 

Chữ Thái cổ quý giá là thế, nhưng trong giai đoạn hiện nay, giới trẻ không còn mặn mà. Sợ rằng cái chữ của tổ tiên sẽ bị thất truyền, ông Biến đã tình nguyện mang cả kho tàng ấy truyền dạy miễn phí cho thế hệ trẻ. 

Từ năm 2006, ông Biến dành căn phòng rộng nhất của gia đình làm nơi dạy chữ miễn phí. Lớp học chữ của ông chủ yếu dạy các bài hát, bài khắp cổ ngày xưa, nên có rất nhiều thanh niên trong vùng thích và theo học… thậm chí sau này có cả những nghiên cứu sinh người nước ngoài như Nhật Bản, Thái Lan, Pháp… tới xin học. 

Không riêng gì nghệ nhân Lò Văn Biến, nhiều nghệ nhân ở các vùng DTTS Yên Bái cũng đang cố níu giữ, trao truyền văn hóa truyền thống. Nghệ nhân Hoàng Văn Thành, dân tộc Tày, ở xã Xuân Lai, huyện Yên Bình, trải lòng, nhận thấy nhiều con em dân tộc Tày trong vùng không còn biết đánh đàn tính, không biết hát then, ông buồn lắm. Vậy là năm 2015, ông cùng nhiều già làng tâm huyết thành lập Câu lạc bộ văn hóa dân gian xã Xuân Lai để truyền dạy đánh đàn tính, hát then cổ, hát văn quan làng, hát cọi…

Những ngày đầu hoạt động, bản thân ông bỏ tiền túi mua đàn tính để có nhạc cụ dạy học... Nhờ sự dìu dắt, chỉ bảo của ông và các cụ cao niên trong Câu lạc bộ, nhiều học sinh đã dần quay lại với dân ca quê mình. 

Tích cực hỗ trợ 

Trao đổi về quan điểm gìn giữ văn hóa truyền thống của các DTTS, bà Lê Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch tỉnh Yên Bái cho rằng, việc gìn giữ văn hóa truyền thống cần xuất phát từ yếu tố nội thân, nội tại của chính đồng bào DTTS, ngành Văn hóa chỉ có thể nỗ lực hỗ trợ từ phía ngoài như cơ sở vật chất, quảng bá văn hóa truyền thống để người dân tự hào, tự lực gìn giữ.

Cụ thể, thời gian vừa qua, Sở đã tích cực đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc tỉnh Yên Bái. Xây dựng con người Yên Bái với những phẩm chất “Tự tôn, tự trọng, tự hào, nhân ái, nghĩa tình, thân thiện, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”; đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục lịch sử - văn hóa con người Yên Bái.

Ngành Văn hóa cũng khảo sát các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một và tiến hành đưa vào danh mục bảo tồn văn hóa cấp quốc gia; hoàn thiện hồ sơ Nghệ thuật xòe Thái trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2020. Xây dựng hồ sơ Di tích danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải đề nghị công nhận Di tích danh thắng quốc gia đặc biệt vào năm 2019, đề nghị Chính phủ trình UNESCO công nhận Di tích danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải là di sản thế giới vào năm 2024. Mở rộng không gian di tích quốc gia bến Âu Lâu.

“Chúng tôi cũng hy vọng với tinh thần tự thân, tự lực này, đồng bào các DTTS tỉnh Yên Bái sẽ chắt lọc những nét tính túy của văn hóa truyền thống truyền lại cho thế hệ trẻ. Có như vậy, văn hóa của các DTTS mới giữ được những nét đặc sắc nhất sẵn sàng hòa nhập mà không hòa tan trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay”, bà Lê Thị Thanh Bình nhấn mạnh.

Chúng tôi cũng hy vọng với tinh thần tự thân, tự lực, đồng bào các DTTS tỉnh Yên Bái sẽ chắt lọc những nét tính túy của văn hóa truyền thống truyền lại cho thế hệ trẻ. Có như vậy, văn hóa của các DTTS mới giữ được những nét đặc sắc nhất”.

Bà Lê Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch tỉnh Yên Bái.

Tin cùng chuyên mục
Kon Tum: Bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng văn hóa dân gian

Kon Tum: Bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng văn hóa dân gian

Kon Tum vùng đa dạng và phong phú về bản sắc văn hóa, với 43 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, có 7 DTTS tại chỗ gồm: Ba Na, Xơ Đăng, Gié Triêng, Gia Rai, Brâu, Rơ Măm, Hrê. Cộng đồng các DTTS tại chỗ trên địa bàn đang sở hữu một kho tàng văn hóa dân gian vô cùng phong phú, sinh động…