Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chuyên đề

Kiên Giang: Đảm bảo nguồn nhân lực cán bộ cho phát triển bền vững vùng DTTS

Như Tâm - 08:30, 15/07/2024

Thời gian qua, song song với việc quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, khu vực biên giới, tỉnh Kiên Giang đã chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ người DTTS . Nhờ đó, tỉnh luôn đạt và vượt chỉ tiêu về tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong hệ thống chính trị phục vụ cho công cuộc phát triển bền vững vùng DTTS, nhất là ở những địa bàn đặc thù biên giới và hải đảo.

Ông Danh Phúc, Trưởng Ban Dân tộc trao xe đạp cho các em học sinh DTTS vượt khó học giỏi
Ông Danh Phúc, Trưởng ban Dân tộc trao xe đạp cho các em học sinh DTTS vượt khó học giỏi

Chú trọng xây dựng và sử dụng cán bộ người DTTS 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”. Với lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc, huấn thị của Người càng sâu sắc hơn; bởi đây là lĩnh vực đa ngành, đạt thành tựu trong công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc sẽ góp phần quan trọng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

Xác định vai trò của cán bộ trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, tỉnh Kiên Giang đã quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ là người DTTS. Nhờ đó, trong mỗi giai đoạn khác nhau, với các yêu cầu nhiệm vụ theo từng thời kỳ, đội ngũ cán bộ người DTTS của tỉnh Kiên Giang đều đáp ứng đủ và vượt về số lượng so với tỷ lệ dân số là người DTTS của tỉnh; bảo đảm cơ cấu thành phần.

Theo ông Danh Phúc, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, toàn tỉnh hiện có 27 thành phần dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn; trong đó có 03 dân tộc có dân số đông là Kinh, Khmer, Hoa. Đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ 14,78% dân số toàn tỉnh. Theo Đề án Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới được ban hành tại Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016, tỉnh có tỷ lệ người DTTS từ 10% đến dưới 30% tổng dân số, thì tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh tối thiểu là 5% tổng số biên chế được giao. Tỉnh Kiên Giang luôn đạt và vượt chỉ tiêu này.

Việc bảo đảm tỷ lệ cán bộ người DTTS trong hệ thống chính trị, có thể xem là một thành tựu đáng ghi nhận của tỉnh Kiên Giang. Nhất là trong bối cảnh Kiên Giang, cũng như các địa phương khác đang quyết liệt thực hiện tinh giản biên chế theo chỉ đạo của Trung ương, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS của tỉnh vẫn vượt tỷ lệ so với yêu cầu theo quy định tại Quyết định số 402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, hơn 05 năm trước, theo Kế hoạch số 167/KH-UBND ngày 22/11/2018 về thực hiện “Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới trên địa bàn tỉnh Kiên Giang”, toàn tỉnh có 2.912 biên chế trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh là người DTTS, chiếm tỷ lệ 7,61%. Đến hết năm 2023, số lượng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS của tỉnh là 2.507 người; số lượng đảng viên là người DTTS năm 2023 có 4.070, chiếm tỷ lệ 6,5%.

“Tỉnh luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS của tỉnh hiện có 277 đảng viên tham gia cấp ủy các cấp, có 01 đại biểu Quốc hội, có 377 đại biểu HĐND các cấp”,  ông Danh Phúc, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho hay.

Trung tá Danh Tâm (bìa phải) được Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phân công về nhận nhiệm vụ Chính trị viên Đồn BP Phú Mỹ ở huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang
Trung tá Danh Tâm (bìa phải) được Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phân công về nhận nhiệm vụ Chính trị viên Đồn BP Phú Mỹ ở huyện Giang Thành

Tăng cường "hạt nhân" bảo vệ vùng phên giậu

Qua thực tế cho thấy, đội ngũ cán bộ người DTTS được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng hợp lý, nhờ đó lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đạt được những thành tựu to lớn; vùng DTTS của tỉnh đã có những chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Minh chứng rõ nhất là, hiện toàn tỉnh có 42/49 xã thuộc vùng DTTS đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số xã, ấp còn nhiều khó khăn, kéo theo nguy cơ tiềm ẩn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nhất là ở những địa bàn giáp biên, mức sống của một bộ phận đồng bào DTTS còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh, tình hình an ninh biên giới vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.

Với thực trạng này, Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh để triển khai hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh ở các xã, phường biên giới. Đặc biệt, hai cơ quan đã tăng cường đội ngũ cán bộ là người DTTS về các địa bàn biên giới để “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, vừa giúp đồng bào phát triển kinh tế, vừa bảo vệ vững chắc vùng phên dậu.

Đại tá Huỳnh Văn Đông, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Kiên Giang, cho biết, thời gian qua, lực lượng BĐBP tỉnh đã phối hợp tham gia củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Đảng ủy BĐBP tỉnh đã giới thiệu 52 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 52 chi bộ ấp, khu phố khu vực biên giới; đồng thời cử 408 đảng viên là cán bộ các Đồn Biên phòng tham gia phụ trách 1.843 hộ gia đình ở khu vực biên giới...

Cán bộ Đồn BP Thổ Châu tham gia tuyên truyền và nhân rộng mô hình: Tập thể Đồn Biên phòng Thổ Châu “Khéo vận động ngư dân chấp hành tốt trong phòng, chống khai thác IUU” do đơn vị xây dựng và đạt giải nhất Hội thi dân vận khéo
Cán bộ Đồn BP Thổ Châu tham gia tuyên truyền và nhân rộng mô hình: Tập thể Đồn Biên phòng Thổ Châu “Khéo vận động ngư dân chấp hành tốt trong phòng, chống khai thác IUU” do đơn vị xây dựng và đạt giải nhất Hội thi dân vận khéo

Theo Đại tá Huỳnh Văn Đông, trong công tác phối hợp, Bộ Chỉ huy BĐBP và Ban Dân tộc tỉnh luôn quan tâm đề xuất đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người DTTS, trong đó chú trọng thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú; bồi dưỡng đoàn viên ưu tú là người DTTS giới thiệu kết nạp đảng và phát triển đội ngũ cán bộ BĐBP là người DTTS.

Góp sức phát triển bền vững vùng DTTS

Từ thực tiễn công tác, các cán bộ là người dân tộc Khmer, cán bộ biên phòng ở cấp Chỉ huy đồn, ngoài việc hoàn thành nhiệm được giao, đã phát huy được tài năng và sở trường trong vùng đồng bào DTTS; thường xuyên “bám trụ, bám dân, bám địa bàn”, thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”. Từ đó, làm tốt công tác vận động các vị sư sãi, đồng bào Khmer tham gia bảo vệ đường biên cột mốc, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến từng hộ dân; đội ngũ cán bộ này cũng đã có tham mưu cho Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy xây dựng triển khai thực hiện nhiều hoạt động gắn với các phong trào, mô hình thiết thực, giúp an dân vùng biên giới 

"Ở Kiên Giang hiện có nhiều tấm gương là cán bộ, chiến sĩ BĐBP người DTTS đang ngày đêm đóng góp công sức để bảo vệ vững chắc vùng phên giậu”, Đại tá Huỳnh Văn Đông cho hay.

Đánh giá thêm về công tác đảm bảo nguồn nhân lực cho phát triển bền vững vùng DTTS, ông Danh Phúc, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang khẳng định: Những cán bộ, chiến sĩ BĐBP là người DTTS đã và đang cùng với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS ở Kiên Giang ngày đêm nỗ lực, đóng góp cho sự phát triển bền vững của vùng DTTS, khu vực biên giới của tỉnh. 

Đặc biệt, với trình độ ngày càng được bồi dưỡng, đào tạo nâng lên, cũng như am hiểu bản sắc văn hóa của đồng bào, đội ngũ cán bộ người DTTS của tỉnh đang là “hạt nhân” đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào, từ đó tiếp tục củng cố, tăng cường niềm tin của đồng bào vào sự lãnh đạo, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, có ý thức cảnh giác trước những âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Kiên Giang là tỉnh có đường biên giới trên bộ giáp Campuchia dài 49,677 km, có vùng biển rộng hơn 63.293km2, có 143 hòn đảo (trong đó có Đảo Thổ Châu cách đất liền xa thứ nhì sau Đảo Trường Sa). Toàn tỉnh có 15 huyện, thành phố (12 huyện và 03 thành phố), 144 xã, phường, thị trấn, 950 ấp, khu phố, (có 7 huyện, 3 thành phố biên giới biển và đất liền (huyện Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, Châu Thành, An Biên, An Minh, Kiên Hải; thành phố Hà Tiên, Rạch Giá và Phú Quốc), 01 cửa khẩu quốc tế (Hà Tiên), 01 cửa khẩu quốc gia (Giang Thành).

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người có uy tín chung sức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Tương Dương (Nghệ An): Người có uy tín chung sức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cùng với nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) và sự chung tay góp sức của đội ngũ Người có uy tín trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện hiệu quả các dự án của Chương trình; huyện vùng cao Tương Dương (Nghệ An) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống đồng bào từng bước được nâng lên, cơ sở hạ tầng thiết yếu đã có nhiều khởi sắc.