Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Kiên Giang: Xã ven biển Lình Huỳnh đón mùa Xuân đầu tiên trong diện mạo NTM

N.Tâm - H.Diễm - 13:39, 12/01/2022

Từ một xã ven biển có xuất phát điểm thấp, đời sống Nhân dân khó khăn, cơ sở hạ tầng yếu kém, nhưng sau nhiều năm với sự quyết tâm, đồng lòng, từ mùa xuân này, xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) đã được ghi danh xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

Kinh tế biển phát triển đời sống người dân ngày càng khấm khá
Người dân phẩn khởi hoàn tất việc sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng cuối năm

Về thăm xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) những ngày cuối năm, sẽ cảm nhận không khí rộn ràng phấn khởi của cán bộ chính quyền, người dân nơi đây. Trên các tuyến đường cờ hoa đỏ rực, nhiều hộ tất bật hoàn tất việc chế biến, sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng dịp cuối năm; niềm vui hiện rõ trên từng nét mặt người dân, dường như đã đẩy lùi bức tranh ảm đạm trong cuộc sống của một năm đầy khó khăn bởi ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. 

Từ một xã nhiều khó khăn, sau bao năm quyết tâm vượt qua khó khăn của xã nghèo ven biển, với nhiều tiêu chí NTM thấp...để xây dựng và chính thức trở thành xã NTM vào cuối năm 2021, Lình Huỳnh hôm nay đã khoác lên mình diện mạo mới. Đường giao thông kiên cố tỏa đi khắp các xóm, ấp, một số tuyến đã được bê tông hóa, tạo điều kiện cho người dân lưu thông dễ dàng; nhất là thuận lợi cho người dân giao thương hàng hóa, góp phần thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. 

Hệ thống trường học, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng mới kiên cố, rộng rãi phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của Nhân dân. Hệ thống điện thắp sáng phục vụ sinh hoạt, sản xuất được đầu tư xây dựng, phủ khắp tất cả các khu dân cư...

Bên cạnh đó, để đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân, xã ưu tiên các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để người dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Điển hình như, mô hình giao khoáng đất rừng ven biển để người dân vừa trồng rừng chắn sóng, bảo vệ rừng phòng hộ; vừa tận dụng mặt nước dưới tán rừng nuôi trồng thuỷ hải sản. Qua đó, góp phần đưa thu nhập của người dân bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã cuối năm 2021 còn dưới 2%.

Anh Nguyễn Văn Cộng, ngụ ấp Cây Trôm kể, năm 2005, anh được chính quyền xét cho nhận khoán đất rừng với diện tích gần 3ha. Với diện tích đó anh đã đắp đê, gia cố bờ bao vững chắc để trồng rừng kết hợp nuôi thuỷ, hải sản. Hằng năm anh thu lợi từ nuôi trồng hơn 100 triệu đồng và 10 năm trồng rừng/1 chu kỳ khai thác tỉa thưa rừng đước theo qui định, anh thu nhập một lần hơn 300 triệu đồng trên khu đất nhận khoán của anh. 

“Không chỉ gia đình tôi, mà còn nhiều hộ gia đình cùng ấp cũng thực hiện nhận khoán đất rừng của Nhà nước, nhờ vậy mà ai cũng khá lên. Sau khi thu hoạch gỗ tôi đã có thêm một ít vốn, nên gia đình quyết định nhận khoán thêm hơn 5ha rừng ven biển nữa. Hiện tại cây rừng của tôi có thể khai thác được rồi, nhưng cây trồng càng lâu thì bán càng có giá. Lần khai thác cây kỳ tới gia đình dự kiến thu được từ 500 đến 800 triệu đồng, một phần để tái đầu tư còn lại sẽ xây dựng lại căn nhà kiên cố”, anh Cộng  chia sẻ.

Người dân xã Lình Huỳnh chung tay xây dựng những tuyến đường xanh
Người dân xã Lình Huỳnh chung tay xây dựng những tuyến đường xanh

Trong quá trình thực hiện xây dựng NTM, cùng với sự đầu tư nguồn lực từ Nhà nước, còn có sự chung tay của người dân trên địa bàn đóng góp công sức, tiền của xây dựng giao thông nông thôn; nhất là trong lĩnh vực văn hóa - giáo dục, nhiều người dân đã không ngần ngại hiến đất xây dựng trường học, để những đứa trẻ làng chài bớt gian nan trên con đường đi tìm ánh sáng tri thức.

Như ông Đặng Văn Dũng, ngụ ấp Huỳnh Sơn, xã Lình Huỳnh, đã tự nguyện hiến hơn 5.000m2 đất để địa phương xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Ông chia sẻ: “Tôi làm điều này vì tôi không muốn những đứa trẻ ở xã này không phải thiệt thòi như thế hệ chúng tôi. Chúng cần được học hành tử tế, để sau này phát triển quê hương.”

Xã tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ môi trường nông thôn
Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ môi trường nông thôn luôn được xã chú trọng

Không dừng lại ở xã NTM, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào nơi đây đang quyết tâm xây dựng một Lình Huỳnh trở thành xã nông NTM nâng cao, góp phần đưa huyện Hòn Đất về đích huyện NTM vào năm 2025.

Ông Lê Hoàng Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Lình Huỳnh cho biết: Để đạt mục tiêu xã NTM nâng cao, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã xây dựng phương án, lộ trình cụ thể để thực hiện. Xã chú trọng chỉ đạo, vận động Nhân dân quan tâm thực hiện vào các tiêu chí đạt thấp, chưa bền vững như, tiêu chí môi trường. Theo đó, xã tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ môi trường nông thôn, tổ chức ra quân vệ sinh, xóa cầu tiêu trên sông, vận động Nhân dân xử lý rác thải tại nhà bằng thùng đốt rác mini.

Bên cạnh đó, tiếp tục huy động nguồn lực để đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn; lắp đặt camera an ninh trên các tuyến đường đảm bảo an ninh, trật tự, xóa điểm đen về tội phạm trên địa bàn xã; chỉ đạo các hội đoàn thể phối hợp với cán bộ ấp vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo hiểm y tế…”.

"Để hoàn thành mục tiêu xã đạt chuẩn NTM nâng cao, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Lình Huỳnh vẫn sẽ cần phải cố gắng rất nhiều. Nhưng với sự quan tâm của Nhà nước, sự chung tay đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân nơi đây, tin rằng Lình Huỳnh sẽ sớm đạt được mục tiêu này./.